Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi”

Hoàng Linh - Hạ Minh - 7PM - Hoàn Như |

Trước khi trở thành người lãnh đạo công ty tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành Navigos Search - là người truyền cảm hứng về nghị lực sống, khi từ một bệnh nhân suýt chết với bệnh Lupus trở thành một quản trị viên của Metro Cash & Carry Việt Nam.

Là người gây dựng thương hiệu ACCA ở Việt Nam, Nguyễn Phương Mai là một cái tên có tiếng trong ngành kế toán – kiểm toán ở Việt Nam. Không may, năm 2000, chị mắc bệnh Lupus SLE, một chứng bệnh tự miễn hiếm gặp, và phải trải qua 8 năm điều trị tích cực, có lúc suy kiệt phải thở máy, mắt gần như mù và tim gần ngừng đập.

Vượt qua bệnh tật, Nguyễn Phương Mai gia nhập Metro Cash & Carry Việt Nam, rồi đầu quân cho Navigos Search từ năm 2014 với vai trò Giám đốc khu vực miền Nam, biến đơn vị này thành công ty dẫn đầu tại thị trường này. Tháng 1/2017, Phương Mai chính thức được bổ nhiệm ghế Giám đốc điều hành Navigos Search.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 1.
Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 2.

Chị từng trải qua những năm tháng chữa bệnh rất khó khăn. Giống như chị nói trong "nguy có cơ". Lúc đó chị đã có những "cơ" gì?

Lúc ấy tôi đã đóng cửa công ty, không dành sức lực cho kinh doanh cá nhân. Đó là nguy.

Nhưng "cơ" ở đây là khi phải từ bỏ vị trí quản lý, trở lại môi trường làm thuê, may mắn là nhiều đối tác, đồng nghiệp trước đây giới thiệu công việc cho tôi.

Tôi nhận việc Quản trị viên tập sự của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Đó là cơ hội, may mắn để tôi lại được học hỏi nhiều hơn mảng tài chính và nghệ thuật lãnh đạo.

Trong thời gian trị bệnh, một lần nữa tôi quay lại làm việc liên quan đến lĩnh vực kiểm toán. May mắn là tôi chọn được công việc đi theo đúng đam mê, đó là truyền bá, đưa bằng cấp quốc tế vào Việt Nam và hỗ trợ Bộ Tài chính trong việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Ở thời điểm đó, tôi cảm nhận mình làm được nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Niềm hứng khởi đó giúp mình vượt qua căn bệnh.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 3.

Lúc chị cận kề cái chết là khi nào?

Vào thời điểm phát bệnh, bệnh viện chưa phát hiện được đó là bệnh Lupus, không có phác đồ điều trị. Tôi phải thở nhờ bình oxy, tim phải nhờ đến máy trợ tim. Lúc đó gia đình đã tính đến chuyện hậu sự rồi. Lúc ấy, tôi chỉ có một niềm khao khát "mình phải sống" và tin rằng "mình sẽ sống", phối hợp tất cả các kiểu điều trị.

Sau trị liệu, nhìn thấy mình xấu, mình yếu, lúc đó mới bi quan. Đó là 3 tháng đen tối nhất cuộc đời tôi, khi bi quan ngoại hình, tâm lý tự ti rất nặng nề. Phải tự đấu tranh rất nhiều, cuối cùng tôi mới quyết định nhận việc ở Metro Cash & Carry Việt Nam, để bước ra ngoài xã hội, mặc kệ những cặp mắt, lời nói chê mình xấu hay sự thương hại, chỉ biết rằng cần tiếp tục sống, biến mình thành người hữu ích…

Bệnh tật là thử thách lớn nhất, nhưng lại giúp tôi vượt lên chính mình.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 4.

Vượt qua thời khắc như vậy, chị có cảm nhận gì về công việc và cuộc sống?

Chuyện gì khó đến đâu cũng không bằng vượt qua cái chết. Vì đã vượt qua được cái chết, nên mọi thứ xảy ra, tôi đều vô cùng trân trọng.

Nhưng những điều đó hay là giây phút cận kề cái chết vẫn không phải là thời khắc đen tối nhất. Khi nhớ lại, tôi thấy lúc trị liệu xong mới thật kinh hoàng. Lúc đó, tóc rụng hết, sức khỏe yếu và diện mạo cực xấu, căn bệnh khiến cơ thể trữ nước, phù lên nên trông hoảng lắm (cười). Bệnh của mình lại phải kiêng nắng, không được ra nắng. Cứ thử tưởng tượng nếu ông xã là người không thích nhìn vợ xấu hay là thiếu kiên nhẫn hoặc là người đào hoa, chắc là tôi chết mất (cười).

Nhưng may mắn ông xã của mình là người tận tụy, hỗ trợ tối đa cho vợ. Khi biết công việc mang lại niềm vui cho vợ, nhưng lại phải đi công tác nhiều, ông xã đã bỏ sự nghiệp bên ngành du lịch, chung vốn với bạn làm một cơ sở gia công nho nhỏ để có nhiều thời gian, vừa lo vợ, vừa đưa đón con đi học. Những điều anh làm khiến tôi yên tâm con được chăm sóc tốt, còn bản thân cứ việc theo niềm vui trong công việc và chữa bệnh.

Nếu không có sự hi sinh của ông xã, thì có lẽ không có tôi của ngày hôm nay.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 5.

Chị từng vẽ nên bức tranh hạnh phúc của mình là xem phim với chồng, đi chơi cùng con, nấu ăn đọc sách cuối tuần. Hạnh phúc này có vẻ không liên quan đến công việc nhiều lắm thì phải?

Với người bận rộn, rất khó tách bạch đâu là thời gian cho công việc, đâu là thời gian cho gia đình. Có nhiều trường hợp, rõ ràng cuối tuần là thời gian cho gia đình nhưng luôn có việc bất ngờ xen vào, như gặp gỡ sinh viên tư vấn hay là gặp ứng viên cấp cao…

Do đó, gia đình - bạn bè, công việc và sở thích cá nhân được ví như đỉnh một hình tam giác, luôn biến thiên tùy theo thời điểm, đó có thể là tam giác vuông, hoặc tam giác cân….

Tôi rất tham, muốn vừa trọn vẹn công việc vừa muốn trọn vẹn gia đình, vậy nên sẽ phải rất linh hoạt. Tôi luôn cố gắng kéo gia đình, người thân hiểu, đồng cảm về công việc của mình, đi theo sự biến thiên trong chiếc tam giác đó. Điều quan trọng nhất là cùng chia sẻ, có được sự đồng cảm của gia đình, để ông xã, các con thấy tôi nỗ lực mọi cách nhằm tạo ra thời gian rảnh cho chồng cho con.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 6.

Bạn không bao giờ có đủ thời gian để làm tất cả mọi việc, nhưng luôn có đủ thời gian để làm những việc quan trọng nhất và cần thiết nhất.

Duy trì mối dây liên hệ giữa các thành viên trong gia đình, đừng đợi đến khi có thời gian rảnh mới cùng ngồi với nhau. Đừng chờ đến khi nghỉ cả tuần để đi du lịch với nhau. Cố định ngồi với nhau có khi không biết nói gì, nhưng nhiều khi bất chợt lại có nhiều thứ để mà khiến mình thấy vui.

Nếu không đi cà phê, tôi vẫn thường tranh thủ nhắn tin hoặc chat với chồng và hai con, có thể đó là lúc ngồi trên taxi đi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác hoặc đang đi đường bất chợt nghĩ hoặc thấy điều gì đó. Hai con tuy lớn rồi nhưng nếu thấy hình chó mèo dễ thương cũng gửi cho mẹ. Những điều nho nhỏ ấy thường không làm ảnh hưởng đến công việc riêng của tôi (cười).

Vui nhất là cảm nhận được người thân luôn luôn nhớ đến mình.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 7.

Một ngày bình thường của chị như thế nào?

Sáng sớm thức dậy, tập thể dục sau đó đi làm. Dành thời gian nói chuyện với nhân viên, đọc báo, và xử lý công việc đã lên list. Tuy nhiên, công việc luôn có nhiều vấn đề đan xen nhiều yêu cầu đột xuất như hỗ trợ nhân viên, xử lý khủng hoảng hoặc gặp đối tác hoặc đôi khi là yêu cầu từ phía nhà báo (cười).

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 8.

Navigos đi "săn" người cho các công ty, vậy nhân sự của Navigos thì ai sẽ "săn" giúp?

Trong quy trình tuyển dụng nhân viên nội bộ Navigos Search, tôi hay dùng ba yếu tố: Attitude (thái độ) – Skills (kỹ năng) – Knowledge (kiến thức). Trong đó, kiến thức và kỹ năng nếu thiếu có thể rèn luyện, bổ sung nhưng thái độ thì rất khó tác động.

Vì thế, chúng tôi chú trọng những bạn có thái độ tốt, chịu thương, chịu khó, dám nghĩ dám làm để bổ sung vào đội ngũ của mình, bên cạnh khả năng bẩm sinh về cảm nhận nhân sự của ứng viên.Đôi khi, tôi cũng đùa đùa, yêu cầu bạn nhân viên ứng tuyển thử nhận xét về những ứng viên cùng tham gia phỏng vấn để xem nhận định của bạn đó đúng bao nhiêu phần trăm. Bởi công việc của tư vấn viên có một phần quan trọng đó là cảm nhận về những người mà họ tiếp xúc.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 9.

Ứng viên như thế nào sẽ được coi là hoàn hảo và nhất định phải "săn" cho bằng được dưới con mắt của chị?

Ưng viên hoàn hảo hay không phụ thuộc vào đánh giá của nhà tuyển dụng.

Nguyên tắc của Navigos không phải đi tìm người giỏi nhất mà đi tìm người phù hợp nhất với doanh nghiệp. Do đó, để tìm ứng viên phù hợp, Navigos phải rất hiểu về doanh nghiệp, từ văn hóa, triết lý đến những khó khăn của công ty để như những cánh tay nối dài của bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp đó.

Navigos luôn chuẩn bị sẵn những gương mặt giỏi trong nghề (bề dày kinh nghiệm, đóng góp ở doanh nghiệp họ đang hoạt động), xây dựng danh sách ứng viên được doanh nghiệp quan tâm.

Ngược lại, Navigos cũng hiểu các ứng viên, họ cần gì, có thể làm gì tốt ở đâu và có thể gắn bó lâu dài với công việc hay không, để từ đó kết nối ứng viên với doanh nghiệp. Chỉ khi nào họ muốn thay đổi công việc, mục tiêu khác, cơ hội mới thì tôi sẽ kết nối ứng viên với doanh nghiệp.

Giám đốc điều hành Navigos Search: “Giây phút cận kề cái chết không phải là thời khắc đen tối nhất của tôi” - Ảnh 10.

Ở nhiều tập đoàn lớn, ví như Viettel nhân sự cao cấp nhất đều được đào tạo từ trong nội bộ thay vì nhờ cậy đến headhunter. Chị nghĩ gì về điều này?

Bất cứ công ty nào có chiến lược xây dựng toàn bộ đội ngũ lãnh đạo người Việt thì công ty đó luôn kết hợp đào tạo nội bộ, bên cạnh tuyển dụng từ bên ngoài. Ứng viên bên ngoài phần lớn là những vị trí cần gấp trong khi nhân sự nội bộ chưa có người nào đủ kiến thức, kỹ năng cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc doanh nghiệp đưa ra mảng kinh doanh mới mà không kịp phát triển nhân sự nội bộ.

Đào tạo nội bộ được ưa chuộng vì đó là một trong những chiến lược giữ chân nhân tài và mang nhiều lợi ích cho doanh doanh nghiệp. Hơn ai hết, nhân sự nội bộ rất thấu hiểu về ngành nghề, thị trường, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Họ đã hoàn toàn nằm trong văn hóa doanh nghiệp, nếu trang bị thêm kiến thức để đảm nhiệm vị trí thì rất có lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Viettel hay các tập đoàn lớn vẫn có những vị trí phải tuyển từ bên ngoài cho dù họ có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ cấp trung trở lên từ nội bộ rất bài bản.

Chị có lời khuyên gì với những người muốn chuyển đổi công việc hoặc muốn bỏ việc để khởi nghiệp?

Hãy nghĩ đến điểm kết thúc trước khi bắt đầu (Think about the end before begin). Điều luôn cần đặt ra để cân nhắc là: bạn muốn trở thành ai, muốn đạt được điều gì trước khi mình chấp nhận công việc mới. Công việc đó sẽ là viên gạch nền trong con đường mà bạn sẽ đi đến mục tiêu cuối cùng.

Đừng chọn công việc bắt bạn phải hy sinh bản thân, bắt bạn là một người khác, bởi về lâu dài, đó sẽ là một gánh nặng tâm lý khiến bạn không thành công được./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại