Diễn biến khó lường của dịch Covid-19, cùng việc giá dầu Thế giới giảm kỷ lục hơn 30% trong sáng nay đã khiến các thị trường tài chính Châu Á "rực lửa" và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng 9/3, chỉ số VN-Index giảm 51,59 điểm (-5,79%) xuống 839,85 điểm. Số mã giảm điểm lên tới 346, gấp 10 lần so với số mã tăng, trong đó số mã giảm sàn lên tới 104.
Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam kể từ sự kiện Biển Đông năm 2014 với mức giảm 5,87% của chỉ số VN-Index (phiên 8/5/2014).
Nếu tính từ năm 2002 tới nay thì việc VN-Index giảm 5,79% trong sáng 9/3/2020 cũng được xác lập là mức giảm sâu thứ 2 trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức giảm kỷ lục vẫn là phiên 8/5/2014 với -5,87%.
Trước đó trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 10/2001, chỉ số VN-Index thường có những phiên biến động tăng/giảm trên 6%. Tuy vậy, đây là giai đoạn sơ khai của thị trường chứng khoán Việt Nam với số mã niêm yết rất hạn chế, do đó biến động mạnh của chỉ số trong thời điểm này không có nhiều ý nghĩa.
Việc giảm sâu trong sáng nay đã khiến vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HoSE, HNX, UPCom) "bay hơi" tổng cộng 227.313 tỷ đồng (9,8 tỷ USD).
Top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index sáng nay gồm có VCB (-6,77 điểm), VIC (-6,6 điểm), VHM (-5,39 điểm), BID (-4,04 điểm), GAS (-3,2 điểm).
Về giao dịch khối ngoại, họ đã bán ròng 45 tỷ đồng trên HoSE sáng nay, tập trung vào MSN (-35,22 tỷ đồng), VCB (-17 tỷ đồng), HPG (-11,6 tỷ đồng). Tính từ đầu tháng 3 tới nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 1.000 tỷ đồng.
Tại mức điểm 839,85 trong sáng 9/3, chỉ số VN-Index đang ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Định giá P/E VN-Index hiện đang ở mức 12,43 lần, tương đương với giai đoạn tháng 4/2016 khi VN-Index đạt 570 điểm.