Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, trả lời như sau:
Đối với các môn học trong chương trình đào tạo, nhà trường đều có chuẩn về giáo trình, đề cương chi tiết, đề thi và quy trình kiểm tra đánh giá.
Một hoặc hai giảng viên không liên quan, không ảnh hưởng đến việc sinh viên, học viên tốt nghiệp mà đây là sự cố hy hữu, cũng đã từng xảy ra. Về mặt luật pháp, quy chế đào tạo, sinh viên hoàn toàn không có lỗi. Do vậy, quyền lợi của người học cần được đảm bảo.
Theo điều 15 và khoản 1, điều 25 Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT về ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân thì bằng tốt nghiệp không phải do giảng viên cấp.
Nếu sinh viên đã đủ các điều kiện còn lại thì bằng tốt nghiệp của sinh viên vẫn có giá trị và sẽ không bị thu hồi hay hủy bỏ.
Giảng viên sử dụng bằng cấp giả thì bị xử lý như thế nào?
Tại khoản 3, điều 54, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 quy định rõ: "Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là Thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng, trình độ của chức danh giảng viên dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ".
Giảng viên sử dụng bằng cấp giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, và có thể đối diện với mức hình phạt cao của khung hình phạt này là lên đến 5 năm tù (khoản 2, điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung vào năm 2017).
"2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm."