Ảnh minh họa: Wikimedia
Đài RT dẫn lời người đứng đầu khu vực Crimea Sergey Aksyonov cho biết cuộc tấn công "nghi do lực lượng Ukraine thực hiện". Khi xảy ra cuộc tấn công, có 12 công nhân đang ở giàn khoan. Năm người được giải cứu và 3 người bị thương.
Ông Aksyonov không tiết lộ địa điểm chính xác của giàn khoan mà chỉ xác nhận nó thuộc sở hữu của Công ty phát triển dầu khí ngoài khơi Chernomorneftegaz. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Naftogaz (Ukraine) cũng đang tranh chấp quyền sở hữu giàn khoan này kể từ năm 2014. Thời điểm đó, giàn khoan được quốc hữu hóa sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Người đại diện bán đảo Crimea tại Quốc hội Nga, Olga Kovitidi, nói rằng giàn khoan bị tấn công nằm cách cảng Odessa của Ukraine khoảng 71 km.
Trước đó, trong ngày 20-6, một số phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin hàng chục tên lửa được bắn vào đảo Rắn, ngoài khơi bờ biển Ukraine, hiện được cho là do lực lượng Nga kiểm soát. Tuy nhiên, nghị sĩ Ukraine Aleksey Goncharenko tuyên bố các tên lửa "tấn công giàn khoan khí đốt" chứ không phải đảo Rắn.
Lực lượng Ukraine và Nga vẫn đang giao tranh ở khu vực Donbas trong bối cảnh Kiev được phương Tây cung cấp vũ khí tinh vi hơn. Ukraine cam kết họ sẽ không sử dụng vũ khí nước ngoài để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhưng loại trừ bán đảo Crimea - vốn được Kiev xem là một phần lãnh thổ của mình. Thiếu tướng Dmitry Marchenko của Ukraine tuần trước kêu gọi phá hủy cây cầu kết nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.
Trong tháng này, lực lượng Ukraine thông báo đã triển khai tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất, một phần của hệ thống phòng thủ ven biển. Tuần trước, Kiev cho biết họ đã tấn công một tàu kéo quân sự Nga bằng 2 tên lửa này.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2 sau khi cáo buộc Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn Minsk, được ký lần đầu tiên vào năm 2014. Kể từ đó, Điện Kremlin yêu cầu Ukraine đứng trung lập và không gia nhập NATO.