Giảm lỗ 15.000 tỷ đồng trong 1 năm
Theo đó, năm 2015, doanh thu của Vinalines đạt 16.718 tỷ đồng, giá vốn bán hàng tăng cao khiến cho Vinalines tiếp tục rơi vào thua lỗ 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này đã giảm đáng kể so với con số 2.647 tỷ đồng của năm 2014.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ, đại lý vận tải giao nhận đạt 7.392 tỷ đồng. Lĩnh vực khai thác cảng biển và hỗ trợ cảng biển đạt doanh thu 4.172 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hoá đạt 4.470 tỷ đồng - tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, nhờ thanh lý tài sản, mở thủ tục phá sản cho hàng loạt công ty con, cổ phần hoá các cảng lớn đã giúp Vinalines có bước "thần kỳ" trong việc xoá lỗ luỹ kế.
Cuối năm 2015, lỗ lũy kế của Tổng công ty này giảm xuống còn 3.346 tỷ đồng, trong khi đầu năm số lỗ vẫn vượt 19.200 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, Vinalines đã xoá lỗ được gần 15.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu từ âm 9.808 tỷ đồng đã tăng lên mức 6.582 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.
Do tái cơ cấu, phá sản, cổ phần hoá hàng loạt công ty để giảm bớt gánh nặng nợ nên cuối năm 2015, tài sản cố định của công ty gồm các tàu, phương tiện vận tải, nhà cửa chỉ còn khoảng 17.371 tỷ đồng, giảm hơn 11.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, tài sản hữu hình đạt 8.615 tỷ đồng đã được thế chấp tại ngân hàng cho các khoản vay của Tổng công ty và các công ty con.
Công ty đầu tư hơn 2.222 tỷ đồng vào cổ phiếu nhưng giá trị khoản đầu tư chỉ còn khoảng 1.339 tỷ đồng, Vinalines phải trích lập dự phòng giảm giá lên tới 882 tỷ đồng.
Nợ phải trả cuối kỳ giảm hơn một nửa xuống còn 25.571 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay dài hạn giảm xuống còn 15.779 tỷ đồng, nợ đến hạn trả trong vòng 12 tháng là hơn 4.700 tỷ đồng.
Các ngân hàng cho Vinalines vay bao gồm: Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông…
Tính đến cuối năm 2015, Vinalines có 23 công ty con với khoảng 14.150 nhân viên. Trong năm, Tổng công ty đã thoái một phần vốn ở 9 công ty con. Doanh nghiệp này cũng có tới 5.200 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Tuy nhiên, phần lớn khoản tiền này đang bị phong toả nên không thể sử dụng ngay.
“Nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục”
Báo cáo tài chính hợp nhất này được KPMG lập dựa trên giả định Tổng công ty hoạt động liên tục tại ngày 31/12/2015 khi nợ ngắn hạn của Vinalines vượt quá tài sản ngắn hạn là 4.334 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 23.672 tỷ đồng đầu năm 2015.
Trong đó, khoản vay 6.386 tỷ đồng Vinalines phải trả trong năm nay và khoản trái phiếu quá hạn nhưng tổng công ty và các công ty con chưa hoàn trả được là 1.328 tỷ đồng.
Do đó, KPMG nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của các công ty con như: Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang, Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, Công ty Cổ phần Vinalines Nha Trang.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Vinalines vẫn nhận định Tổng công ty và các công ty con này sẽ tiếp tục hoạt động liên tục trong điều kiện tiếp tục tái cơ cấu toàn diện, bao gồm đạt được các thỏa thuận với bên cho vay về tái cơ cấu các khoản vay quá hạn và các khoản vay đã đến hạn trả và khả năng hỗ trợ của chủ sở hữu trong việc thanh toán khoản vay đến hạn.
Tuy nhiên, hãng kiểm toán KPMG nhận định, việc Vinalines có nhận được hỗ trợ về mặt tài chính của chủ sở hữu hay không là những sự kiện sẽ diễn ra trong tương lai và chưa có sự chắc chắn.
Trong năm 2015, Vinalines đã tiến hành thoái vốn tại 10 công ty con và sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số các đơn vị khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này cũng không chắc chắn xảy ra.
Chính vì vậy, KPMG cho rằng có sự tồn tại của nhiều yếu tố không chắc chắn nên "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Vinalines, công ty con” và từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán do không thu nhập đủ bằng chứng.
Ngoài ra, hãng kiểm toán lưu ý về khả năng thu hồi nhiều khoản phải thu ngắn hạn, lãi vay phải trả, vay ngắn hạn và dài hạn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bỏ ngỏ kế hoạch lương nhân viên năm 2016
Theo báo cáo lương thưởng của công ty mẹ Vinalines, năm 2015, 1.532 nhân viên công ty đạt mức lương bình quân là 11,42 triệu đồng một tháng, tương ứng gần 125 triệu đồng một năm.
Trong khi đó, 10 lãnh đạo doanh nghiệp có mức lương bình quân đạt 37,1 triệu đồng, tương ứng với 444 triệu đồng/năm.
Ngoài lương, các nhân viên và lãnh đạo của Vinalines không nhận khoản thưởng nào khác. Tổng công ty cũng bỏ ngỏ kế hoạch trả lương thưởng năm 2016. Vinalines cho biết đang điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất kinh doanh nên sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải về việc xác định quỹ lương sau.
Năm 2016 Vinalines hợp nhất đặt mục tiêu sản lượng vận chuyển 22,5 triệu tấn, doanh thu 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận 126 tỷ đồng. Nếu đạt được kế hoạch đề ra, đây là năm đầu tiên sau thời khủng hoảng, Vinalines có lãi.
Công ty dự định sẽ đẩy nhanh tiến độ thanh lý các tàu già, tàu cỡ panamax, supramax…hoạt động kém hiệu quả nhằm cắt lỗ. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng các cảng Đình Vũ, Hậu Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng...