Sáng nay (23/8), tại Khách sạn Melia Hà Nội, Chương trình Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH do Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc cao cấp ngành hàng cà phê - Masan Consumer, Tập đoàn Masan đã có những ý kiến đầy trăn trở về thứ thức uống sống với 60 triệu người Việt mỗi ngày. Đó là cà phê.
Nhưng theo ông Toàn, trong 17 tỷ ly cà phê Việt Nam được uống mỗi năm, phần nhiều vì đời sống kinh tế khó khăn, phần vì lợi nhuận, lòng tham, đang biến 50% thứ thức uống đó không phải cà phê.
Ông Nguyễn Đình Toàn
Báo điện tử Trí thức trẻ xin trích đăng những ý kiến trăn trở của đại diện ngành hàng cà phê - Masan Consumer, Tập đoàn Masan tại hội nghị:
"...Nếu nói về văn hoá 1 quốc gia không thể không nói đến văn hoá ẩm thực, ở Việt Nam là hương vị đậm đà của phở. Gia vị trên mọi bữa ăn của gia đình Việt là nước mắm.
Và thứ mà gần như chúng ta không để ý tới, thứ Obama muốn thưởng thức khi tới Việt Nam là cà phê sữa đá. Ai từng vào miền Nam sẽ thấy cà phê là một phần cuộc sống của người miền Nam.
Vậy ly cà phê đó khác với thế giới ở điểm nào? Nếu nhìn ly cà phê đen nó cũng giống Espresso hay cà phê Mỹ Americano nhưng ở Việt Nam khác nhờ nghi thức cà phê phin.
Người Việt Nam học được từ người Pháp và trong ly cà phê đó chỉ có người Việt Nam mới có thôi. Nó gắn với cuộc sống hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam.
Ở Việt Nam, ngoại trừ xe máy nhiều nhất thế giới còn là đi đâu cũng thấy quán cà phê, nó trở thành bản sắc, gần gũi trong cuộc sống của người Việt. Chúng tôi thấy điều đó và cho rằng nó có vị trí xứng đáng trong lòng người Việt.
Các vị có thấy ly cà phê linh thiêng với người Việt không, chúng tôi gọi là nó di sản quốc gia nhưng giờ đang dần bị mai một. Bởi vì mỗi năm tại Việt Nam có 17 tỷ ly cà phê, phần vì đời sống kinh tế khó khăn, phần vì lợi nhuận, lòng tham, đang biến thứ thức uống đó thành không phải cà phê.
Và hàng triệu người Việt Nam chưa được thưởng thức 1 ly cà phê đúng nghĩa. Nó giống như trong rau, trong thịt, ngay người bán họ cũng không biết là đang đầu độc những người đã nuôi sống họ, gia đình họ... một sự thờ ơ đến ngây thơ.
Gần đây, có báo cáo 50% là không phải cà phê nguyên chất. Đây là thực trạng đau lòng, ngay cả thứ uống hàng ngày đã mất đi điều gì đó không chỉ là tính thiêng liêng mà còn là giá trị nguyên bản xứng đáng với người Việt Nam...
Người Việt Nam không được uống thứ được gọi là cà phê, vậy ngày nào đó chúng ta, con cháu chúng ta sẽ uống gì? Cà phê, sau có bị nhìn như cá da trơn? Đây là câu hỏi và tạo cho chúng tôi một giấc mơ, một ngày đó cà phê của Việt Nam trở thành quốc ẩm…
Chúng tôi muốn làm gì đó để ly cà phê sạch được trả lại cho tất cả những người uống cà phê Việt Nam, cà phê là 1 trong 3 thức uống đưa vào bản đồ cà phê thế giới cùng Espresso và Americano. Nơi đó chúng tôi muốn thế giới gọi cà phê Việt Nam với tên gọi Vietnamo".