Giao thông tê liệt vì lũ dữ

T.H - Đức Sơn |

Ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến giao thông nhiều địa phương tê liệt. Thời điểm này, công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra. Đáng chú ý, Hà Nội đã cấm cầu Long Biên, rà soát các cầu vượt sông...

Giao thông tê liệt vì lũ dữ: Hà Nội cấm cầu Long Biên - Ảnh 1.

Cầu Long Biên và cầu Chương Dương nhìn từ trên cao (ảnh chụp chiều 10/9). Ảnh: Lê Khánh.

Cấm cầu Long Biên, rà soát các cầu vượt sông

Từ 15h ngày 10/9, do nước sông Hồng lên báo động một 9,5 m (cao nhất là báo động ba), UBND TP Hà Nội quyết định cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên. Khi đảm bảo an toàn, TP Hà Nội sẽ có thông báo. Từ năm 2008 đến nay, lũ mới lên cao như vậy. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.

9h cùng ngày, ngành đường sắt đã dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, đồng nghĩa 5-6 đôi tàu sẽ phải dừng lại.

Trước đó, sáng 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ô tô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn. Hiện để di chuyển qua sông Hồng, ôtô trọng tải lớn chỉ có thể đi cầu Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.

Đại lộ Thăng Long bị ngập nhiều vị trí trên đường gom ở cả hai chiều. Vì thế Sở Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến. Sở cấm phương tiện lưu thông trên tuyến đường gom đại lộ Thăng Long theo các lý trình cụ thể như sau:

Bên phải tuyến từ lối vào nút giao hầm chui đường sắt đến lối ra nút giao khu đô thị An Khánh; từ lối vào nút giao tỉnh lộ 80 đến lối ra nút giao KCN cao Láng - Hòa Lạc.

Bên trái tuyến từ lối vào nút giao cầu vượt Sài Sơn đến lối ra nút giao Hầm chui đường sắt; từ lối vào nút giao KCN cao Láng - Hòa Lạc đến lối ra nút giao tỉnh lộ 80. Thời gian thực hiện từ 9h ngày 10/9 đến khi có thông báo thay thế.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh có công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá toàn bộ công trình cầu trên địa bàn, đặc biệt cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm để xử lý ngay nếu có nguy cơ mất an toàn.

Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị được quyết định việc tạm dừng hoạt động công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn, hướng dẫn tuyến đường tránh cho phương tiện. Trường hợp cần thiết, các đơn vị cho dừng khai thác để sửa chữa, cải tạo, hoặc thay mới.

Giao thông tê liệt vì lũ dữ: Hà Nội cấm cầu Long Biên - Ảnh 2.

Mực nước sông Lô dâng cao, chảy xiết khiến một số phương tiện tàu, thuyền bị mắc vào chân cầu Vĩnh Phú. Ảnh: Hoàng Sơn.

Cấm phương tiện qua cầu Vĩnh Phú để xử lý tàu mắc kẹt vào trụ cầu

Sáng 10/9, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ tạm cấm các phương tiện giao thông qua cầu Vĩnh Phú để xử lý tàu và xà lan mắc kẹt vào trụ cầu. Đồng thời, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) hạn chế phương tiện thủy lưu thông qua khu vực này.

Do ảnh hưởng mưa bão, sáng 10/9, mực nước sông Lô dâng cao ở mức báo động. Do dòng nước chảy xiết, một số phương tiện tàu, thuyền bị mắc vào chân cầu Vĩnh Phú. Xà lan lớn có một phần chui vào gầm cầu, đầu chạm mép bê tông. Dòng chảy xiết của sông Lô khiến các phương tiện này di chuyển liên tục, tăng nguy cơ gây hư hại cho cầu Vĩnh Phú. Để đảm bảo an toàn, 8h sáng 10/9, lực lượng chức năng đã ban hành lệnh khẩn cấp tạm dừng các phương tiện giao thông lưu thông trên cầu Vĩnh Phú. Lực lượng chức năng triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn đối với các tàu, thuyền bị mắc kẹt; đặt biển cảnh báo, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Mực nước sông Lô đang lên rất cao, nước chảy xiết, việc kéo sà lan giải cứu cầu dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Chiều cùng ngày, các tàu, thuyền mắc kẹt đã được giải phóng. Lãnh đạo 2 tỉnh cũng thống nhất để lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kiểm định lại cầu trước khi đề xuất phương án cho lưu thông trở lại.

Hà Nội: Đắp đê ngăn nước tràn vào quốc lộ 6 qua Chương Mỹ

Đê Tả Bùi thuộc thôn Tinh Mỹ, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, nước cách mặt đê khoảng 30 cm. Nếu nước tràn qua đê sẽ uy hiếp khu vực dân cư rộng lớn các xã Trung Hòa, Thanh Bình, khu công nghiệp Phú Nghĩa và quốc lộ 6.

Từ 14h, nghe chính quyền phát loa thông báo hộ đê, người dân đến mỗi lúc một đông, xúc cát vào bao tải đắp trên đoạn đê dài khoảng 50 m. Đến 15h, đã có hàng trăm người đắp đê tại nhiều điểm.

T.H

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại