Giám đốc sở ra đường chống kẹt xe

THÀNH ĐỒNG |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường sẽ trực tiếp dẫn đầu một tổ công tác đặc biệt để “giải cứu” tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trong dịp Tết

Trực tiếp trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đã đưa ra những phương án chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết và cả những kế sách lâu dài.

Giảm ùn tắc ở những điểm nóng

Phóng viên: Thưa ông, ùn tắc giao thông tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng, Sở GTVT đã nắm rõ được thực tế này?

Giám đốc sở ra đường chống kẹt xe - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Lâm

Ông Trần Quang Lâm: Tình hình giao thông trên địa bàn TP HCM diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ và phạm vi ùn tắc có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, hiện trên địa bàn TP có 37 điểm thường xuyên xảy ra nguy cơ ùn tắc. Trong đó tập trung vào các khu vực như: sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái (quận 2), cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức), các cửa ngõ phía Bắc (đường Âu Cơ, Trường Chinh) và cửa ngõ phía Nam (đường Nguyễn Văn Linh, hướng từ quận 7 về trung tâm TP). Ngoài ra, một số tuyến đường ở trung tâm TP thời gian gần đây cũng xảy ra ùn tắc giao thông.

Về nguyên nhân, chúng ta đều thấy dân số và phương tiện ở TP liên tục tăng trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng; ý thức của người dân và công tác quản lý, quy hoạch các trung tâm đô thị, cao ốc chưa thật sự tốt.

Giám đốc sở ra đường chống kẹt xe - Ảnh 2.

Giao thông ở khu vực Thảo Điền (quận 2, TP HCM) thường xuyên xảy ra ùn tắc Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Nếu đã rõ nguyên nhân thì những giải pháp cụ thể, cấp bách nhằm giải quyết thực trạng trên là gì, đặc biệt là trong dịp trước và sau Tết nguyên đán?

- Hiện Sở GTVT đã nhận diện và có phân tích cụ thể từng điểm ùn tắc. Theo đó, tăng cường hệ thống thông tin để hỗ trợ phân làn, chuyển hướng, sơn đường để tăng nhận diện báo hiệu; tăng cường hệ thống camera ở các cửa ngõ, kết nối với đường hầm sông Sài Gòn; kết nối dữ liệu giám sát hành trình của tất cả các phương tiện để thông tin cho người dân lựa chọn lộ trình hợp lý.

Sở GTVT đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt để “giải cứu” ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, một tổ do đích thân Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng; tổ còn lại do tôi làm tổ trưởng. Thành viên trong tổ gồm CSGT, TTGT và lực lượng chức năng địa phương. Tất cả các lực lượng này sẽ kết hợp túc trực 24/24 giờ để giải quyết ùn tắc ở 2 điểm nóng trên.

Tại khu vực cảng Cát Lái, sở đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép bổ sung biển báo phụ cấm xe tải từ 1,5 tấn trở xuống lưu thông vào giờ cao điểm theo đường vành đai vào TP; cho xe máy đi vào đường dẫn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Vành đai 2 để giảm ùn tắc trên nút An Phú và tai nạn trên đường Nguyễn Duy Trinh, khu vực cầu Giồng Ông Tố.

Ngoài ra, sẽ thu gom 62 trong tổng số 114 rào chắn nhằm mở rộng mặt đường để người dân lưu thông.

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất dự báo sẽ rất căng thẳng khi bước vào mùa cao điểm phục vụ Tết, Sở GTVT có những phương án gì để ứng phó?

- Chúng tôi cho tăng cường tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ xe trái phép, nhất là taxi. Bộ GTVT đã chỉ đạo dẹp bãi giữ xe trên đường Trường Sơn để hạn chế các phương tiện ra vào, quay đầu xe gây mất tật tự an toàn giao thông.

Ở nút giao thông Phan Thúc Duyện - Thăng Long - Trần Quốc Hoàn đã được tháo dải phân cách để xe đi vào đường Thăng Long, nhằm giảm áp lực cho vòng xoay Lăng Cha Cả.

Tiếp tục cải tạo dải phân cách từ đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn để tăng diện tích mặt đường cho các phương tiện lưu thông. Một điểm quan trọng khác là tăng cường xe buýt từ trung tâm TP đến sân bay Tân Sơn Nhất và đang nghiên cứu giành một làn đường riêng cho tuyến xe buýt này.

Xây dựng trung tâm điều hành giao thông

Nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng phân luồng giao thông, bố trí dải phân cách chưa hợp lý cũng là nguyên nhân khiến các điểm nghẽn thêm nghiêm trọng, ông nghĩ thế nào?

- Việc phân luồng giao thông như hiện nay dựa trên cơ sở theo dõi hành vi giao thông và tình trạng hạ tầng hiện có. Chúng tôi luôn lắng nghe người dân và các nhà khoa học hiến kế để điều chỉnh cho hợp lý.

Hiện tại, chúng ta đang quản lý và điều hành giao thông còn nặng về thủ công; thiếu mô hình giao thông dự báo và điều hành. Bởi vậy, UBND TP HCM chỉ đạo tập trung xây dựng ngay một trung tâm điều hành giao thông để tất cả các nút giao thông phải liên thông với nhau.

Từ đó điều hành trên cơ sở lưu lượng phương tiện thông qua tính toán dự báo, nhằm đưa ra những kịch bản để tối ưu hóa hết các mạng lưới giao thông, khi đó mới khẳng định là hợp lý.

Thực tế cho thấy khó có thể trông chờ vào sự tự giác của người tham gia giao thông để cải thiện tình hình mà cần phải có người điều tiết?

- Đúng là ý thức của người tham gia giao thông là tối quan trọng nhưng do ý thức chưa cao nên rất cần sự có mặt của lực lượng làm nhiệm vụ trên đường để điều tiết, kiểm tra, xử lý, nhắc nhở các hành vi sai phạm. Trước và sau Tết, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng điều tiết giao thông, tuần tra 24/24 giờ để xử lý các trường hợp dừng đỗ trái phép, lấn chiếm lòng lề đường.

Đối với các điểm nóng về kẹt xe, sẽ có lực lượng CSGT trúc trực 24/24. Trách nhiệm thì đã rõ vì nó căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị.

Sở GTVT đã có biện pháp gì để giải quyết tình trạng xe dù, bến cóc, taxi lưu thông tùy tiện, thưa ông?

- Tình trạng vi phạm trên diễn ra ngày càng nhiều và đã góp phần gây rối giao thông ở TP. Từ nay đến Tết, chúng tôi sẽ bố trí lực lượng để xử lý nghiêm, nhất là khu vực cửa ngõ và các tuyến đường trung tâm TP.

TP HCM đề nghị tăng các chuyến bay đêm

UBND TP HCM vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẩn trương thực hiện ngay giải pháp điều tiết chuyến bay giữa khung giờ cao điểm và khung giờ thấp điểm kể từ năm 2017 để nhanh chóng khắc phục tình hình ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể là tăng cường các chuyến bay đêm từ 22 giờ đến 5 giờ và hạn chế tăng các chuyến bay vào ban ngày từ 6 giờ đến 22 giờ, nhất là trong dịp cao điểm Tết.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Sở GTVT TP tổ chức thực hiện ngay việc đón, trả khách đi xe buýt tại khu vực sát cửa ga quốc nội và ga quốc tế, thay vì đón trả khách ở làn ngoài cùng như hiện nay.

Tổ chức làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt lưu thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.P.Anh

37 điểm có nguy cơ ùn tắc cao

Quận 1: Các tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo; Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tôn.

Quận 2: Nút giao thông An Phú, đường Nguyễn Thị Định, nút giao Mỹ Thủy, xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương.

Quận 3: Ngã sáu quảng trường Dân Chủ. Quận 4: Đường Nguyễn Tất Thành. Quận 7: Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư.

Quận 9: Ngã tư Tây Hòa, Lê Văn Việt - Đình Phong Phú, Lã Xuân Oai. Quận 10: Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - 3 Tháng 2. Quận 12: Ngã tư An Sương, giao lộ Tô Ngọc Vân - TX25.

Quận Tân Bình, Tân Phú: Đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ - Tân Quý), vòng xoay Lăng Cha Cả, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn.

Quận Gò Vấp: Vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm, ngã sáu Gò Vấp, Phan Văn Trị, Phạm Văn Đồng, Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng, giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, Quang Trung - Lê Văn Thọ.

Quận Bình Thạnh: Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Quận Phú Nhuận: Đường Hoàng Minh Giám. Huyện Bình Chánh: Quốc lộ 50, Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu, Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh. Huyện Hóc Môn: Đường Quang Trung (đoạn qua chợ Hóc Môn).

Quận Thủ Đức: Ngã tư Thủ Đức. Quận Bình Tân: Ngã tư Bốn Xã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại