Giáo viên yêu cầu giải nghĩa: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", học trò ghi vài dòng khiến cô bật ngửa: Hiểu chết liền!

Vân Trang |

Bài làm văn của học trò dưới đây khiến giáo viên bất lực đến nỗi phải phê ngay 3 chữ “Hiểu chết liền!”.

Câu chuyện về những bài làm văn “bá đạo” của các em học sinh luôn là chủ đề thú vị, nhận được sự quan tâm nhiều trên mạng xã hội. Bởi trí tưởng tượng của học sinh là rất phong phú, vượt ngoài tầm kiểm soát của thầy cô khiến họ đôi khi phải bất lực, thở dài ngao ngán.

Chẳng hạn như trường hợp bài kiểm tra văn dưới đây của một bạn học sinh cấp 2 nhận được "cơn mưa" lời khen từ cư dân mạng. Giáo viên đọc bài văn xong bất lực đến nỗi chỉ để lại lời phê vỏn vẹn 3 chữ: “Hiểu chết liền!”

Cụ thể, đó là một câu làm Văn 6 điểm với đề bài yêu cầu hãy giải thích câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” từ đó rút ra bài học trong việc chọn bạn mà chơi.

Đây là một câu tục ngữ quen thuộc với bao thế hệ học sinh. Tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi qua trí tưởng tượng của học sinh này thì lại hoàn toàn rẽ sang hướng khác.

Giáo viên yêu cầu giải nghĩa: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, học trò ghi vài dòng khiến cô bật ngửa: Hiểu chết liền! - Ảnh 1.

Bài văn khó đỡ của học trò.

Nguyên văn bài viết của học sinh này như sau:

"Trong cuộc sống con người như chúng ta, ai cũng có bạn để chơi trong việc chọn bạn mà chơi. Ông bà ta có câu 'Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng'.

Mực là con mực dùng để làm mực viết. Đèn là bóng đèn để soi sáng. Vì sao chúng ta phải nói 'Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng'? Vì khi chúng ta đến gần mực thì nó sẽ phun mực đen ra, còn gần đèn thì sáng. Hồi còn học lớp 3, ba mẹ dẫn em đi tắm biển gặp phải một con mực nhưng đến gần thì nó phun nước lại phun mực đen ra ở đó.

Tối về nhà bật đèn lên thì lại sáng. Nếu không có mực viết và đèn thì xã hội sẽ ra sao? Thì xã hội sẽ rất tối và không có mực để viết. Đến bây giờ câu tục ngữ này vẫn đúng cho đến ngày nay và trong việc 'chọn bạn mà chơi'.”

Ai cũng phải bất ngờ trước sự định nghĩa của học trò này. Dù không có một chút liên quan nào đến câu gốc, tuy nhiên cũng có thể thấy được sự sáng tạo và trí liên tưởng của học sinh. Nhiều người tò mò không biết giáo viên sẽ chấm cho học sinh được mấy điểm đây, không khéo còn bị 0 điểm mất!

Với câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” thông thường sẽ có 2 hướng hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng:

- Về nghĩa đen, mực được hiểu là mực viết, nếu tiếp xúc gần sẽ dễ làm dơ tay và bẩn quần áo, còn đèn là dụng cụ chiếu sáng và phát sáng, nên khi đến gần chúng ta cũng sẽ được chiếu sáng.

- Về nghĩa bóng, nếu ta biết chọn bạn tốt để chơi thì bản thân cũng sẽ tiến bộ và tốt theo người đó. Nhưng nếu chọn sai bạn hoặc chơi với bạn xấu thì bản thân sẽ bị ảnh hưởng, lôi kéo theo hướng xấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại