Đây là lý do khiến Sở GTVT xem xét đề xuất giảm 10 km/giờ so với tốc độ hiện nay. Khả năng việc đề xuất giảm tốc độ sẽ được thực hiện ở nhiều tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt, quốc lộ 1, Kinh Dương Vương, Mai Chí Thọ và Nguyễn Văn Linh…
Chắc ai cũng thấu TNGT đã để lại cho xã hội những hậu quả đau lòng, tạo ra gánh nặng cho từng gia đình người bị nạn, cho xã hội, đặc biệt khi đa phần người bị nạn ở nước ta là những người trẻ tuổi. Nó cũng là nỗi lo thường trực của người dân TP mỗi khi ra khỏi nhà.
Vì vậy việc tích cực tìm các giải pháp kéo giảm TNGT là cần thiết và rất đáng trân trọng. Song điều này cần phải được khảo sát, tính toán một cách căn cơ, kỹ lưỡng, tránh vội vàng, duy ý chí.
Có thể việc nâng tốc độ phương tiện là cơ hội cho nhiều người “tăng tốc quá hớp” dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần dựa vào việc thống kê số vụ TNGT trước và sau khi điều chỉnh tăng tốc độ mà thiếu các phân tích, điều tra về nguyên nhân gây ra từng vụ TNGT cụ thể trên các tuyến đường này là có gì đó chưa được thuyết phục lắm.
Các vụ tai nạn ở 9/12 tuyến đường có tăng tốc độ có phải xuất phát “từ những trường hợp chạy 80 hay 60 km/giờ” không?
Hay tai nạn xảy ra do lái xe say xỉn, do đường sá xấu xí hoặc người đi đường gặp phải các trường hợp phóng nhanh vượt ẩu hay sự “du di” của lực lượng bảo đảm an toàn giao thông là CSGT, TTGT...? Điều này cần phải được phân tích một cách đầy đủ, cụ thể.
Theo thống kê, có hàng loạt nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra TNGT, trong đó việc lái xe quá tốc độ quy định. Khi chạy xe với tốc độ nhanh thì thời gian phản ứng, xử lý tránh khỏi va chạm sẽ ít đi và khả năng xảy ra va chạm sẽ tăng lên.
Chưa kể, hậu quả va chạm sẽ nghiêm trọng hơn khi di chuyển ở tốc độ cao. Nhưng vận tốc 80 km/giờ cho ô tô và 60 km/giờ cho xe máy tại những tuyến đường lớn như quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội… hiện nay có cao không?
Nhiều ý kiến cho rằng thực chất tốc độ này là chưa cao và người đi đường nếu tỉnh táo hoàn toàn có thể kiểm soát, điều khiển phương tiện an toàn. Nhiều ý kiến còn so sánh ở các nước tốc độ cho phép còn cao hơn nhưng tai nạn ở họ lại thấp hơn.
Vậy đâu là nguyên do thực sự của việc gia tăng TNGT? Câu hỏi đó cần phải được trả lời một cách xác đáng.
Nếu chỉ có các thống kê một cách cơ học, thiếu các nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học về các nguyên nhân gia tăng TNGT mà giảm tốc độ sẽ thiếu thuyết phục và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế-xã hội khác của người dân và doanh nghiệp.