Giáo sư Vũ Hà Văn tiết lộ lương nghiên cứu của quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup cao hơn ở Mỹ: 'Tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu dám làm những điều mà trước đây họ không có điều kiện thực hiện'

Long Hiệp |

Hơn 4 tháng sau sự kiện Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) công bố tài trợ 20 dự án khoa học và công nghệ mà giới nghiên cứu vẫn gọi là "chưa từng có ở Việt Nam", giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Quỹ VINIF mới có dịp ngồi lại để trải lòng về quãng đường đã qua và cả những ấp ủ cho trí tuệ Việt.

Theo giáo sư Vũ Hà Văn, nghiên cứu khoa học là nền tảng phát triển công nghệ, công nghiệp của các quốc gia nhưng lại chưa hiệu quả ở Việt Nam.

Với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, giáo sư Văn kỳ vọng sẽ “xây dựng được văn hóa nghiên cứu khác trước đây và từ đó lan tỏa ra xã hội”, bắt đầu từ chính cách làm khoa học mà Quỹ đang hỗ trợ thực hiện.

Làm nhanh nhưng phải "chất"

- Nhiều chủ nhiệm dự án khi nhìn lại quãng thời gian chỉ 6 tháng từ xét duyệt tới lúc giải ngân vẫn chưa hết ngạc nhiên và cho rằng đó là kỷ lục. Điều này hoàn toàn khác so với cách làm của các quỹ khác tại Việt Nam. Sự thần tốc này liệu có đi đôi với chất lượng không, thưa ông?

Chất lượng là điều chúng tôi coi trọng nhất. Chúng tôi xét chọn theo 3 vòng. Vòng đầu tiên đã được thực hiện với sự tham gia chấm điểm của chuyên gia từ các trường và viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước.

Sau đó, chúng tôi mời 40 nhà khoa học nước ngoài từ các trường nổi tiếng trên thế giới đến thẩm định. Mỗi dự án qua các vòng đều có ít nhất 3 người thẩm định. Đến vòng cuối, chúng tôi mời tất cả các chủ nhiệm dự án đến để thuyết trình bảo vệ trước hội đồng do Viện (Big Data) thành lập.

Tiêu chí lựa chọn dự án là phải mới và có tính nghiên cứu cơ bản, đồng thời có định hướng ứng dụng. Kết quả đầu ra của dự án ngoài ấn phẩm trên các tạp chí uy tín, yếu tố quan trọng nữa là dự án phải hướng tới sản phẩm cụ thể, tức là phải có khả năng ứng dụng được trong công nghệ, công nghiệp của Việt Nam.

Thêm nữa, chủ nhiệm dự án phải trả lời được câu hỏi về định hướng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn: sau 2-3-5 năm, bước tiếp theo của bạn là gì? Chủ nhiệm dự án phải có tầm nhìn xa, chứ không chỉ nghĩ tới việc làm dự án, báo cáo xong kết quả là dừng lại.

- Ông đánh giá thế nào về các dự án gửi xét duyệt nhưng không được chọn để nhận tài trợ? Những dự án này có thể hoàn thiện để tham gia tiếp vào năm sau không?

Với những người chưa được tài trợ năm nay, chúng tôi khuyến khích mọi người tiếp tục tham gia vào năm sau, đặc biệt là các dự án đã lọt vào vòng cuối cùng. Đây là những dự án rất chất lượng, tiệm cận 20 dự án được chọn.

Tất nhiên, các dự án này sẽ phải cập nhật lại tính mới, tính sáng tạo cho phù hợp với sự phát triển rất nhanh của khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo mà chúng tôi quan tâm.

- Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup có ràng buộc hay cam kết gì với những người nhận tài trợ không, thưa ông?

Quỹ trao trách nhiệm cho các chủ nhiệm dự án chủ động thực hiện chương trình của mình. Bên cạnh đó, đội ngũ cố vấn dự án do Quỹ tuyển chọn sẽ hỗ trợ, cố vấn cho dự án theo chu kỳ nhất định. Sau khoảng 1/3 thời gian thực hiện dự án, phía Quỹ sẽ tiến hành đánh giá, kiểm tra tiến độ.

Đầu ra của dự án sau khi nghiệm thu sẽ được bàn giao cho viện, trường và các nhà khoa học. Nhà nghiên cứu hoàn toàn sở hữu các sản phẩm trí tuệ của mình.

Giáo sư Vũ Hà Văn tiết lộ lương nghiên cứu của quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup cao hơn ở Mỹ: Tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu dám làm những điều mà trước đây họ không có điều kiện thực hiện - Ảnh 1.

"Lương" nhà nghiên cứu... cao hơn Mỹ

- Là nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu ở nước ngoài, ông đánh giá, mô hình Quỹ VINIF đã tiệm cận với thế giới chưa?

Quỹ mới hoạt động năm đầu tiên, thậm chí không có thời gian chạy đà. (Các quỹ tương tự ở VN hay trên thế giới thường có thời gian chạy đà/chuẩn bị từ một đến hai năm.) Bởi vậy, sẽ có những vấn đề chúng tôi cần tối ưu. Nhưng ở một số điểm mấu chốt, mô hình của VINIF có ưu điểm hơn các quỹ trước nó.

Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (The National Science Foundation - NSF), một trong những quỹ lớn của Mỹ và thế giới, chỉ xét duyệt 1 vòng. Quỹ này yêu cầu nộp dự án từ tháng 10, tới tháng 12, hội đồng sẽ mời các chuyên gia tới đọc một lượt, chấm điểm rồi quyết định trong một vòng xét duy nhất.

Trong khi ấy, ngoài hai vòng chấm điểm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, VINIF có thêm phần thuyết trình bảo vệ dự án của các chủ nhiệm dự án trước hội đồng. Người làm dự án sẽ có cơ hội thể hiện trực tiếp ý tưởng của mình để hội đồng hiểu và đánh giá sát thực tế hơn.

Ngân sách tài trợ nghiên cứu đến từ tập đoàn tư nhân nên giảm thiểu được nhiều thủ tục, giấy tờ. Mức hỗ trợ, về tài chính, nếu tính theo tháng lương của nhà nghiên cứu, thì cao hơn mức ở Mỹ rất nhiều.

Lương cứng của các nhà khoa học Việt Nam thấp, họ không thể tập trung nghiên cứu mà thường phải làm nhiều việc khác để tăng thu nhập.

Bởi vậy, chúng tôi để mức tài trợ của quỹ cao hơn mức lương cứng nhiều lần, đảm bảo một cuộc sống tương đối thoải mái trong thời gian làm dự án, để nhà khoa học có điều kiện tập trung toàn lực vào nghiên cứu.

Nơi các nhà khoa học dám làm

- Nhìn câu chuyện rộng hơn, ông đánh giá thế nào về việc một doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản - lĩnh vực trước đây rất ít doanh nghiệp tư nhân quan tâm?

VINIF là Quỹ tư nhân lớn nhất ra đời ở Việt Nam về tài trợ khoa học và công nghệ. Việc một tập đoàn tư nhân hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản ở mức này, như các chủ nhiệm dự án phản ảnh với tôi, là chưa có ở Việt Nam. Bỏ qua vấn đề tài chính, về mặt tư duy đây đã là một bước đột phá rất đáng quan tâm.

Ở phương Tây, việc một doanh nghiệp tư nhân tài trợ trực tiếp vào các trường đại học hoặc lập ra quỹ tài trợ khoa học tương tự như VINIF là chuyện khá phổ biến. Rất nhiều trường đại học có phòng thí nghiệm hay giáo sư hoàn toàn do tư nhân tài trợ. Đó là một cách họ hoàn lại cho xã hội một phần những gì họ có được và cũng là một cách đầu tư vững chắc nhất vào tương lai.

Ở Việt Nam vẫn chưa có văn hóa này. Sự liên kết giữa các doanh nhân hay các tập đoàn lớn với các nhà nghiên cứu hầu như chưa tồn tại.

Sự kết nối, nếu có thường chỉ ở mức đặt hàng, tức là doanh nghiệp cần gì thì đặt nhà nghiên cứu làm rồi trả tiền. Chúng tôi hy vọng trong tương lai cách làm này sẽ thay đổi và sẽ xuất hiện thêm những quỹ hay chương trình tài trợ tương tự như VINIF.

- Ông từng bày tỏ, ông mong muốn các nhà nghiên cứu khoa học không còn phải luẩn quẩn với những dự án "chắc ăn", nghĩa là viết được bài để nghiệm thu được, mà có thể dám làm những điều họ ước mơ. Với VINIF, ông có niềm tin sẽ thay đổi được điều này?

Điều chúng tôi muốn không chỉ là hỗ trợ cho một số dự án cụ thể mà qua đó xây dựng một văn hóa, tác phong, nghiên cứu mới. Từ chuyện xét duyệt đến giải ngân, cho đến tính hiệu quả và chuyên nghiệp của các công trình.

Chúng tôi cố tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho nhà nghiên cứu có thể chuyên tâm vào dự án của mình. Họ dám làm những điều mà trước đây họ không có điều kiện để thực hiện. Và tất cả chúng ta có cơ sở để hy vọng vào những đột phá mà họ mang tới.

Bản thân nhà khoa học được tài trợ cũng cần cảm thấy phần trách nhiệm của mình. Với các tài trợ này, chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra một môi trường, tác phong chuyên nghiệp, và nó sẽ lan toả từ đội ngũ chủ nhiệm dự án tới các nghiên cứu viên trẻ và sinh viên cùng tham gia.

Sự khác biệt phải do bản thân nhà khoa học tạo ra, ở trong chính môi trường làm việc của họ.

- Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại