Giám định viên nói gì trong phiên tòa xét xử vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà?

Mạnh Hùng |

Sáng nay (6/3), phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng bước sang ngày làm việc thứ 2, HĐXX đã thẩm vấn các giám định viên về công tác giám định đối với dự án.

Theo đó, mở đầu phiên tòa sáng nay, giám định viên Lê Thanh Sơn, thành viên đoàn giám định tư pháp cho biết, đoàn giám định đã tiến hành khảo sát tại nhiều vị trí, trong đó có những vị trí đường ống đang vận hành và đường ống xảy ra sự cố, có những vị trí nằm trên nền đất yếu.

Đoàn giám định đã lấy mẫu và tiến hành thử nghiệm chất lượng vật liệu ống, cũng như xem xét đến các yếu tố bất lợi như việc gia tăng tải trọng đường ngang, đường dân sinh...

Từ đó, giám định viên Lê Thanh Sơn cho biết: “Về căn cứ để thực hiện việc giám định tư pháp, chúng tôi thực hiện theo đúng nguyên tắc giám định. Chúng tôi được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu giám định theo 2 văn bản.

Nội dung thứ nhất là giám định quá trình tuân thủ pháp luật tại các giai đoạn lập dự án, thi công. Nội dung giám định thứ hai là giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các bên”.

Trong quá trình thực hiện giám định, đoàn giám định cũng dựa trên tài liệu cơ quan điều tra cung cấp và các chứng cứ thí nghiệm tại hiện trường, cùng với các căn cứ về pháp luật có liên quan như quy định tại Luật Giám định 2003, Luật Xây dựng, Nghị định 209 năm 2004 hướng dẫn về công tác bảo vệ chất lượng công trình và các văn bản hướng dẫn.

Ông Trịnh Minh Đạt, đại diện tổ chức giám định của Bộ Xây dựng cho rằng việc giám định được khảo sát ngẫu nhiên 14 vị trí đang vận hành khai thác và giám định cả những ống đã vỡ và ống lưu của Công ty Cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico) - Công ty con của Vinaconex có nhiệm vụ sản xuất ống cho dự án.

Ngoài ra, khi HĐXX hỏi đoàn giám định có giám định quá trình sản xuất tại Viglafico hay không, giám định viên Trịnh Minh Đạt cho biết trong hồ sơ kết luận của cơ quan giám định không giám định quy trình sản xuất ống vì trong quá trình giám định thì nhà máy đã dừng sản xuất, nhưng đoàn có giám định những ống dự phòng lưu tại nhà máy.

Trong quá trình giám định, đoàn có kiểm tra chất lượng của quá trình thi công lắp đặt ống thông qua quá trình kiểm tra hồ sơ lưu trữ.

Trong văn bản kết luận có kết luận nguyên nhân gây nên sự cố là: “Do sự bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống; trong đó nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cát nhựa), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật đã tạo ra những xung yếu.

Nếu ống sản xuất có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống”.

Bên cạnh đó, đoàn giám định cũng nhận được văn bản trưng cầu giám định bổ sung 6 nội dung cần làm rõ.

Thứ nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định tư pháp việc Vinaconex vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị thi công theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ là có đúng pháp luật hay không? HĐQT Vinaconex quyết định đầu tư có phải báo cáo lại Chính phủ hay không? Đoàn Giám định đã có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 20/9/2003, Chính phủ đã có văn bản số 505/CP-CV yêu cầu Vinaconex trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tính khả thi của dự án.

Ngày 3/9/2003 Bộ Xây dựng đã có tờ trình trình số 33/TTr-BXD Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng dự án, trong đó có đề nghị giao Vinaconex làm chủ đầu tư, quyết định đầu tư theo thẩm quyền.

Ngày 24/9/2003 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1085/CP-VB giao Vinaconex làm chủ đầu tư và giao HĐQT Vinaconex tổ chức phê duyệt báo cáo khả thi theo thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 07 năm 2003/NĐ-CP và Nghị định số 12 năm 2003/NĐ-CP quy định thẩm quyền quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp và nguồn vốn khác, các dự án nhóm A, B, C do doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp tự thẩm định dự án, tự quyết định đầu tư, và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, do đó Vinaconex vừa làm chủ đầu tư vừa làm đơn vị thi công là đúng quy định, và cũng không có quy định bắt buộc Vinaconex phải báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ khi thay đổi, bổ sung dự án đầu tư.

Thứ hai về nội dung giám định bổ sung: HĐQT Vinaconex có vai trò gì trong việc quyết định thay đổi chất liệu đường ống từ chất liệu ống gang dẻo sang vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, việc thay đổi này có phải là một trong những nguyên nhân gây ra vỡ ống? Đại diện đoàn giám định cho biết, HĐQT Vinaconex quyết định đầu tư khi chưa thực hiện đầy đủ thủ tục quyết định đầu tư, về nguyên nhân vỡ đường ống như đã nêu ở trên.

Ngoài ra, việc gia tăng tải trọng trên tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường ngang, đường dân sinh cũng có thể là nguyên nhân gây vỡ ống.

Thứ ba về trưng cầu giám định: Đối với việc Vinaconex chỉ định Viglafico cung cấp đường ống cho dự án có đúng luật hay không? Nếu có vi phạm thì đây có phải là nguyên nhân gây ra vỡ đường ống hay không? Đơn vị giám định đã có ý kiến kết luận như đã nêu trên.

Thứ tư về trưng cầu giám định bổ sung: Là dây chuyền, công nghệ , thiết bị sản xuất của Viglafico có đủ năng lực sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Viglafico đã đăng ký với Bộ Xây dựng hay không?

Đại diện đoàn giám định cho biết Viglafico đã mua dây chuyền sản xuất ống dẻo từ Công ty TNHH Liễu Châu (Trung Quốc) và đã sản xuất đúng tiêu chuẩn Việt Nam.

Các ống trước khi xuất xưởng đã được kiểm tra đúng theo chất lượng công bố. Tuy nhiên việc kiểm tra về độ bền dài hạn vẫn chưa được thí nghiệm.

Theo các tài liệu có liên quan, quá trình thi công, lắp đặt, nghiệm thu và quá trình sản xuất ống bổ sung để thay thế ống vỡ, dây chuyền công nghệ này có thể sản xuất ống cốt sợi thủy tinh thay thế và đảm bảo tiêu chuẩn.

Giám định bổ sung thứ năm, là việc vỡ đường ống thuộc trách nhiệm của cá nhân nào? Đơn vị giám định đã có ý kiến như sau: Theo hồ sơ xây dựng, Vinaconex đã tính toán, lựa chọn đồng thời quy định áp dụng tiêu chuẩn cho sản phẩm. Như vậy, trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất cung cấp ống.

Trưng cầu giám định thứ 6 là Viglafico sản xuất ống không đúng thiết kế kỹ thuật, vậy nếu sản xuất đúng kỹ thuật thì có gây ra sự cố hay không? Giám định viên cho biết, tổng thầu Vinaconex đã áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài để lựa chọn các thông số kỹ thuật.

Như vậy, nếu sản xuất theo đúng thông số kỹ thuật, quá trình sản xuất, thi công lắp đặt tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống.

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến tại phiên tòa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại