Làm rõ động cơ, mục đích sửa điểm thi
Thông tin về kết quả, diễn biến điều tra vụ án gian lận thi cử tại Sơn La , Hà Giang, Hòa Bình cho thấy, hiện nay cơ quan điều tra mới khởi tố các đối tượng nâng điểm thi về một tội danh là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong khi đó, động cơ, mục đích nâng điểm và những quyền lợi mà những đối tượng này có được khi thực hiện hành vi nâng điểm cho một loạt thí sinh vẫn chưa được làm rõ.
Nếu các đối tượng trên nâng điểm vì thành tích của trường, của địa phương mà không vì lợi ích cá nhân, thì phải có chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục... Nếu như vậy thì phải xử lý tất cả những người có liên quan.
Còn nếu nâng điểm cho một số em lên cao ngất ngưởng không kém thủ khoa, thì cần làm rõ những thí sinh đó là con em của các gia đình nào? (có phải là con em nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số? Hay chỉ là con em của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, con nhà quan chức?).
Chỉ khi làm rõ những điều này, mới giải quyết triệt để được vấn đề, đảm bảo công bằng, bình đẳng và giải quyết những bức xúc, bất bình trong xã hội.
Thông tin gần đây cho thấy, có đối tượng ở Hòa Bình đã khai nhận số tiền hơn 500 triệu đồng để nâng điểm. Riêng trường hợp này, có căn cứ để khởi tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Với tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chỉ có yếu tố định khung hình phạt là gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.
Còn nếu những đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân thì không thuộc trường hợp xử lý theo tội danh này, mà phải xử lý theo tội danh khác.
Có thể là tội "Nhận hối lộ" khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Xử lý nghiêm phụ huynh dùng tiền “chạy điểm”
Ngoài ra, với những phụ huynh, người thân của các học sinh là người đưa tiền để các đối tượng sửa điểm, thì sẽ bị xử lý về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định cụ thể như sau:
1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 đến dưới 100 triệu đồng; b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.
3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng, thì bị phạt tù từ 7 đến 12 năm…
Vụ việc gian lận thi cử ở một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến một vài thí sinh, mà hàng triệu thí sinh.
Vì vậy, việc cơ quan chức năng làm đến cùng, không nể nang, bao che sai phạm cũng là mong muốn hoàn toàn chính đáng của học sinh và phụ huynh cả nước.