Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Áp lực tự chủ khiến nhiều hiệu trưởng xin nghỉ

Hà Cường/VTC News |

Đại học Quốc gia Hà Nội gặp khó trong việc tìm hiệu trưởng giỏi, vì trước đó nhiều người đã xin thôi để chuyển sang công tác khác.

Chiều 5/11, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội thảo giáo dục 2023 về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng vấn đề tự chủ của các trường đại học hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Về đầu tư cho giáo dục, ông phân tích, mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên đầu tư cho giáo dục nhưng ngân sách cho giáo dục đại học nói riêng chỉ chiếm 0,27% của GDP, thấp hơn nhiều lần so với khu vực và thế giới.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Áp lực tự chủ khiến nhiều hiệu trưởng xin nghỉ - Ảnh 1.

Ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu chiều 5/11.

Việc cắt giảm theo lộ trình chi thường xuyên làm cho các trường đại học chưa tự chủ gặp khó khăn. Các trường tự chủ phải lấy học phí của người học để bù đắp vào các hoạt động của trường. Nguồn thu của các đại học trong nước thường chiếm từ 60 - 90% trong khi đó ở các nước khác nguồn thu này không quá 60%.

Ví dụ, tại Mỹ, nguồn thu từ học phí của các trường công chiếm 20% (nhà nước hỗ trợ 43%). Tại New Zealand, con số này là 28% (nhà nước hỗ trợ 42%). Hay tại Anh, học phí chiếm khoảng 53% nguồn thu của trường đại học (nhà nước hỗ trợ 14%). Như vậy, ở các quốc gia phát triển, nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ nguồn thu cho trường đại học theo dạng quỹ.

Ông Lê Quân cho biết so với 10 năm trước đây, các trường đại học đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đang vướng rất nhiều về cơ chế, chính sách bất cập. "Nhất là với 2 trường đại học quốc gia hiện nay đang có cơ chế quản lý, hoạt động không khác gì trường đại học nhỏ khác. "Đồng phục thể chế" đang khiến các trường gặp khó và không phát huy hết năng lực", ông nói.

Do đó, rất cần có cơ chế và đầu tư để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tầm nhìn dài hạn, chú trọng đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài ở những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của đất nước. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho các ngành, các địa phương nhưng chưa có cơ chế nào đặc thù cho giáo dục nói chung và đặc biệt là giáo dục đại học.

Ông cũng nhắc đến vai trò quan trọng của hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ các trường đại học. "Ví dụ như với Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay, để tìm được một hiệu trưởng giỏi rất khó khăn. Trong 2 - 3 năm qua, vài ba đồng chí đã xin thôi hiệu trưởng để chuyển sang công tác khác. Thế mới thấy, đây là công việc rất nhiều áp lực và thử thách về mặt quản trị", vị Giám đốc nhấn mạnh.

Theo ông, để các trường có nguồn lực đầu tư đủ lớn, Nhà nước cũng cần xem xét đầu tư trực tiếp cho các trường đại học thông qua đấu thầu cạnh tranh. Các trường được đầu tư phải thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao cả về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hình thức hỗ trợ này cho phép nhà nước đầu tư hiệu quả với chi phí cạnh tranh. Còn về phía các trường đại học sẽ có được nguồn lực lớn để đầu tư cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm, chương trình đào tạo cần trang thiết bị hiện đại.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu lên vấn đề kinh phí cho khoa học và công nghệ tại các trường đại học ở Việt Nam còn thấp. Số lượng các công bố quốc tế mặc dù đạt kết quả khá ấn tượng trong thời gian qua nhưng chưa tương xứng so với yêu cầu và tiềm năng. Các nhà khoa học làm chủ được chuyên môn nhưng lại mất khá nhiều thời gian để xử lý thủ tục giải ngân với quá nhiều giấy tờ.

Ông đề xuất cần xây dựng các quỹ học bổng, tín dụng ưu đãi để ưu tiên các ngành khoa học cơ bản, cần thiết cho sự phát triển của đất nước như khoa học cơ bản (toán, lí, hoá, sinh, y, triết học, lịch sử, văn hoá), các ngành kĩ thuật nền tảng (cơ khí, nông nghiệp, môi trường)...

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Áp lực tự chủ khiến nhiều hiệu trưởng xin nghỉ - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, giai đoạn 2013-2021, số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng từ 207 trường lên 237 trường; quy mô đào tạo các trình độ giáo dục đại học trong giai đoạn cũng tăng cao. Tỷ lệ giảng viên học vị tiến sĩ tăng từ 14,38% (năm 2013) lên 31,28% năm 2021.

Tuy nhiên, giáo dục đại học còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và kỹ năng làm việc. Thể chế, chính sách về tự chủ đại học còn mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học.

Kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp. Chính sách xã hội hoá giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều các thành phần xã hội tham gia. Số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giảng viên đại học chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là về năng lực đổi mới sáng tạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại