Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: 'Cuộc chiến cả về thể chất lẫn tinh thần với các nhân viên y tế'

Luân Dũng |

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, vừa đảm bảo công tác chuyên môn, toàn ngành y tế dốc sức tham gia khống chế đại dịch COVID-19 thật sự là một cuộc chiến cả về thể chất lẫn tinh thần với các nhân viên y tế.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến cho dự thảo, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề cập đến những khó khăn, thách thức trong ngành. Đảm bảo công tác chuyên môn, toàn ngành dốc sức tham gia khống chế đại dịch COVID-19 thật sự là một cuộc chiến cả về thể chất lẫn tinh thần với các nhân viên y tế.

Theo đại biểu, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, tháng 7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30, cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt giải quyết những vấn đề có thể chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật, nhưng cần thiết để kịp thời đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đây là việc làm chưa có trong tiền lệ, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh và cũng là minh chứng cho thấy sự cần thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh . Bà Hà cho rằng, đây không chỉ là kim chỉ nam để ngành y tế vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là định hướng lâu dài cho ngành y tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Góp ý để hoàn thiện dự luật, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, xã hội hoá trong công tác khám bệnh, chữa bệnh là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo luật không có gì mới, chủ yếu là quy định mang tính nguyên tắc và chưa làm rõ được cơ chế huy động, thu hút nguồn lực xã hội hoá.

Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, các hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn do các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế. Chính vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều 90 của dự luật quy định về việc nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế về đất đai, tín dụng, thuế.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trong dự thảo luật quy định về nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TPHCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí một trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên. Dù có nhiều giải pháp cho tuyến y tế cơ sở, cụ thể như: Tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, các giải pháp này đều chưa phát huy hiệu quả.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại