Giám đốc Công an Đồng Nai: Thượng tá Thường không sai
Khi PV VTC News đặt câu hỏi về hướng xử lý với sự việc liên quan đến Thượng tá Võ Đình Thường (Phó phòng CSGT Đồng Nai), Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nói: "Tôi chưa hiểu là xử lý cái gì? Và tại sao lại phải xử lý? Thượng tá Thường làm đúng, có gì sai đâu mà xử lý".
Theo Đại tá Mạnh, không phải cứ có thông tin xôn xao như vừa qua mà gọi Thượng tá Thường lên trách cứ. Còn rất nhiều thứ phải làm rõ và theo ông, cái chính bây giờ là phải định hướng cho đúng.
Vị đại tá này cũng khẳng định CSGT Đồng Nai đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và đúng luật.
Liên quan việc mời tài xế, Đại tá Mạnh cũng khẳng định, việc công an Đồng Nai mời tài xế lên làm việc là vì có dấu hiệu vi phạm, gây rối trật tự công cộng chứ không phải vì lý do "đổi và trả tiền lẻ" như một số thông tin được đăng tải.
"CSGT tỉnh Đồng Nai có đầy đủ bằng chứng về việc này. Đó là camera đặt ở trạm thu phí BOT 24/24, CSGT sau khi đã trích xuất từ camera ra những lái xe có dấu hiệu vi phạm, có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng thì họ mời mời làm việc", nguồn trên dẫn lời đại tá Mạnh.
Trong một diễn biến khác, trưa 22/10, cổng thông tin điện tử công an tỉnh Đồng Nai đã đăng tải ý kiến của Ban lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai liên quan đến việc điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng phòng CSGT Võ Đình Thường.
Trong đó khẳng định, việc thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Võ Đình Thường đều có Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh thực hiện đúng quy trình, quy định của Bộ Công an về công tác cán bộ.
Thông báo của Công an tỉnh Đồng Nai
Nhiều ý kiến quanh việc cán bộ đã cho ra khỏi lực lượng CSGT lại quay trở về làm lãnh đạo
Trên báo Zing.vn, Trung tướng Nguyễn Phúc Thảo (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an) và Thiếu tướng Bùi Bé Tư (Giám đốc Công an tỉnh An Giang) đã có những chia sẻ quanh việc Thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Đồng Nai từng bị kỷ luật đưa ra khỏi ngành, nhưng nay lại trở lại làm lãnh đạo.
"Cán bộ đã cho ra khỏi lực lượng CSGT mà bố trí lại làm CSGT thì kỳ lắm", Trung tướng Thảo nói trên báo Zing.vn như vậy và cho hay, khi ông còn là Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng thì những cán bộ tai tiếng sẽ bị luân chuyển sang bộ phận khác, CSGT khi ra khỏi lực lượng thì sẽ không được làm CSGT nữa.
Còn Thiếu tướng Tư cho biết, không có văn bản nào quy định CSGT bị kỷ luật thì không được trở lại làm CSGT. Tuy nhiên, theo ông, việc sắp xếp công việc cho Thượng tá Thường như vậy là không nên, sẽ bị dư luận không tốt.
"Ở chỗ đó mà đi vì sai phạm thì không nên bố trí lại, cần cân nhắc", nguồn trên dẫn lời Thiếu tướng Tư.
Quanh sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM) chia sẻ trên báo Dân trí, việc trải qua mười mấy năm thì nay coi như xong, đã xóa kỷ luật thì mọi sai phạm trước đây đều "vào dĩ vãng".
Theo ông Hậu, việc ông Thường được chuyển từ CSGT sang cảnh sát hành chính hay 113 là bình thường, tuy nhiên, "riêng việc từ CSGT bị kỷ luật nay thăng chức ngay chính ngành đó thì cần xem lại".
"Về mặt tổ chức thì có nên chăng để người có quá khứ tì vết như vậy tiếp tục làm việc có liên quan? Tôi nghĩ không nên. Bổ nhiệm một người trong ngành công an đòi hỏi sự chuẩn mực", báo Dân trí dẫn lời luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Hôm 21/10, báo VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết, Bộ đã yêu cầu Công an Đồng Nai báo cáo sự việc. Theo ông Quang, việc cán bộ "từng bị kỷ luật, luân chuyển qua lực lượng khác rồi bổ nhiệm trở lại là bình thường".
(Tổng hợp)