Theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ở TPHCM, kể từ ngày 1/3, toàn bộ heo nhập về TP phải đeo vòng nhận diện để việc truy xuất được dễ dàng. Heo ở các tỉnh không đeo vòng sẽ không được vào TPHCM. Chính vì vậy, nhiều nông dân, thương lái mua vòng đeo kiểu đối phó, còn người tiêu dùng thì chẳng thể truy xuất được nguồn gốc miếng thịt cầm trên tay.
Dân lúng túng
Thương lái tỉnh Đồng Nai phản ánh, từ đầu tháng 3 đến nay, những xe heo từ tỉnh này về các chợ đầu mối TPHCM, nếu chưa được đeo vòng truy xuất nguồn gốc, đều bị cơ quan chức năng ngăn không cho vào chợ.
Để đưa được heo về bán ở TPHCM, nhiều thương lái buộc phải mua vòng truy xuất nguồn gốc với giá 6.000 đồng/cặp, về yêu cầu các chủ trang trại gắn vào chân heo (mỗi con heo gắn một cặp vòng).
Bà Đỗ Thị Tâm, một thương lái chuyên cung cấp heo về chợ Tân Xuân (TPHCM) phản ánh, với quy định mới này mỗi ngày gia đình bà phải tốn thêm một nhân công chuyên làm công việc đeo vòng vào chân heo. Nhiều hôm bà Tâm phải cho xe về không vì khi đến trại mua heo ở Đồng Nai, chủ trại không thực hiện đeo vòng cho heo, dù bà đã thỏa thuận trước.
Hỏi ra thì chủ trại cũng lúng túng không biết đến chuyện đeo vòng. Ông Nguyễn Văn Diệp -một thương lái ở xã Gia Tân (Thống Nhất, Đồng Nai) phản ánh, nhiều chuyến vận chuyển đến nơi heo đạp đứt hết vòng, thế là con nào không có vòng đều bị trả về.
Ông Phạm Đức Thụ, người chăn nuôi ở xã Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) cho rằng: Năm nay giá gà, heo sụt giảm, người chăn nuôi lỗ, đang trên bờ vực phá sản, thêm việc đeo vòng cho heo làm người chăn nuôi rất lúng túng.
Nuôi con heo từ nhỏ đến lớn lần lượt được thú y, công an kinh tế vào trại kiểm tra chất cấm, khi xuất bán phải qua kiểm dịch thú y. Nay lại thắt thêm cái vòng nữa, quá phức tạp.
Ông Thụ nói: "Người chăn nuôi chúng tôi sẵn sàng ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc với mục tiêu đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Nhưng khi áp dụng quy trình kiểm soát mới thì nên rút gọn những quy định kiểm tra, kiểm soát cũ hoặc thống nhất thành một quy trình quản lý duy nhất".
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng máy quét.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây, hàng ngàn con heo vào chợ đầu mối Hóc Môn đều có đeo cặp vòng truy xuất nguồn gốc ở hai chân sau. Nhưng khi được hỏi, nhiều thương lái thừa nhận chỉ đeo để... đối phó.
Ông Bảy Thanh (thương lái heo ở Long An) cho hay, mỗi ngày ông gom hơn 100 con heo từ các hộ chăn nuôi, vì vậy ông mua sẵn 200 vòng và tự tay đeo cho heo ngay tại lò mổ. Heo có vòng truy xuất nguồn gốc đầy đủ, nhưng nếu có ai yêu cầu ông kiểm tra trên điện thoại để biết heo của hộ nào thì ông… chịu.
Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi có thực hiện truy suất nguồn gốc heo, người tiêu dùng cũng chẳng thể nào truy cho ra miếng thịt có từ đâu. Ngày 17/2, chị Đức Hiền (42 tuổi) chọn mua miếng thịt heo có tem truy xuất của siêu thị Co.op Food (chung cư Trương Đình Hội, Q.8). Loay hoay hơn 10 phút nhập thông tin không được.
Hỏi nhân viên thì được giải thích: "Theo quy định thì thịt heo tại đây phải có tem nhãn, nhưng truy xuất được hay không thì… hên xui. Với lại, thịt đã vào siêu thị rồi thì chắc chắn... an toàn". Tương tự, tại các điểm có đặt máy quét mã vạch cho thịt heo, người tiêu dùng cũng không thể truy xuất; nhân viên cho rằng do mạng yếu, truy cập lúc được lúc không (?!).
Ông Lê Văn Thành - đại diện một lò mổ ở Long An cho hay có đợt chỉ 4 - 5 ngày, hơn 6.000 vòng đeo truy xuất cho heo của đơn vị cung cấp vòng đã được bán hết. "Tất cả thương lái đều mua nhưng mua xong là đeo và chở heo đi, chẳng ai kích hoạt vòng. Không biết cơ quan quản lý truy xuất ra cái gì?" - ông Lực thắc mắc.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng công nhận việc đeo vòng rất lộn xộn. "Thương lái đã thay người nuôi đeo vòng tại lò mổ để đối phó nên không phân biệt được heo của hộ dân nào. Và họ trừ tiền vòng này bằng cách giảm giá mua heo nên hay xảy ra xung đột" - ông Đoán nói.
Chủ trại heo Lý Văn Thành (ở huyện Củ Chi, TPHCM) cho rằng, cái mà người tiêu dùng cần là sản phẩm được chăn nuôi an toàn, giết mổ an toàn và bày bán ở địa điểm an toàn.
Mặc dù để án truy xuất nguồn gốc thịt heo là nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng, nhưng không phải người nào đi chợ cũng cầm theo điện thoại thông minh để soi miếng thịt, mà đó là trách nhiệm chính của cơ quan chức năng. Trong khi đó, chính người chăn nuôi đã phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn.
Gỡ khó cho người chăn nuôi
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, nói: Đeo vòng chân cho heo là quy định của đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do TPHCM thực hiện.
Người chăn nuôi muốn bán sản phẩm vào thị trường này thì phải tuân theo quy định. An toàn vệ sinh thực phẩm là chủ trương lớn của Chính phủ nên tổ chức truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ là chương trình riêng của TPHCM, mà sau này Đồng Nai cũng sẽ làm.
Đối với những ý kiến phản ánh của thương lái và người chăn nuôi về vướng mắc, khó khăn trong thực hiện, các ngành chức năng của Đồng Nai sẽ làm việc với TPHCM để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, đại diện Sở Công Thương TPHCM cho rằng: Đeo vòng cho heo đúng là rất khó khi chưa nắm được quy trình. Quy trình này đã được cơ quan quản lý nhà nước tính toán cách thức hợp lí nhất, vì vậy phải từng bước làm quen. Thành phố phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Phương nói: "Nếu không thực hiện truy xuất nguồn gốc thì người chăn nuôi tự loại trừ mình, chắc chắn không vào được thị trường TPHCM. Người tiêu dùng, chính quyền không chấp nhận việc không thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Việc truy xuất là bắt buộc, là xu hướng tất yếu".
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nói người chăn nuôi Đồng Nai hoàn toàn ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc, nhưng đề nghị TPHCM xem lại giá cả mua vòng để giảm bớt chi phí cho bà con trong điều kiện hiện nay, đồng thời thành phố cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thị trường nhập khẩu để đảm bảo công bằng, minh bạch hơn.