"Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo, GDP bình quân đầu người sẽ giảm trên 170 quốc gia do đại dịch Covid-19, nhưng dự báo đó có thể vẫn là một bức tranh lạc quan hơn so với thực tế" - bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF nói trong một cuộc phỏng vấn.
IMF lưu ý rằng ngay cả một đợt bùng phát trong thời gian ngắn cũng có thể sẽ kéo thế giới vào tình trạng suy giảm GDP 3%. Sự tái phát của Covid-19 vào năm 2021, nếu xảy ra, có thể khiến các nền kinh tế phải vật lộn trong nhiều năm tới.
"Các nhà dịch tễ học đang giúp chúng tôi đưa ra các dự đoán kinh tế vĩ mô. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của IMF", bà nói thêm. "Và điều họ đang nói với chúng tôi là: coronavirus mới này là một ẩn số lớn, và chúng tôi không biết liệu nó có quay trở lại vào năm 2021 hay không".
Sự không chắc chắn xung quanh bức tranh tương lai của đại dịch đã khiến các chuyên gia thế giới chìm trong bóng tối, trong khi báo cáo mới nhất của IMF đưa ra kết quả ảm đạm cho những đợt bùng phát kéo dài.
Nếu đại dịch kéo dài đến hết năm 2020, nền kinh tế thế giới chỉ có thể tăng cực kỳ khiêm tốn vào năm sau trong sự phục hồi chậm chạp.
IMF đã cam kết sử dụng khả năng cho vay 1 nghìn tỷ USD của mình để hỗ trợ các quốc gia. Hình: IMF
"Một đại dịch kéo dài (và thậm chí có thể tái phát vào năm 2021) sẽ gây ra một cuộc suy thoái thậm chí còn tồi tệ hơn", tổ chức này cho biết. Khi đó, GDP toàn cầu sẽ tiếp tục giảm mạnh vào năm 2021 và để lại "vết sẹo mới" khi sức khỏe tín dụng xấu đi.
IMF đã dự báo một kịch bản lạc quan hơn nhiều so với tình huống nói trên. Tình hình kinh tế trước khi đại dịch bùng phát vẫn còn nhiều tiềm năng để cải thiện GDP bình quân đầu người ở 160 quốc gia.
Song, đại dịch đã nhanh chóng nhấn chìm thế giới vào "một cuộc suy thoái toàn cầu mà chúng ta chưa từng thấy trong cuộc đời mình", Giám đốc nói, "khiến các chính phủ chạy đua để tránh sự khủng hoảng toàn diện".
Tổ chức này đã cam kết sử dụng khả năng cho vay 1 nghìn tỷ USD của mình để hỗ trợ các quốc gia vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe, nhưng bà Georgieva nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia tự vượt lên trước thiệt hại kinh tế.
Các ngân hàng trung ương của nhiều nền kinh tế lớn đã giải phóng hàng nghìn tỷ USD kích thích và nới lỏng, nhưng viện trợ cần phải phù hợp để có thể lâu dài, bà nói thêm.
"Đó là thời gian mà các chính phủ nên chi tiêu nhiều nhất có thể và nhiều hơn nữa, nhưng hãy tìm cách duy trì các khoản thu. Chúng tôi không muốn thấy sự vô trách nhiệm và thiếu minh bạch trong cuộc khủng hoảng này", Georgieva nói.
Ngay cả khi virus lan tràn khắp toàn cầu, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch đã lên kế hoạch mở cửa lại kinh tế. Tổng thống Donald Trump tiết lộ chi tiết về việc Mỹ khởi động lại vào tối 16/4, bao gồm cả kế hoạch 3 giai đoạn sẽ được thực hiện theo quyết định của các thống đốc.
"Tuy nhiên, kiểm dịch rộng rãi là cần thiết trước khi bất kỳ sự khởi động lại nào có thể diễn ra", bà Georgieva nhấn mạnh. "Một quốc gia bị virus tàn phá dường sẽ không có được niềm tin của người tiêu dùng, và việc mở cửa sớm sẽ gây ra căng thẳng đáng kể cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe".
"Cứu người và cứu sinh kế phải đi đôi trong việc ngăn chặn đại dịch", Giám đốc này nói thêm. "Chúng ta chỉ đơn giản là không thể khởi động lại nền kinh tế một cách đầy đủ nhất. Và nếu không khởi động lại nền kinh tế, các bộ trưởng tài chính cũng sẽ không có doanh thu họ cần, để chi trả cho các dịch vụ y tế của họ".