Còn nhớ cách đây không lâu, đoạn clip ghi lại hình ảnh nữ giảng viên Đại học Công nghiệp đi dạy 4 tháng không trùng bất cứ bộ đồ nào đã gây sốt trên MXH khi hút về hàng triệu lượt xem. Kèm theo đó là những bàn tán xôn xao của cư dân mạng, có người còn đồn cô giáo vốn là... người mẫu, thậm chí còn nói cô là đại gia đi dạy cho vui thôi. Bằng mọi cách, chúng tôi đã "lùng được" info của cô để làm cho bằng được một bài phỏng vấn.
Hoá ra nữ giảng viên gây sốt ở đoạn clip thuộc thế hệ 9x, cô nàng tên Nguyễn Quỳnh Mai bắt đầu câu chuyện khi nhắc tới sự nổi tiếng bất ngờ trên MXH TikTok nhờ mác "giảng viên lên đồ 4 tháng không trùng". Tưởng cuộc nói chuyện chỉ xoay quanh thời trang, nhưng quan điểm về GenZ của cô giáo Mai lại thú vị hơn rất nhiều.
Loạt hình ảnh gây sốt của cô giáo trên MXH
Ăn mặc đẹp ngoài yêu bản thân thì cũng là tôn trọng người đối diện, nhất là với những người làm nghề giáo dục như chúng tôi
Bạn giới thiệu về mình cho mọi người cùng biết được không?
Xin chào, tôi là Nguyễn Quỳnh Mai, tôi rất tự hào khi được giới thiệu rằng Quỳnh Mai đang là Giảng viên của Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Trường ĐH đầu tiên của Bộ Công thương lọt vào top các trường ĐH tốt nhất Châu Á.
Sau khi đoạn clip giảng viên lên đồ 4 tháng không trùng bộ nào trên TikTok viral trên MXH, bạn có thấy mình nổi tiếng hơn không?
*Cười*. Cảm ơn câu hỏi của bạn, dùng chữ "nổi tiếng" thì cũng hơi quá nhưng Quỳnh Mai cảm nhận được mọi người xung quanh có vẻ quan tâm tới mình nhiều hơn về clip đã xuất hiện trên mạng xã hội vừa rồi.
Các sinh viên đã nói gì khi thấy bỗng dưng cô giáo nổi trên mạng xã hội?
Quỳnh Mai có nhận được rất nhiều tin nhắn từ sinh viên, cũng có nói "cô ơi, em thấy hình cô trên mạng nè". Thấy các bạn sinh viên quan tâm đến mình như vậy, mình rất bất ngờ và cũng rất là vui.
Nhiều người cho rằng giảng viên đi dạy thì chỉ cần ăn mặc thanh lịch là được rồi, đâu cần ăn diện quá đâu?
Quỳnh Mai nghĩ rằng không có thước đo cụ thể nào để đo được độ vừa đẹp hay đẹp quá. Với tôi, tiêu chí khi chọn trang phục đi làm là sự chỉn chu, thanh lịch và phù hợp với hoàn cảnh. Mình mặc đẹp thì ngoài yêu bản thân cũng là đang tôn trọng người nhìn, nhất là với những người làm giáo dục như tôi nữa. Chưa kể, tất cả các bạn nữ trên thế giới này đều yêu thích thời trang, yêu thích cái đẹp.
Hình ảnh đời thường của giảng viên Quỳnh Mai
Trang phục khi đi coi thi của Quỳnh Mai
Mỗi khi ra đường hay đi dạy, thời gian bạn chuẩn bị mất bao lâu?
Tôi tin là bạn nữ nào cũng sẽ đồng cảm với chuyện là phái đẹp nhiều khi rất... ngẫu hứng. Hôm mình rảnh, cảm thấy yêu đời thì sẽ chịu khó đầu tư, còn hôm "trời âm u" thì coi như chẳng buồn đánh son nữa. Thông thường dạy buổi chiều chẳng hạn, buổi sáng tôi sẽ chăm chút cho bản thân nhiều hơn. Còn những ngày quá bận rộn sẽ makeup đơn giản, chọn trang phục đã được ủi sẵn từ hôm trước là xong.
Làm sao có thể đi dạy trong 4 tháng liên tiếp từ đôi giày cho đến phụ kiện như khăn, túi đều không trùng? Tủ đồ của bạn phải khổng lồ lắm!
Tôi cảm ơn những lời khen có cánh như là nickname khá sang chảnh "giảng viên không trùng trang phục nào". Tuy nhiên, một người bình thường làm gì có nhiều đồ đến mức lúc nào cũng không mặc trùng, tôi nghĩ rằng điều này chỉ là sự ngẫu nhiên khi phối đồ mà thôi.
Là một giảng viên khá là trẻ, khi đi dạy có sinh viên phần lớn là độ tuổi từ 1998 đến 2002, bạn có cảm nhận như thế nào?
Theo nghiên cứu gần đây, GenZ là thế hệ được định nghĩa là những người bản địa kỹ thuật số, họ sinh ra và lớn lên trên nền tảng digital và social media. Các bạn ấy sẽ có những đặc tính khác so với thế hệ 9x của Quỳnh Mai. GenZ sẽ nhạy cảm với thông tin hot nhiều hơn, hoặc họ bắt trend một cách nhanh chóng hơn. Và một điểm đặc biệt hơn cả, họ chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh cá nhân của mình hơn.
Trên quan điểm một giảng viên, theo bạn ưu/ khuyết điểm của Gen Z là gì?
Các đối tượng tiếp xúc của Quỳnh Mai đa phần là thế hệ Z, nếu nói về ưu điểm và khuyết điểm thì không có thế hệ nào có thể phân biệt rõ cả. Đó là đặc trưng về tính cách làm cho họ khác biệt so với các gen khác thôi. Tuy nhiên, điều tôi thấy rất rõ ở GenZ là các bạn có sự năng động, tự tin và nhạy cảm đối với thông tin rất nhiều.
Quỳnh Mai rất chú trọng quan tâm đến cảm xúc sinh viên
Đã có một trường hợp hay bạn sinh viên nào đó quá cứng đầu, làm cho bạn nghĩ con đường mình đi quá khó khăn chưa?
Bạn cũng từng đi học rồi chắc sẽ biết, trong lớp thế nào cũng sẽ có những sinh viên có cá tính mạnh, thích hỏi, thậm chí sẽ là "đánh đố" thầy của mình, nhưng có bạn lại chỉ luôn im lìm hơn trong lớp. Một trường hợp cụ thể thì tôi không thể nhớ rõ vì dạy... nhiều quá. Nhưng cơ bản sinh viên bây giờ các bạn cũng ngoan mà. *cười lớn*
Theo cô các bạn bây giờ đa số đều rất dễ thương
Con người mà, ai không ghen tị, nếu tôi nói chưa từng ghen tị với đồng nghiệp thì đó là nói dối!
Làm việc trong môi trường công sở, bạn lại có ngoại hình thu hút thế này, đã bao giờ bạn cảm nhận được sự ghen tị từ đồng nghiệp chưa?
Các đồng nghiệp ở ĐH Công nghiệp của tôi dễ thương lắm, họ yêu tôi không hết ấy! Nhưng mà thế này, cảm giác ghen tị, đố kị hay không hài lòng ở đối phương thì không hẳn là điều tiêu cực lắm đâu.
Bạn có thể nói rõ hơn được không?
Con người mà, ai không ghen tị, nếu tôi nói chưa từng ghen tị với đồng nghiệp thì đó là lời... nói dối. Lấy ví dụ ở Quỳnh Mai nhé, bản thân tôi cũng có cảm giác đố kị hay ghen tị với người giỏi hơn mình. Tuy nhiên, mình phải biến sự đố kị đó thành động lực, suy nghĩ xem làm thế nào tương lai của mình ở độ tuổi đó sẽ có sự thành công như họ.
Thường có định kiến là người đẹp thì họ không giỏi, và giỏi thì không đẹp, có ai đánh giá tri thức của bạn qua vẻ bề ngoài chưa?
Không có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ đẹp thì không giỏi và ngược lại. Tôi nghĩ đẹp có nhiều khía cạnh đẹp: đẹp về kiến thức, đẹp về hình thức, đẹp về tâm hồn. Bất kỳ người nào cũng có nét đẹp riêng của họ.
Nhiều người, trong đó có cả phụ nữ nghĩ rằng con gái không cần học quá nhiều, chỉ cần lấy chồng giỏi là được...
Phụ nữ là phái đẹp, nếu bạn có sự tự tin, kèm theo đó lại có chuyên môn, thì "độc lập - tự chủ" thôi. Tôi không phải là người tự tin hô hào nữ quyền, nhưng ai trong chúng ta cũng có quyền chọn cho mình một cách để sống. Tôi không tự tin chuyện lấy chồng giỏi, làm bản thân mình ngày một giỏi thì khả thi hơn nhiều.
Ban ngày đi dạy, ban đêm đi tụ điểm giải trí là chuyện... rất bình thường
GenY là thế hệ nổi loạn nhưng đến một độ tuổi nhất định họ sẽ trầm lắng hơn, trưởng thành và giấu "con quỷ nổi loạn" đó vào bên trong, bạn có phải là người như thế?
Tôi thuộc thế hệ Millennials - GenY, bất kỳ ai cũng có nhiều trạng thái cảm xúc, lúc thì buồn, lúc thì muốn nổi loạn hay trầm lắng không muốn nói chuyện với ai. Khi là sinh viên tôi cũng khá nổi loạn, tức là muốn làm những việc khác hơn so với bản thân bình thường.
Công việc đã phần nào "kiềm chế" tính nổi loạn của bạn?
Nổi loạn hay hiền lành không phải dùng nghề nghiệp để kiềm chế. Đó là các trạng thái cảm xúc khác nhau của một con người mà thôi.
Trước TikTok hay có trào lưu ngày lao động hết mức, đêm đi bar "quẩy" nhiệt tình, bạn có như thế không?
*Cười ngượng ngùng*
Tất nhiên ai cũng phải có nhu cầu giải trí chứ, ban ngày đi dạy, buổi tối có thể đi xem phim nghe nhạc... hay đến các tụ điểm là điều hết sức bình thường.
Vậy bạn nghĩ gì về việc có nhiều bạn trẻ là antifan trên mạng, cuộc sống bên ngoài có thể bình thường nhưng khi lên mạng lại có những lời lẽ rất gay gắt?
Tôi nghĩ thế này, việc yêu ghét ai đó là chuyện vô cùng bình thường. Có lúc mình cảm thấy rất yêu thương, nhưng có những lúc mình cảm thấy trong lòng đầy rẫy cảm xúc tiêu cực, điều này còn phụ thuộc vào suy nghĩ của từng người khác nhau.
Riêng về GenZ, các bạn có sự nhạy cảm về những thông tin hot, khi ấy họ sẽ chuyên tâm "bàn luận hơi sâu" về thông tin đó thôi, hết hot thì không bàn tán nữa. Nhưng tôi tin, thời gian sẽ giúp GenZ trưởng thành. Ngoài ra, chúng ta cũng đang được pháp luật bảo vệ trên MXH, nếu ai trong số chúng ta cảm thấy mình đang bị tấn công quá đà, hoàn toàn có thể nhờ pháp luật can thiệp.
Cảm ơn Quỳnh Mai vì những chia sẻ này!
Một vài hình ảnh đời thường của giảng viên Quỳnh Mai: