Dạy học cho con trẻ lớp 1 chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Bởi trẻ tầm tuổi này mới chỉ từ mẫu giáo lên, chưa ý thức nhiều về hành động của mình. Dù kiến thức đơn giản nhưng trẻ toàn học đâu quên đó, vừa giảng bài xong thì đã cho ra cách làm một nẻo.
Vậy nên rất cần sự chung tay của cả giáo viên và phụ huynh. Như mới đây, một câu chuyện của bà mẹ có con đang học lớp 1 đã gây xôn xao dân mạng. Người mẹ này tâm sự mỗi lần cho con đi học về thường bị cô giáo kêu ca nghịch ngợm. Đến khi bà mẹ này lắp thiết bị nghe lén thì sự thực lại chỉ đúng một nửa.
Con cái thường xuyên bị giáo viên kêu ca, nhưng khi mẹ lắp thiết bị nghe lén thì phát hiện sự thật bất ngờ (Ảnh minh họa)
Nguyên văn dòng chia sẻ của bà mẹ này như sau:
Tâm sự con đi học chút cho nhẹ lòng các mom: Học lớp 1 này áp lực thật đấy, một phần vì kiến thức mới các con cần học, một phần vì chuyện học của con.
Không biết con các mom đi học có ngồi im, khoanh tay 24/24h không? Chứ ngày nào đi học cô cũng quát mắng, réo tên con mình mà thấy mệt mỏi quá trời (con mình con gái). Ngày nào cũng bêu tên trước lớp, kêu ca. Mình về cũng đánh, chửi con nhiều nghĩ tội nó quá.
Về sau, mình có quan sát kĩ cài thiết bị nghe lén và hỏi rất nhiều các bạn trong lớp, con mình thi thoảng ngọ quậy, quay qua quay lại... Nhìn chung cả buổi cô nhắc khoảng 1-2 lần. Cuối buổi đón con cô réo tên, kêu ca mà hầu như phụ huynh khác ai cũng nghĩ con mình cá biệt ý. Tâm lý con cũng sợ hãi. May con mình học tốt, cũng thuộc top khá giỏi trong lớp.
Hôm nay cô lại kêu ca, bực dọc về chuyện hỏi tên đầy đủ của bố, mẹ và ngày sinh của con mà con không thuộc. Cô liền chê bai trước cả lớp mà nghĩ nó nhục quá các mom ạ. Không ngày nào cô không kêu ca, không cái này thì cái nọ, mà cứ đứng trước lớp, trước các phụ huynh khác mà nói xơi xơi ý.
Sau khi đọc câu chuyện, rất nhiều phụ huynh đã chia sẻ ý kiến của mình. Hầu hết đều cho rằng nếu sự thật lời chia sẻ của bà mẹ là đúng, thì phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn với giáo viên, yêu cầu chấm dứt ngay tình hình này.
Dạy học cho trẻ lớp 1 khá áp lực, nên việc cô giáo có những hành vi không đúng là điều cần được góp ý ngay lập tức. Nếu để lâu dài không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ với phụ huynh, mà còn khiến học trò sợ việc học và không nghe theo lời cô giáo.
Phụ huynh K.T chia sẻ câu chuyện tương tự: "Góp ý với cô giáo thôi mẹ bé à. Nếu đúng như mẹ nói mà góp ý cô không thay đổi thì chuyển lớp thôi. Trẻ con nghịch là chuyện bình thường. Ngoan quá mới lo đấy.
Con mình, hồi cho đi học trước khi vào lớp 1, ngày đầu tiên cô cũng kêu 'dạy mãi mà chẳng biết viết, đọc chậm lắm'. Cô còn nổi tiếng dạy giỏi. Nhưng con mình nhát, cô nói thế làm bé sợ hơn. Hôm sau mình phải chuyển cô khác, học muộn hơn các bạn 1 tháng. Sau 6 buổi theo kịp luôn. Không quan trọng cô dạy giỏi hay không. Lớp 1 thì mình cần dạy con thích và yêu việc học".
Phụ huynh P.H chia sẻ ý kiến: "Lớp 1 dạy học quan trọng lắm mom à, nên trao đổi thẳng thắn với giáo viên xem. Mình thấy cô giáo có thể gặp chuyện bực mình hay gì đó nên mới để trường hợp như vậy. Phải hỏi rõ ràng thì mới đỡ trách oan cho giáo viên được. Chứ như con mình ngày xưa hồi đầu học kém, mà chỉ 1 cô chủ nhiệm thôi mà cả khối biết con mình làm bài ẩu. Ngại lắm".
Hiện câu chuyện vẫn tiếp tục được bàn tán rôm rả trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa
Phụ huynh và giáo viên cần hợp tác thế nào khi có con học lớp 1?
- Tránh phê bình công khai trẻ em trước mặt bạn cùng lớp và các bậc phụ huynh
Để cha mẹ quan tâm đến việc học tập của con cái, nhiều giáo viên thích phê bình công khai trẻ em. Tuy nhiên điều này chỉ khiến phụ huynh thêm xấu hổ, còn học trò lại tự ti, dần chán ghét việc đến trường. Vậy nên nếu có việc gì liên quan đến con cái và chuyện học tập, tốt nhất nên nhắn tin riêng.
- Thường xuyên lắng nghe và trao đổi việc học tập
Trách nhiệm dạy dỗ học sinh lớp 1 phải là của chung cha mẹ và học sinh. Với sự phát triển hiện đại của công nghệ, cha mẹ có thể dễ dàng hỏi giáo viên tình hình học tập qua group chat chung, gọi điện. Hãy cố gắng thiết lập 1 ngày cố định trong tuần để gặp gỡ. Điều này vừa biết sớm tình hình của con, vừa kịp thời hiểu được nỗi lòng giáo viên.