Năm 2017 đánh dấu chặng đường 15 năm lên sóng của chương trình Táo quân VTV. Đồng hành cùng Táo quân từ năm 2007, "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng được biết tới với vai trò người viết kịch bản chính cho chương trình.
"Giáo sư Xoay" cho hay, chỉ riêng khâu viết kịch bản cho Táo quân cũng có rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết và ai cũng hiểu.
Anh chia sẻ, mặc dù đồng hành cùng Táo quân 11 năm nay nhưng anh chưa từng biết rằng thực sự thì có bao nhiêu người cùng tham gia viết kịch bản cho chương trình:
"Nếu hỏi tôi về số người viết kịch bản cho Táo quân hay là có những ai, những ai cùng viết thì thú thực là tôi không biết được đâu.
Mỗi người được giao hoàn thành một phân đoạn nhỏ, và cứ việc của ai thì người đó làm thôi. Tôi chỉ biết rằng anh Đỗ Thanh Hải sẽ là người duyệt và "chốt" cuối cùng".
Đinh Tiến Dũng chia sẻ về việc viết kịch bản Táo quân.
Với "Giáo sư Xoay", kịch bản của Táo quân thực sự là một bài toán khó đối với anh và anh em trong ê-kip: "Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi bắt đầu làm kịch bản Táo quân từ năm 2007, tới nay là khoảng 11 năm đồng hành rồi, và năm nào tôi cũng bí ý tưởng hết!
Hãy tưởng tượng như bạn được giao 1 mớ rau muống, 1 con gà… nói chung là vật liệu thì không thay đổi nhưng bạn phải nấu làm sao cho cả nhà ăn luôn cảm thấy ngon miệng và mới mẻ. Nói thế để thấy rằng cái quá trình "nấu nướng", làm kịch bản rất là phức tạp.
Chỉ riêng chuyện tắc đường, năm nào cũng có nhưng mỗi năm vấn đề này lại phải được thể hiện theo một cách khác nhau. Thế nên anh em "bí" thường trực, đôi khi chúng tôi làm việc bất kể giờ giấc, 2h sáng mà nghĩ ra cái gì đó mới vẫn có thể gọi điện cho nhau".
"Phải khẳng định rằng các diễn viên của Táo quân cực kỳ tài năng".
Tuy thường xuyên rơi vào tình trạng "bí" ý tưởng cho kịch bản, song "Giáo sư Xoay" tiết lộ, để hoàn thành kịch bản Táo quân, các biên kịch thường dựa trên hai phương pháp cụ thể:
"Để làm kịch bản thường có hai hướng. Đầu tiên là hướng đã thành "thương hiệu", đây được gọi là hiệu ứng lặp.
Ví dụ như nghệ sĩ Đức Khuê, anh ấy rất nổi tiếng với vai người nói nhiều, nên chỉ cần anh ấy nói lại câu: "Nói nhiều không phải là nói nhiều mà là nói nhiều" thế là đủ để gây tiếng cười cho khán giả. Đó là sự nhấn mạnh những thứ đã thành thương hiệu của một cá nhân, một chương trình.
Và hướng thứ hai là sáng tạo ra những điều mới. Để làm được điều này thì phải nghe ngóng. Rất may mắn là ngày nay công nghệ thông tin phát triển, khán giả cũng có khả năng hài hước nhất định. Anh em biên kịch chúng tôi có thể phối hợp với nhau và sắp xếp lại các "nguyên liệu" này để thành một mâm cỗ hài hòa, hợp lý".
Tuy vất vả và khó khăn song Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận rằng việc nằm trong đội ngũ biên kịch của Táo quân giúp anh học hỏi được rất nhiều điều:
"Đối với tôi, việc viết kịch bản cho Táo quân giống như một kỳ thi cuối năm vậy. Tôi sẽ phải giải quyết 1 lượng công việc cực lớn, số tài liệu phải đọc rất nhiều và có nhiều con người tài năng, chuyên nghiệp sẽ đồng hành cùng tôi.
Đinh Tiến Dũng có 11 năm viết kịch bản cho Táo quân VTV.
Mỗi "kỳ thi" này khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Mặc dù rất vất vả nhưng dù thế nào anh em trong ê-kip vẫn phải thi, vẫn phải vượt qua thôi.
Vài năm đầu khi làm kịch bản Táo quân, tôi căng thẳng lắm! Đứng trên cương vị người làm kịch bản, tôi lo rằng không biết người diễn có… thuộc lời không, không biết diễn viên diễn đoạn này có thể hiện được hết ý tưởng của kịch bản không…
Nhưng sau đó, phải khẳng định rằng các diễn viên của Táo quân cực kỳ tài năng. Như anh Chí Trung, anh Tự Long, vẫn chỉ là một câu thoại thôi nhưng các anh có thể làm ra một đoạn cực kỳ hài hước.
Đối với những tình huống mà chúng tôi có thể bật cười khi xem diễn tập rồi đến khi xem trên sân khấu lại bật cười nữa, thì đó đều là nhờ sự tài năng của các diễn viên".