Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định thành lập một đoàn công tác đặc biệt tăng cường vào làm việc tại nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh trong thời gian 3 năm, nhằm giám sát toàn diện mọi hoạt động của dự án.
Thông tin trên được lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) về việc thực hiện các cam kết môi trường sau vụ xả thải, chiều 24/7.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó tổng giám đốc FHS Lô Hồng Minh cho biết, sau sai phạm vừa qua, hiện doanh nghiệp này đã bắt đầu đánh giá và xây lắp hệ thống đập cốc khô để làm nguội than cốc, dự kiến hoàn thành đập số 1 vào cuối tháng 3/2019, đập số 2 vào tháng 6/2019.
FHS cũng đã chủ động điều chỉnh công suất của lò luyện cốc số 1 xuống mức thấp nhất; gửi hồ sơ xác nhận thực hiện công trình bảo vệ môi trường cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Về xử lý chất thải xưởng luyện cốc, FHS đã bố trí khu vực lưu trữ chất thải nguy hại, dự kiến đến 31/7/2016 công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Trong thời gian này, FHS bố trí khu vực lưu trữ tạm thời để thu gom quản lý chất thải.
FHS cũng cam kết tập huấn đào tạo toàn diện đối với nhân viên xưởng luyện cốc để kịp thời xử lý sự cố môi trường.
Đối với nước thải sản sinh trong quá trình sản xuất có chứa các chất độc hại như: phnom, xyanua, amoniac..., FHS cho biết đã lắp đặt các thiết bị phun sương mù khử bụi, cửa lọc bụi, đồng thời cam kết sẽ lắp thêm các thiết bị lấy mẫu hơi nước để giám sát.
FHS cũng cam kết sẽ xây dựng các bãi lưu trữ chất thải tại 16 điểm, hiện 7/16 điểm đã hoàn thành; lắp đặt các bồn chứa nước thải công nghiệp với dung tích 10.000 m3/bồn và 3.000m3/bồn đối với nước thải sinh hoạt để đề phòng sự cố môi trường.
Đối với chất thải bùn bánh, sau vụ việc vận chuyển và chôn lấp trái phép tại Kỳ Trinh, FHS sẽ ký hợp đồng với những đơn vị vận chuyển và xử lý chất thải khi được sự cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh, sau khi mang đi chôn lấp tại một số khu vực ngoài dự án gần 300 tấn, hiện trong khuôn viên FHS còn tồn đọng khoảng hơn 700 tấn chất thải bùn đen có nguồn gốc từ bể lắng tại tổ xử lý chất thải công nghiệp của công ty này.
Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu đem đi phân tích, và sau khi xác định đây là chất thải độc hại hay thông thường thì mới có thể đưa ra phương án xử lý cuối cùng.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đã yêu cầu FHS thực hiện nghiêm các cam kết về môi trường sau sự cố.
Ông cũng đề nghị FHS xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết về thực hiện bảo vệ môi trường trong khoảng thời gian 3 năm; nghiên cứu xây dựng hồ sinh học đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường nhằm phòng ngừa sự cố.
Về chương trình giám sát, ông Thức khẳng định để đảm bảo khách quan, đoàn sẽ hoạt động độc lập, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện thêm sai sót sẽ buộc công ty phải khắc phục ngay.
Trước mắt, FHS hoàn thiện bản kế hoạch khắc phục sự cố về môi trường gửi Bộ trước ngày 30/7.