Ngày 5/12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 6 và có phiên thảo luận tại hội trường.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã bàn về nội dung các tờ trình do Sở, ban, ngành, UBND TP Đà Nẵng trình lên bàn thảo tại kỳ họp.
Miễn phí 4.000 đồng/người/năm sao lại bỏ?
Trong đó, các đại biểu đặc biệt chú trọng đến tờ trình về quy định chính sách hỗ trợ tiền trông giữ xe tại cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố có hiệu lực từ năm 2011.
Theo nội dung tờ trình, Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 có quy định việc trông giữ xe được chuyển sang thực hiện theo Luật Giá. Ngoài ra, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì nhiệm vụ chi ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp
Tờ trình đề nghị các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng thông qua việc tiến hành thu phí tại các bệnh viện công lập kể từ ngày 1/1/2018 tới. Tờ trình cũng đưa ra phương án để hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách… khi điều trị, thăm khám tại các bệnh viện.
Đây là nội dung đã được bàn thảo liên tục tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 HĐND khóa IX nhưng chưa đi đến thống nhất.
Các đại biểu cho hay, đây là một chính sách nhân văn được thực hiện từ lâu và rất được lòng người dân. Việc thu phí sẽ gây ảnh hưởng đến người nghèo, gia đình chính sách nên phải nghiên cứu kỹ và có phương an thu hợp lý.
Đại biểu Lê Minh Trung, chủ trương miễn phí là chủ trương được lòng dân và phải nâng tầm cao hơn chứ không phải để tính phí. Mỗi năm TP chi 4,6 tỉ đồng cho việc này, chia cho hơn 1 triệu dân TP thì mỗi người hơn 4.000 đồng, không đủ mua bó rau muống sao lại thu phí?
"Người dân cực chẳng đã mới vào bệnh viện. Đã vào bệnh viện thì không còn giàu nghèo, người giàu mà mắc bệnh nan y thì khác chi nhà nghèo", ông Trung nói.
Ông Trung cũng phản đối đề xuất cho người nghèo được gửi miễn phí ba lần/ngày. Theo đại biểu Trung, họ có bệnh thì vào ra bệnh viện đến cả chục lần trong ngày.
"Họ nằm viện ăn cơm của các nhà từ thiện chứ tiền đâu mà gửi xe.
Đợt trước APEC, người dân Đà Nẵng có được ai trả công đâu mà chỉ một lời hiệu triệu thì nhiều người dân đội mưa xuống đường dọn vệ sinh. Chúng ta chỉ cần một hành động rất nhỏ nhưng đấy là lời động viên tinh thần, là sự khích lệ. Chữa bệnh không chỉ bằng thuốc mà còn là tinh thần nữa", ông Trung.
Đại biểu Thích Thông Đạo cho rằng nên giữ lại chính sách này. "Hơn 4 tỉ đồng một năm thì nên cân đối từ những nguồn thu khác để giữ lại chính sách này", đại biểu Đạo nói.
Thu phí giữ xe có lợi cho người nghèo
Trả lời ý kiến đại biểu Lợi, ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, cho rằng việc ra quyết định thu phí giữ xe tại bệnh viện công lập là thẩm quyền của HĐND. Việc làm này sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân Đà Nẵng.
Theo ông Phụng, chính sách miễn phí giữ xe có từ thời cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh là rất nhân văn và hợp lòng dân. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thì có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Ông Phụng dẫn chứng nhiều người dân cố tình đưa xe vào bệnh viện giữ qua đêm nên dẫn đến lộn xộn.
"Vấn đề này cũng có những bất cập như hạ tầng xuống cấp, người lợi dụng để gửi xe, mất trộm tài sản. Từ ngày 1/1/2018 có Luật phí và Lệ phí nên phải thu phí giữ xe để phù hợp với luật định", ông Phụng nói.
Theo ông Phụng, Sở Tài chính đã xây dựng đề án để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách điều trị ở bệnh viện trên cơ sở mức giá phù hợp khi tiến hành thu phí.
Bãi giữ xe miễn phí tại một bệnh viện công lập ở Đà Nẵng
"Đà Nẵng có 23 bệnh viện công lập. Việc thu vé giữ xe sẽ tạo nguồn thu nhằm trang trải kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khám chữa bệnh.
Nguồn thu này sẽ bổ sung vào ngân sách thành phố. Số tiền thu được cũng sẽ được trích 20% vào nguồn kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo. Việc thu tiền giữ xe ở bệnh viện để giúp người nghèo một cách có hiệu quả hơn.
Chính sách nhân văn này được thay đổi nhưng vẫn hướng đến người nghèo, người thuộc diện chính sách", ông Phụng nói.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, cho biết sẽ trích 20% từ nguồn thu giữ xe để khám chữa bệnh cho người nghèo
Được biết, chính sách miễn phí vé giữ xe tại các bệnh viện công lập được thực hiện dựa trên ý tưởng của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vào năm 2011.
Từ năm 2011-2017, Đà Nẵng bố trí trên 32 tỉ đồng để 18 cơ sở y tế công lập thuộc TP quản lý và năm bệnh viện thuộc trung ương quản lý (bình quân mỗi năm ngân sách hỗ trợ 4,6 tỉ đồng).