Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại Israel giảm hơn 80% sau thời gian áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp chống dịch. (Ảnh: Reuters)
Bốn tháng rơi vào cảnh là một trong những quốc gia bị dịch Covid-19 tàn phá nặng nề nhất, Israel đã thay đổi được tình hình. Hiện nay, số ca mới mắc Covid-19 hàng ngày tại Israel đã giảm 80% và trường hợp chuyển biến nặng cũng ít hơn.
Vậy điều gì đã giúp quốc gia này thành công khống chế dịch? Theo các nhà khoa học và quan chức y tế Israel, đó là nhờ chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ 3 vắc xin Covid-19, thi hành hộ chiếu vắc xin và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.
Vào tháng Sáu, Israel trải qua làn sóng Covid-19 thứ 4 với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Nhưng thay vì áp đặt các biện pháp phong tỏa mới, chính phủ Israel đã “đặt cược” vào mũi tiêm tăng cường thứ 3 vắc xin Pfizer/BioNTech cho người từ 12 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, người dân còn bắt buộc phải đeo khẩu trang và sử dụng “Thẻ xanh thông hành” nhằm chứng minh đã tiêm phòng, phục hồi sau khi nhiễm virus corona hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. "Thẻ xanh" được sử dụng khi người dân Israel bao gồm trẻ em tới các nhà hàng, hay những địa điểm công cộng khác.
Kể từ khi dịch đạt đỉnh vào đầu tháng Chín, hiện số ca mới mắc Covid-19 tại Israel đã giảm hơn 80% và số ca trở nặng cũng giảm gần 1/2.
“Ngày qua ngày chúng ta đang khống chế được làn sóng Delta. Chính sách của chính phủ cho thấy sự quản lý thông minh, linh hoạt và sát sao cho phép chúng ta chung sống với virus”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Israel Naftali Bennett phát biểu hôm 12/10.
Chiến lược “sống chung với Covid-19” của Israel đã giúp các trường học và hoạt động kinh doanh ở nước này được diễn ra bình thường.
Hôm 14/10, Bộ Y tế Israel đã gửi dữ liệu về mức độ an toàn và hiệu quả của chiến dịch tiêm mũi tăng cương cho ủy ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Hiện Mỹ đang cân nhắc tiêm mũi bổ sung cho toàn bộ người dân.
Theo dữ liệu của Israel, nhóm trên 60 tuổi và cũng là nhóm đầu tiên được tiêm mũi thứ 3, số ca mắc Covid-19 đã giảm nhanh chóng trong 2 tuần sau khi mũi tiêm bổ sung được thực hiện. Trong khi đó, với các nhóm chưa được tiêm mũi tăng cường, số ca nhiễm virus corona vẫn gia tăng.
Phân tích dữ liệu của hai nhà nghiên cứu Doron Gazit và Yinon Ashkenazy tại Đại học Hebrew cho thấy, tỷ lệ sinh sôi vốn là yếu tố quyết định khả năng lây lan của virus corona đã bắt đầu giảm mạnh giữa các nhóm sau khi tiêm mũi thứ 3.
Trong 2 tháng biến chủng Delta hoành hành, những người trên 60 tuổi đã được tiêm vắc xin chiếm hơn 1/2 số ca mắc Covid-19 trở nặng ở Israel. Đa phần bệnh nhân là người trên 70 tuổi.
Nhưng sau khi nhóm trên 60 tuổi được tiêm mũi tăng cường, phần lớn bệnh nhân bị diễn biến nặng sau khi mắc Covid-19 lại là người trẻ tuổi chưa đi tiêm ngừa. Nhóm này chiếm tới 75% số ca nhập viện vì gặp phải các biến chứng nặng do mắc Covid-19. Còn đối với nhóm đã tiêm 2 mũi hoặc 3 mũi vắc xin Covid-19, tỷ lệ chuyển biến nặng chỉ còn 25%.
Cũng theo Bộ Y tế Israel, mũi tiêm thứ 3 đạt hiệu quả ngăn chặn các ca bệnh nặng trong nhóm đã tiêm chủng từ 40 tuổi trở lên.
Hiện dữ liệu về hiệu quả mũi tiêm thứ 3 đối với thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi vẫn chưa được công bố. Nhưng Bộ Y tế Israel nhấn mạnh, mũi tiêm thứ 3 vắc xin Covid-19 không làm gia tăng nguy cơ mắc chứng viêm cơ tim hiếm gặp trong nhóm đối tượng trẻ tuổi tiêm phòng.
Thi hành nhiều biện pháp kết hợp
Ông Ran Balicer, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn chống dịch Covid-19 của chính phủ Israel, nhận định sự kết hợp giữa các biện pháp đã giúp khống chế và ngăn biến chủng Delta.
“Biện pháp kết hợp gồm bắt buộc đeo khẩu trang, thẻ xanh thông hành, xét nghiệm đại trà cả PCR và test nhanh. Nhưng không thể phủ nhận, yếu tố tác động quan trọng nhất để ngăn sự trỗi dậy của biến chủng Delta trong mùa hè là chiến dịch tiêm vắc xin mũi tăng cường đại trà”, ông Balicer nói.
Người dân Israel vui chơi trên bãi biển sau khi các quy định hạn chế để phòng chống dịch Covid-19 được xóa bỏ. (Ảnh: Reuters)
Điển hình, tại Anh, nơi mũi tiêm tăng cường chiếm gần 5% dân số cả nước, quy định đeo khẩu trang gần như bị bỏ và hộ chiếu vắc xin không được yêu cầu, số ca mắc Covid-19 lại đang trên đà tăng.
Một số nhà khoa học từng nhận định, quyết định tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 đối với người trưởng thành trẻ tuổi và thanh thiếu niên được chính phủ Israel thông qua cuối tháng Tám là quá vội vàng khi chưa có bằng chứng rõ ràng về mặt lợi ích. Theo họ, chính phủ Israel nên tập trung vào thuyết phục một bộ phận những người chưa tiêm phòng đi tiêm ngừa.
Còn hiện tại, Mỹ và một số nước châu Âu đã áp dụng mũi tiêm tăng cường đối với người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu hoặc người lao động làm việc trong môi trường rủi ro cao mắc Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên các nước giàu có dừng chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Nguyên nhân là vì còn nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang gặp khó trong hoạt động tiếp cận nguồn cung vắc xin Covid-19.
“Israel đã gấp rút và thậm chí đánh cược khi quyết định tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân, chứ không chỉ riêng một vài nhóm đối tượng như các nước khác đã làm. Ở giữa tâm dịch, đôi khi bạn phải đưa ra quyết định dù chỉ có bằng chứng một phần”, ông Hagai Levine, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem cho hay.
Một số nhà khoa học bao gồm các quan chức y tế trong chính phủ cũng từng chỉ trích Thủ tướng Bennett vì từ chối thi hành các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn số ca mới mắc biến chủng Delta tăng đột biến ngay từ đầu. Bởi họ lo sợ chiến lược “sống chung với Covid-19” có thể khiến Israel phải trả giá đắt. Trên thực tế, trong làn sóng Covid-19 do sự xuất hiện của biến chủng Delta, Israel có 1.400 người tử vong.
“Chúng ta có 1.400 tử vong trong làn sóng Delta. Có rất nhiều lợi ích để duy trì nền kinh tế mở, nhưng cái giá phải trả là có", ông Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu ban y tế công cộng tại Bộ Y tế Israel nói với tờ Jerusalem Post
Cho tới nay, 3,7 triệu người dân Israel đã được tiêm mũi tăng cường thứ 2 vắc xin Covid-19. Số người tiêm mũi bổ sung hiện chiếm hơn 1/3 dân số Israel.