Bộ phải kiểm tra lại và chưa dám có khuyến cáo về thuốc gây tê Bupivacaine
Trưa 21/11, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã cùng bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng) đến Bệnh viện Đà Nẵng để thăm sản phụ nguy kịch sau tai biến sản khoa nghi do thuốc gây tê.
Trả lời báo chí tại Bệnh viện Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, hiện tại Bộ chưa có văn bản chính thức về loại thuốc gây tê mà Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng đã dùng, nghi gây ra 3 vụ tai biến sản khoa. Đây là loại thuốc mới được Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng nhập về từ tháng 5/2019 có tên là Bupivacaine của nhà sản xuất Ba Lan.
Thứ trưởng Sơn cho hay: "Bộ phải kiểm tra lại và vẫn chưa dám có khuyến cáo. Dĩ nhiên việc khuyến cáo ngưng hay dùng một loại thuốc sẽ rất ảnh hưởng đến công tác điều trị và mua sắm, về sẽ nghiên cứu tài liệu rồi mới đưa ra khuyến cáo được".
Nói về 3 ca tai biến tại Bệnh viện Phụ nữ, Thứ trưởng cho hay, cần phân tích nhiều yếu tố trong đó có xem xét về thuốc, quy trình và phản ứng sau tai biến.
"Hiện tại vẫn chưa có kết luận rõ ràng, có một số yếu tố nghi ngờ thuốc gây tê. Đối với thuốc cần phân tích độ an toàn, có độc chất hay nhiễm trùng hay có tạp chất không" – ông Sơn nói và cho biết, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã niêm phong 120 lọ còn lại và Bộ có chỉ đạo sớm lập hội đồng chuyên môn để có kết quả.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện tại mẫu thuốc này đã được gửi về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI và ADR), trung tâm này sẽ có khuyến cáo phù hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết loại thuốc gây tê Bupivacaine này hiện đang được nhiều cơ sở y tế trên cả nước dùng với số lượng lớn.
"Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, Sản C… đều sử dụng loại thuốc này với số lượng lớn, vẫn rất tốt. Nếu muốn quy kết do thuốc thì phải chờ kết luận chính thức" – ông Sơn nói.
Nói về việc đánh giá tạp chất trong thuốc, Thứ trưởng cho hay, Bệnh viện Phụ nữ đã yêu cầu đơn vị cung ứng cung cấp chất chuẩn.
"Dựa vào chất chuẩn mới đánh giá được có tạp chất hay không. Kết quả này có sau 1,5 tháng" – ông Sơn nói, đồng thời khẳng định sẽ yêu cầu các Cục liên quan có báo cáo sớm về vụ việc.
Theo Thứ trưởng, khi dùng thuốc mà xảy ra phản ứng thì nặng nhất là phản vệ, sau đó tới ngộ độc thuốc và thuốc không an toàn, cách sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật. "Nếu muốn kết luận phải phân tích hồ sơ, có hội đồng chuyên môn phân tích hồ sơ bệnh án. Khi có kết quả sẽ gửi cho báo chí" – vị này khẳng định.
Bệnh viện quận Cẩm Lệ có dùng thuốc gây tê Bupivacaine nhưng lại không được khuyến cáo?
Bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng) thông tin, mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin đã chuyển tải, đây là sự cố tai biến y khoa nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành.
Ngành Y tế đã tổ chức triển khai kiểm tra, các bệnh viện đã giải quyết. Với trường hợp sản phụ nguy kịch, Sở chỉ đạo tập trung hết lực để cứu sống, hiện tiên lượng khả quan người mẹ đã thoát khỏi cơn nguy kịch.
Theo bà Yến, việc sử dụng thuốc trong đó có thuốc tê có quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, qua sự cố này phản tác hại của thuốc, Sở sẽ đề nghị Viện kiểm nghiệm thuốc xem có vấn đề gì hay không.
Bộ đã có chỉ đạo sớm tìm ra nguyên nhân. Sau tai biến là nhắc nhở rà soát về chuyên môn. Qua đánh giá sơ bộ, việc chỉ định mổ dùng thuốc của bệnh viện đảm bảo quy chế.
"Ngày 22/10, Sở đã nắm thông tin và có yêu cầu kiểm thảo tử vong, do tử vong tại BV Đà Nẵng nên BV này báo cáo kiểm thảo tử vong, chúng tôi đã nghĩ nhiều đến nguyên nhân do thuốc tê.
Trước đó có 2 trường hợp tử vong khi dùng loại thuốc tê này. Những trường hợp này đang trong quá trình báo cáo thì tiếp tục xảy ra sự cố này.
Nguyên tắc nếu 1 trường hợp khi các thuốc thường chúng ta có nghi ngờ để chẩn đoán thì phải có hội đồng chuyên môn xác định. Ngay bây giờ cũng chỉ nói là trong nghi ngờ chứ chưa khẳng định là thuốc gây tê. Chưa nắm thông tin về thuốc hết hạn, đã niêm phong 120 ống còn lại, muốn biết có quá hạn phải mở ra xem.
Thuốc đã dùng rồi thì chưa nghe thông tin quá hạn, về nguyên tắc tình huống đó rất khó xảy ra. Thuốc này đang nghi ngờ, đã gửi Bộ Y tế, niêm phong, làm văn bản yêu cầu các bệnh viện dừng sử dụng, gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm để kiểm tra.
Gần như thuốc này ở Đà Nẵng đã không dùng, các bệnh viện sẽ tìm các thuốc thay thế", bà Yến nói.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, thuốc gây tê đấu thầu của Pháp từ tháng 5 bị đứt hàng nên sử dụng thuốc Ba Lan. Hiện đơn vị đang tìm các hãng để thay thế thuốc và đang làm việc với các đơn vị cung ứng, đảm bảo theo quy định áp thầu.
"Bệnh viện Phụ nữ, Phụ sản Nhi, Bệnh viện quận Liên Chiểu đã tạm dừng dùng thuốc này. Sở Y tế sẽ kiểm soát đặc biệt loại thuốc này", bà Yến nói.
Tuy nhiên, thông tin phóng viên có được thì Bệnh viện quận Liên Chiểu không sử dụng loại thuốc này. Trong khi đó, Bệnh viện quận Cẩm Lệ là đơn vị sử dụng lại không được Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến khuyến cáo để cảnh báo.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.