Sáng 16-7, kỳ họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào phiên chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng.
Nhiều câu hỏi "nóng" về tin giả, tin xấu độc
Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông TP HCM nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu HĐND TP HCM về công tác chuyển đổi số; tin giả, xấu độc tràn lan trên mạng... cũng như giải pháp giải quyết cho những vấn đề trên.
Nêu ý kiến tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Đức mong muốn lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ hơn về các giải pháp chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong bối cảnh TP HCM chọn chuyển đổi số là chủ đề năm 2024.
"Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu giải pháp gì để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận lợi hơn, dễ dàng hơn, đặc biệt là với những người lớn tuổi, người khuyết tật"- đại biểu Lê Minh Đức hỏi.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Nga nhìn nhận thời gian qua các thông tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng, tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội.
Giải pháp nào để người dân nhận biết đâu là thông tin chính thống là câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Thị Nga đặt ra. Cùng với đó, theo bà Nga, vấn đề sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển, đi kèm với đó có nhiều sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật. Cơ quan quản lý có biện pháp gì để bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng mối quan tâm, thượng tọa Thích Minh Thành đặt vấn đề hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông có tham gia hay trực tiếp thực hiện công trình nghiên cứu xã hội nào để nắm bắt thông tin sai lệch, tin giả để xử lý.
Tin giả chủ yếu lan truyền trên Youtube, Facebook, Tiktok
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng đã đi thẳng vào từng vấn đề đại biểu đặt ra.
Theo ông Lâm Đình Thắng, thành phố đang rất quan tâm đến phát triển dữ liệu chuyên ngành, hồ sơ điện tử của người dân với mong muốn các dữ liệu của người dân được tái sử dụng, chỉ cần khai báo một lần.
Đối với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, TP HCM đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ người dân khi khó khăn, vướng mắc. Các đơn vị đều có lực lượng hỗ trợ người dân, đặc biệt tại bộ phận một cửa. Các tổ công nghệ số cộng đồng cũng hoạt động để hỗ trợ người yếu thế, người lớn tuổi khi đến từng nhà, từng khu vực.
Về những lo lắng thông tin trên mạng, ông Lâm Đình Thắng cho biết các thông tin trên mạng hiện nay đến từ 2 nguồn. Một là các tổ chức, cá nhân trong nước, có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép; nguồn còn lại là các trang mạng không rõ nguồn gốc, mạng xã hội xuyên biên giới, đặt máy chủ ở nước ngoài.
"Các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok được người Việt Nam sử dụng nhiều. Đây cũng là các kênh lan truyền tin giả, tin sai lệch chủ yếu trên mạng xã hội"- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định.
Ông Lâm Đình Thắng chỉ rõ nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tin giả, tin xấu độc trên mạng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Mặc dù người dân đọc tin tức hàng ngày bằng tiếng Việt nhưng nhiều máy chủ cũng không đặt trong Việt Nam.
Khi các cơ quan của Việt Nam yêu cầu gỡ tin giả, tin xấu độc thì phần lớn những doanh nghiệp này tìm cách né tránh vì quy định nội bộ của họ. Do đó, tin giả, tin sai lệch vẫn còn nhiều trên mạng. Nguyên nhân nữa là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong xác định tin giả mất nhiều thời gian và chưa chặt chẽ.
Có tài khoản định danh trên mạng mới bình luận được
Theo ông Lâm Đình Thắng, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã làm nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm trên mạng, không chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, TP HCM đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang để xử lý trường hợp phát ngôn không đúng về thành phố. Đồng thời, phối hợp với Công an thành phố thực hiện giám định tư pháp đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý.
Sở Thông tin và Truyền thông còn đầu tư giải pháp ứng dụng công nghệ, trong đó có hệ thống lắng nghe mạng xã hội, tổng hợp thông tin dư luận, phát hiện vi phạm trên không gian mạng.
"TP HCM cũng đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả trên toàn địa bàn, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí thành phố; ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong phối hợp xử lý tin giả"- ông Lâm Đình Thắng thông tin và cho biết vừa qua đơn vị đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông các giải pháp xử lý mạng xã hội xuyên biên giới.
Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã chuyển 30 tài khoản vi phạm trên không gian mạng lên Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sở Thông tin và Truyền thông đang kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải có định danh, chỉ có tài khoản định danh mới được bình luận. Những tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành pháp luật Việt Nam, đối với các yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam phải chấp hành trong vòng 24 giờ.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển, lập danh sách trắng gồm các trang mạng xã hội, các kênh mạng xã hội được chấp nhận, thực hiện đầy đủ quy định pháp luật và công bố rộng rãi để các đơn vị có nhu cầu sẽ tin tưởng sử dụng danh sách này. Người dân thấy quảng cáo trên các nền tảng này cũng sẽ có niềm tin hơn.
KOL là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Key Opinion Leader" tức "người dẫn dắt dư luận chủ chốt", có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định.
Họ là những người có chuyên môn về một lĩnh vực nào đó, và thông qua những kiến thức, hoặc chia sẻ để nhận được sự yêu thích và tín nhiệm của nhiều người. Hiện nay, KOL phủ sóng khắp mọi lĩnh vực như ca sĩ, MC, đầu bếp, bác sĩ, giáo viên
Đáng chú ý, Sở Thông tin và Truyền thông đang tổng hợp danh sách các KOLs "TP HCM hiện có khoảng 720 KOLs là người nổi tiếng trên mạng xã hội đang hoạt động. Đơn vị sẽ lập danh sách này để tăng cường công tác quản lý, xử lý kịp thời nếu có vi phạm sau này"- ông Lâm Đình Thắng nói.
Bên cạnh việc quản lý, ông Lâm Đình Thắng cho hay thành phố cũng phát huy nhóm KOLs trong các hoạt động chung của trên địa bàn. Điển hình như trong Lễ hội sông nước vừa qua, nhóm này đã hỗ trợ tích cực cho các hoạt động quảng bá của TP HCM.
Vì sao giải ngân chuyển đổi số 0 đồng?
Trước thông tin 6 tháng đầu năm, thành phố chưa giải ngân được đồng nào trong lĩnh vực chuyển đổi số, tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Khoa đặt vấn đề về câu chuyện này.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết năm 2024, TP HCM bố trí 1.290 tỉ đồng cho các dự án công nghệ. Các đơn vị đã đề xuất nhu cầu đầu tư về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND TP HCM.
Tuy nhiên qua trao đổi, thẩm định hiện có nơi chưa báo cáo đầy đủ nên đến tháng 5-2024, TP HCM mới có quyết định bố trí vốn. Đây là lý do khiến công tác giải ngân chưa nhanh trong 6 tháng đầu năm 2024.
Do đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực này sẽ rơi vào quý 3, quý 4 năm 2024. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án công nghệ thông tin.