Hẳn lên đại học, bạn đã từng nghe mọi người kháo nhau về ý niệm: "Chưa rớt môn thì chưa trải nghiệm hết cảm giác của một sinh viên!" Câu nói trên tuy chỉ là lời nói đùa nhưng nó lại có phần nào đúng khi sinh viên xem chuyện nợ môn, học lại hay thậm chí tốt nghiệp trễ hạn là điều bình thường, không có gì đáng lo.
Nhưng đứng ở góc nhìn của anh Dương Anh Vũ, Trưởng ban Cố vấn khoa học của chương trình Siêu Trí Tuệ lại tỏ ra không đồng ý với quan điểm này. Trong bài đăng mới nhất trên trang cá nhân, anh cho rằng điều này nằm trong số những triết lý ngu ngốc của sinh viên Việt Nam.
Anh còn nêu ý kiến sinh viên cần phải thay đổi niềm tin và thái độ của mình với tư duy cố hữu trên. Những chia sẻ này đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và nhiều người không khỏi giật mình khi nhận ra rằng mình cũng từng ít nhất một lần nghĩ đến việc rớt môn là chuyện thường.
Nguyên văn bài chia sẻ của Dương Anh Vũ như sau:
Rất lâu trước đây, trước cả thế hệ của tôi và thầy cô tôi, có một thằng điên nào đó đã nói rằng "học đại học không rớt môn thì không phải là sinh viên", mới nghe cứ ngỡ là một câu đùa, thế nhưng rất nhiều thế hệ sinh viên sau đó đã bám vào niềm tin này để "vui chung niềm vui của thiên hạ". Niềm tin sai lệch này tồn tại quá lâu, được nói đi nói lại quá nhiều, khiến cho nó trở thành sự thật và được nâng lên hàng chân lý lúc nào không ai hay.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng trăm cái triết lý ngu ngốc đang chễm chệ tồn tại trong "trí tuệ" của rất nhiều sinh viên Việt Nam, từng ngày từng giờ đang gặm nhấm tương lai của chính họ. Trên thực tế có không ít những bạn sinh viên biết đây là một cách nghĩ sai trái và cực kỳ tội lỗi, vì họ hiểu rằng số tiền phải đóng để học lại những môn bị rớt, chính là mồ hôi và nước mắt của bố mẹ mình rớt trên đồng ruộng mới có được… nhưng không có nhiều sinh viên trong số đó hành động theo đúng suy nghĩ có trách nhiệm của mình. Tôi gọi vấn đề này là "Pants theory" (Học thuyết cái quần): Nếu sống trong một thế giới thích ở truồng, bạn lại đi mặc quần thì bạn sẽ bị xem là kẻ biến thái.
Thế giới điên dại mà phần lớn sinh viên Việt Nam đang sống là kết quả của "một hệ niềm tin" bị bóp méo bởi những định kiến sai trái và lối sống cũ rích. Để nhìn thế giới khác đi, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi niềm tin và thái độ của mình, không phải để chúng ta có thêm hy vọng về một điều viễn vông nào đó, mà chỉ đơn giản là để ta biết "hoảng sợ" trước những điều có thể sẽ đến với tương lai của ta nếu ta không hành động và nỗ lực ở hiện tại.
Cộng đồng sinh viên mà tôi từng sống thời đại học và thế giới sinh viên mà tôi đang giảng dạy hiện nay, tuy khoảng cách là cả một thế hệ, nhưng tư duy và định kiến của họ chẳng khác nhau là mấy, họ vẫn vô tư thái quá với chính tương lai của mình. Tôi thường nói với sinh viên của mình rằng: "Tôi không muốn các bạn đứng một chỗ để hy vọng, tôi cần các bạn phải biết hoảng sợ, chỉ có 3 lối đi cho những kẻ không biết sợ, đó là: 195 Hàm Tử, Trại giam Chí Hoà hoặc Nghĩa trang..."
Theo nguyên tắc tiến hóa song hành (culture-gene coevolution), gen và cấu trúc não của chúng ta sẽ dần thay đổi để phù hợp với hình thái văn hóa có lợi nhất cho sinh tồn. Có nghĩa là để tồn tại, con người phải tập thích nghi và điều này được hình thành từ hai nền tảng cố định, đó là "những thứ thuộc về bẩm sinh" và "những thứ chúng ta có được qua quá trình học tập và tích luỹ kinh nghiệm".
Thời còn học phổ thông, chẳng có bất cứ học sinh nào suy nghĩ rằng "phải thi lại" hay "lưu ban" thì mới là học sinh… Nhưng khi lên đại học thì rất nhiều người trong số đó lại có suy nghĩ "không thi lại thì không phải là sinh viên?" Có nghĩa là vấn đề này không phải được định hình từ "Genetic evolution" (Tiến hoá di truyền) mà được tạo ra từ "Cultural evolution" (Tiến hoá văn hoá)… nó đến từ môi trường sống của bạn chứ không phải từ những bộ gen được thừa hưởng từ bố mẹ bạn…
Dương Anh Vũ là người Việt đầu tiên xác lập 4 kỷ lục thế giới về Siêu trí nhớ học thuật. Anh từng được công nhận là người nhớ được khối lượng dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới với hơn 650.000 trang giấy A4.
Anh có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực như Toán học, Văn học, Địa lý, Ngôn ngữ. Chàng trai này có thể nhớ được hơn 20.000 số Pi sau 3,14; 1.000 tác phẩm văn học kinh điển thế giới; nhớ được nguyên tấm bản đồ thế giới khổ lớn nhất bằng 5 ngôn ngữ là Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và hơn chục ngàn mốc lịch sử qua 7.000 năm của nhân loại,..
Hiện anh đang giữ vai trò Trưởng ban cố vấn khoa học của chương trình Siêu Trí Tuệ mùa 2.
Ảnh: Facebook nhân vật