Giang hồ núp bóng công ty đòi nợ thuê

PHAN ANH - THY THƠ - LÊ PHONG - PHẠM DŨNG |

Dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng. Các công ty đòi nợ thuê thường sử dụng chiêu trò, đe dọa kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần con nợ

Theo UBND TP HCM, đến cuối năm 2017, TP có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các công ty này vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỉ đồng, thấp nhất là 2 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động "chui"

Trong số này, 44 công ty đã hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động. Số doanh nghiệp còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.

Hiện nay, rất nhiều công ty đòi nợ thuê đăng thông tin quảng cáo rầm rộ trên mạng internet. Ngày 28-9, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm đến địa chỉ của 10 công ty đòi nợ thuê rao trên mạng. Kết quả, chỉ có 2 công ty đúng địa chỉ như quảng cáo, còn lại là địa chỉ giả. Muốn liên hệ với các công ty này chỉ có cách gọi điện thoại hẹn gặp tại quán cà phê.

Là một nạn nhân của công ty đòi nợ thuê, bà Hồ Thị Bích (ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8) cho biết gia đình bà có người thân hùn hạp làm ăn với một người bạn và bị thua lỗ. 

Trong lúc tìm cách khắc phục hậu quả, người làm chung một mực yêu cầu đòi lại tiền đã góp. 

Sau đó, gia đình bà nhận được một tờ giấy thông báo rằng công ty đòi nợ thuê K. yêu cầu phải thanh toán tiền nợ. Hôm sau, một nhóm thanh niên lạ mặt, trên người đầy hình xăm tìm đến nhà bà chửi bới và liên tục đe dọa. Hôm sau ngủ dậy, cả gia đình phát hiện sơn đỏ, mắm tôm kín cửa nhà.

"Ngày nào gia đình cũng bị khủng bố. Nói là công ty mà chẳng thấy nhân viên ngoài những người "giang hồ" mặt mày dữ tợn tìm tới. Có người còn khoe từng ngồi tù để gây áp lực tới gia đình tôi" - bà Bích kể lại.

Trong khi đó, ông L.V.M, chủ tiệm sửa xe máy ở TP HCM, than thở gần đây, một số người tự xưng là nhân viên công ty tài chính E. liên tục khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện thoại vào lúc 1-2 giờ, đề nghị ông nhắc nhở người nhà trả nợ 50 triệu đồng.

Giang hồ núp bóng công ty đòi nợ thuê - Ảnh 2.

Một gia đình tại huyện Hóc Môn, TP HCM bị nhân viên công ty đòi nợ thuê đập phá tài sản. Ảnh: LÊ PHONG.

Đề nghị cấm kinh doanh

Theo Công an TP HCM, từ đầu năm 2018 đến nay đã ghi nhận trên 40 trường hợp có dấu hiệu cưỡng bức con nợ. Hầu hết các đối tượng là thành phần bất hảo từ miền Bắc vào Nam hình thành băng nhóm.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng Phòng Tham mưu, người phát ngôn của Công an TP HCM - cho biết khi hoạt động tại TP HCM trong lĩnh vực tín dụng đen, đòi nợ thuê, các tội phạm nói trên còn ẩn náu trong vỏ bọc là một số công ty, tiệm cầm đồ, nhìn bề ngoài hợp pháp nhưng thật ra hoạt động tội phạm… Các băng nhóm đòi nợ thuê đi thành từng nhóm với các thanh niên xăm mình gây hoang mang, lo sợ cho con nợ.

Ngoài ra, nhiều băng nhóm dùng những thủ đoạn như tạt sơn, tạt mắm tôm, ném rắn vào nhà gây lo sợ cho các con nợ.

Các băng nhóm này thường thuê chung cư cao cấp lưu trú; hành lang pháp lý còn bất cập nên việc điều tra, triệt phá chúng không dễ dàng. Một số núp bóng vỏ bọc là công ty tài chính, tiệm cầm đồ.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khuyến cáo người dân không nên vay tiền của các băng nhóm vì nguy cơ bị thu lãi cao, bị đe dọa, bị làm phiền là rất lớn. Khi lỡ vay tiền với lãi suất cao và bị các băng nhóm quấy nhiễu thì cần thu thập chứng cứ, tố cáo đến cơ quan công an.

Trước tình hình phức tạp như trên, UBND TP HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào ngành nghề cấm kinh doanh. Bởi theo UBND TP, "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. 

Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, VKS, thi hành án... Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại sẽ có thẩm quyền thi hành. 

Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê. Ngoài ra, UBND TP đánh giá dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Trong trường hợp không thể cấm, TP đề nghị trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... Ngoài ra, cần thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ để tránh tình trạng không đòi trực tiếp con nợ mà qua thân nhân và gia đình của con nợ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, để ngăn chặn hành vi đòi nợ phản cảm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, thời gian nhắc nợ do bên cho vay và bên vay thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong thời gian từ 7-21 giờ, không bao gồm biện pháp đe dọa.

"Tuy vậy, để lách quy định, công ty tài chính lại thuê những công ty đòi nợ liên hệ với người vay để nhắc nợ. Tôi đồng tình với UBND TP HCM về việc kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh" - ông Minh nói.

Ngăn chặn biến tướng

. Đà Nẵng: Công an TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường rà soát nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn các đối tượng liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê và cho vay tiền với lãi suất cao.

. Quảng Nam: Theo Công an tỉnh Quảng Nam, hiện băng nhóm tội phạm từ các địa phương khác đến địa bàn tỉnh hoạt động núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tín dụng ngày càng nhiều. Đã có nhiều vụ phạm tội, vi phạm pháp luật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, xiết nợ, đòi nợ theo kiểu "xã hội đen".

. Cần Thơ: Công an TP Cần Thơ đang trấn áp tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trên địa bàn với lãi suất từ 30%-60%/tháng.

V.Quyên - T.Thường - C.Linh

Kiểm tra các công ty đòi nợ

Năm 2017, các cơ quan chức năng TP HCM đã kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền hơn 91 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như: sử dụng nhân viên không đúng điều kiện tiêu chuẩn; hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự mà không có giấy chứng nhận.

Khó cấm!

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến các bên liên quan về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 104 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đối với kiến nghị của UBND TP HCM, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp xem xét trong quá trình lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định (sửa đổi) nêu trên.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 104, chủ yếu vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và vi phạm về an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt, chỉ khi xảy ra các vụ việc thì lực lượng công an mới tham gia xử lý để ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Bộ Tài chính cũng chỉ rõ trong Nghị định 104 hiện hành, trách nhiệm của Bộ Công an chưa được quy định, lực lượng công an lại không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Do đó, đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần nâng cao vai trò của lực lượng công an trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là không hợp lý, bởi trên thế giới loại hình này hoạt động phổ biến. Ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ khách hàng cá nhân hay các công ty mà ngân hàng cũng sẽ giao khoán cho các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ làm nhiệm vụ thu hồi nợ thay họ.

Nhiều công ty đòi nợ có nhân lực, kinh nghiệm có thể gây áp lực, sử dụng biện pháp cứng rắn nhưng trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng không thể cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bởi hoạt động này diễn ra nhiều năm nay, đã có khung pháp lý để quản lý, hiện Bộ Tài chính đang sửa đổi để hoàn thiện hơn.

"Rất nhiều cá nhân, tổ chức không có đủ thời gian, khả năng để đi đòi nợ, họ có thể ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện việc này. Đó là quyền của người dân và dịch vụ này thỏa mãn những yêu cầu của thực tế. Cơ quan quản lý nên nhìn trên góc độ tích cực, không vì một số biến tướng mà cấm hẳn hoạt động này" - luật sư Tuấn Anh nêu.

Trước một số ý kiến cho rằng để giải quyết vay nợ, người dân có thể khởi kiện ra tòa thay vì tìm đến các công ty đòi nợ thuê, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết đưa vụ việc ra tòa cũng chưa bảo đảm hoàn toàn là người dân có thể thu hồi nợ, bởi còn phụ thuộc vào quá trình thi hành án.

Khi đưa vụ việc ra tòa có thể kéo dài hàng năm, nhiều bản án liên quan đến thu hồi nợ đã không thi hành được nên người dân không mặn mà.

Minh Chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại