Suýt trượt từ vòng gửi xe
Trước tết, tôi nhận được điện thoại gọi từ số của một người bạn ở huyện Mê Linh (Hà Nội), đến khi bắt máy lại nghe một giọng nói khác, nhưng vẫn thấy quen quen.
Chưa kịp đoán ra, người nói đã giới thiệu: “Bạn học cũ Giang còi đây. Tôi bây giờ chuyển về Mê Linh ở, trò chuyện thế nào mới biết hàng xóm cũng là bạn của ông. Lâu rồi không gặp, số điện thoại của nhau chả có. Lúc nào có dịp gặp nhau nhé…”.
Hơn ba chục năm trước, Hồng Giang và tôi cùng học tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Giang vào trường trước tôi một năm, học diễn viên, còn tôi học biên kịch, cùng ngành điện ảnh.
Hồi đó, lần đầu gặp Giang, tôi thấy anh nhỏ bé, hình thức có phần thua sút nếu so với các bạn cùng lớp diễn viên thời bấy giờ như Phạm Cường, Nguyễn Chiều Xuân, Bùi Thạc Chuyên, Trần Yến Chi (người đẹp từng đoạt giải “Cô gái thanh lịch” khi tham gia cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong lần đầu tổ chức vào năm 1988- PV), nhưng Giang “còi” lại rất có duyên.
Sau đó, tôi mới biết khi thi tuyển vào trường, Hồng Giang suýt trượt từ vòng đầu cũng chính vì hình thể “còi” của mình.
Số là hồi đó, một trong những tiêu chuẩn để thi tuyển diễn viên phải có chiều cao từ 1,65 mét trở lên, nhưng Giang “còi” lại thiếu khoảng 2 phân, thế là bị loại ngay từ vòng “gửi xe”.
Tuy nhiên, khi cuộc sơ tuyển tạm kết thúc, thấy Hồng Giang vẫn quanh quẩn bên ngoài nên một thầy trong ban tuyển sinh hỏi: “Bạn này, đo chiều cao hỏng rồi sao không về còn ngồi đây làm gì?”.
Hồng Giang nhanh nhảu: “Ở nhà em đo chiều cao đủ thầy ạ, không hiểu sao đến đây lại thiếu. Nhưng em nghĩ, làm diễn viên để thể hiện cuộc đời, nên cũng có người nọ người kia", Hồng Giang nói với giọng khẩn khoản, nét mặt vừa bi vừa hài.
Không rõ có phải do câu nói trên hay vì phát hiện ra tiềm năng diễn xuất ở Hồng Giang mà thầy giáo này đã tạo cho anh cơ hội vào thi.
Hồng Giang lọt qua sơ tuyển, đỗ trung tuyển và trở thành trưởng lớp kiêm Bí thư Chi đoàn của lớp diễn viên điện ảnh hệ đại học đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.
Hồi ức về Văn cao
… Ít lâu cuộc điện thoại nói trên với tôi, gần đây tôi nhận được lời mời lên nhà Hồng Giang chơi. Hôm đó, khi đang cùng anh bạn quê Mê Linh đến nhà Giang, chúng tôi lại được anh gọi điện lại để mời ra quán.
Tới nơi, tay bắt mặt mừng, Giang “còi” cho biết hôm nay anh còn mời thêm mấy người bạn nữa nên ra đây cho tiện.
Anh vừa nói xong, đã thấy họa sĩ Văn Thao tay chống ba toong cùng một số người nữa lại gần chỗ chúng tôi.
Hồng Giang giới thiệu họa sĩ Văn Thao và vợ ông với chúng tôi, rồi nói rất duyên: “Hôm nay một người rời phố về quê mới được tiếp đón người rời phố về núi đến chơi”.
Lát sau, qua nói chuyện, tôi mới biết vợ chồng họa sĩ Văn Thao đã rời Hà Nội lên mua đất dựng nhà tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Hòa Bình) được hơn chục năm nay.
Đây là một khu đất có địa thế đẹp, rộng vài héc-ta, khiến sau lần được giới thiệu đến xem họa sĩ Văn Thao đã nhất quyết mua mảnh đất này để rời phố về vùng núi ở.
Tại đây, ông dựng nhà, sống trong cảnh non nước hữu tình, và có những khoảng lặng để viết cuốn hồi ức về cha với tên gọi “Văn Cao-Đời và nghiệp”.
Họa sĩ Văn Thao chia sẻ: “Tôi là con đầu của nhạc sĩ, từng có không ít thời gian được ở bên cha trong sinh hoạt cũng như công việc nên có dịp chứng kiến nhiều buồn vui trong cuộc đời của nhạc sĩ Văn Cao.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã thu thập tư liệu, ghi chép của cha để nay có thể viết hồi ức về ông”.
"Ai cao to, đẹp trai thì đóng vua, đóng hoàng tử, còn em thấp đôi chút thì đóng vai người lùn. Thầy cho em vào thi thử nhé".
Nghệ sĩ Hồng Giang nói khi thi tuyển vào nghề
Nghe họa sĩ Văn Thao nhắc đến cha, Lê Hồng Giang cho biết anh được gặp nhạc sĩ Văn Cao lần đầu cũng vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Anh kể, năm 1984, trước khi thi tuyển diễn viên Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội chừng một năm, Hồng Giang là diễn viên của Đoàn kịch nói Hải Phòng.
Năm đó, Đoàn kịch nói Hải Phòng đã dựng vở kịch nổi tiếng “Lịch sử và nhân chứng” với hình tượng Bác Hồ, nên đã mời nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao về đảm nhận giúp công việc thiết kế mỹ thuật sân khấu.
Bấy giờ, là diễn viên trẻ mới được nhận vào đoàn kịch nên Hồng Giang chỉ được tham gia vài vai phụ, ngoài ra làm một số công việc khác của nhà hát.
Vì vậy, khi nhạc sĩ Văn Cao về Hải Phòng tham gia vở kịch “Lịch sử và nhân chứng”, Hồng Giang luôn có dịp ở gần ông để phục vụ và hầu chuyện.
Anh cho biết: “Có một chuyện khiến tôi nhớ mãi khi được chứng kiến tài năng của nhạc sĩ-họa sĩ Văn Cao.
Hôm đó, trước khi vở kịch diễn ra vào buổi tối, ban ngày nhạc sĩ Văn Cao chợt thấy một tấm gỗ dán to đã cũ để như đồ bỏ đi.
Ông bèn dựng tấm ván lên ngắm nghía, sau đó vào khu vực bếp rút ra một thanh củi đang cháy dở đem dụi tắt, rồi dùng than củi để bôi và vẽ lên tấm ván một số đường nét. Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao yêu cầu đem cắt tấm ván theo đường mà ông đã vạch.
Khi yêu cầu được hoàn thành, mọi người ngỡ ngàng khi thấy đó là hình một gốc cây cổ thụ rất đẹp, và đó chính là một trong những đạo cụ mỹ thuật để đưa lên sân khấu trong vở diễn sau đó”.
Tiếp câu chuyện trên của nghệ sĩ Giang “còi”, họa sĩ Văn Thao cho biết trong thời gian dựng vở “Lịch sử và nhân chứng” ông cũng từng về Hải Phòng để thăm cha.
Lê Hồng Giang qua đó đã quen biết họa sĩ Văn Thao, và tình bạn vong niên giữa họ đến nay đã vài chục năm.
Do chân yếu, bấy nay lại sống trên Hòa Bình nên giờ họa sĩ Văn Thao mới có dịp tới chỗ Hồng Giang chơi.
Từ phải sang: Họa sĩ Văn Thao, diễn viên Giang “còi” và những người bạn tại nhà vườn của gia đình.
Trai phố thích thôn quê
Sau cuộc gặp trên, Hồng Giang mời chúng tôi về nhà.
Lúc này, anh buồn rầu nói với họa sĩ Văn Thao: “Con chó quý của gia đình anh gửi tặng, gần đây lỡ ra ngoài bị bắt mất rồi. Bao năm con chó như người thân trong gia đình, nay bị mất khiến nhà thêm vắng vẻ”.
Con chó mà Lê Hồng Giang nói tôi từng được thấy trên một clip quay về cảnh sinh hoạt của gia đình anh được đưa lên mạng.
Trong clip, tôi ấn tượng với hình ảnh cậu con trai nhỏ tuổi của anh bơi dưới ao cùng với con chó rất đẹp.
Giờ tôi mới biết con chó này được họa sĩ Văn Thao tặng cho gia đình Giang đã lâu. Còn khi nghe Hồng Giang thông báo, họa sĩ Văn Thao cũng buồn, nhưng đã an ủi chó lỡ mất thì đành chịu, sau sẽ kiếm con khác.
Nhà của diễn viên Giang “còi” là khu đất rộng mười ngàn mét vuông, có đủ vườn cây, ao cá và cả chuồng nuôi thú cảnh. Giờ Hồng Giang đang một mình nuôi con nên có cảm giác nhà càng thêm rộng.
Chủ nhân tự vào vườn hái khế, rồi mời khách chấm ăn với muối hạt to mà người nông thôn hay dùng. Bên chiếc bàn kê ngoài sân vườn, anh kể chúng tôi nghe mình đã mua mảnh đất này từ hơn hai chục năm trước, giá thời đó chỉ bằng chiếc xe máy Dream. Dăm năm sau, Hồng Giang quyết định rời phố, đưa gia đình về quê sống.
Tại đây, mỗi khi có thời gian rỗi là Hồng Giang lại cuốc đất trồng cây, đào ao thả cá, nuôi gà, gia súc…, làm việc như một nông dân thứ thiệt, trong khi anh vốn là người thành phố.
Sau nhiều năm, người nghệ sĩ với biệt danh “còi” đã biến mảnh đất từng được coi là chỗ “đồng không mông quạnh” thành một khu nhà vườn đẹp.
“Nhiều hôm đi diễn mệt lả, đêm về được nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rích kêu trong không gian tĩnh mịch thấy mình như được lấy lại sức, tinh thần sáng láng hẳn lên”- diễn viên Hồng Giang chia sẻ.
Không chỉ đóng vai hài
Đề cập tới nghề diễn, đến nay không ít người vẫn nghĩ diễn viên Giang "còi" chỉ chuyên đóng những vai hài.
Nhưng trước đây, anh từng là diễn viên chính kịch, được nhiều đạo diễn mời vào các vai như: Nhân vật Toán trong phim "Người chiếu bóng", Hậu trong phim "Cựu chiến binh", Hạ trong phim "Khi đàn chim trở về", Minh trong phim "Chuyện vặt gia đình", Người buôn ma túy trong seri phim "Cảnh sát hình sự"…
Tuy vậy, phải thừa nhận, để có được thương hiệu Giang "còi" như hiện nay là nhờ việc anh tham gia chương trình "Gặp nhau cuối tuần" của Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong chương trình này, Giang "còi" đã đóng cùng Quang "tèo" khiến cả hai trở thành một cặp "song kiếm hợp bích", đem lại những tiếng cười vui cho khán giả màn ảnh nhỏ cả nước vào mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Thành công của vai diễn khiến đến nay mọi người cứ gọi anh là Giang "còi". "Và cũng nhờ đóng vai nông dân trong "Gặp nhau cuối tuần", mà Giang "còi" ngoài đời có thêm kinh nghiệm để nuôi gà, vịt trong khu nhà của mình" - Hồng Giang cười, chia sẻ.
Gần đây, khi chương trình "Gặp nhau cuối tuần" tạm ngừng, diễn viên Giang "còi" ít xuất hiện trên truyền hình hơn, nhưng vẫn đi diễn ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, trong anh vẫn luôn đau đáu đợi chờ một vai diễn "nặng cân" mới, đủ để mọi người nhắc đến tên nhân vật này, chứ không phải lúc nào cũng gọi mình là Giang "còi".