Vụ án Năm Cam lên phim

lananh |

39 tập phim Những đứa con biệt động Sài Gòn (kịch bản dựa trên vụ án có thật nổi tiếng một thời về băng Năm Cam) sắp lên sóng VTV1.

Được xem là phần sau của bộ phim nổi tiếng một thời - Biệt động Sài Gòn, Những đứa con biệt động Sài Gòn còn đem đến nhiều hy vọng từ sự tham gia của nhà sản xuất phim xã hội hóa với dòng phim chính luận.

Làn gió mới cho dòng phim hình sự

Lấy bối cảnh 35 năm sau giải phóng, bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn xoay quanh cuộc đấu trí, đấu tranh quyết liệt đầy cam go của người chiến sĩ công an với các băng nhóm tội phạm nguy hiểm và liều lĩnh trong xã hội. Đây là lần đầu tiên vụ án về băng nhóm xã hội khét tiếng từng làm rúng động xã hội này lên phim.

Nhưng hơn thế, phim còn lồng ghép được nhiều tình tiết của các vụ án khác để tái hiện phần nào cuộc chiến cam go của lực lượng công an trước những băng nhóm tội phạm nguy hiểm tranh giành lãnh địa hoạt động khá manh động, liều lĩnh đã gây ra bao phiền toái cho người dân TP những năm sau giải phóng...

Đại tá - nhà văn Nguyễn Xuân Hải, tác giả kịch bản bộ phim cho biết: “nhân vật trung tâm của bộ phim là những tấm gương chiến sĩ công an dũng cảm, mưu trí... đấu tranh với các tội phạm nguy hiểm để đưa lại cuộc sống bình yên cho người dân”.

Chuyện bắt đầu khi Bảy Xoài cùng con trai là Quý đang quản lý nhiều nhà hàng, quán bar ở Sài Gòn quyết định mượn tay Phượng “Đê” - một nữ trùm xã hội đen nổi tiếng từ ngoài Bắc vào Nam để triệt hạ đàn em Mộc già bằng một ca axit.

Trước các chiến sĩ trinh sát, Mộc già vẫn nín lặng để tìm sự an toàn cho gia đình. Cũng từ đây, hai trinh sát được giao nhiệm vụ đặc biệt này đã phát hiện nhiều dấu hiệu phi pháp trong vũ trường do đàn em Bảy Xoài quản lý.

Cuộc tranh giành “thị phần” làm ăn cũng như những cuộc thanh trừng lẫn nhau giữa nhóm Bảy Xoài và Phượng Đê ngày càng khốc liệt, trắng trợn... Qua cuộc đấu tranh đầy cam go, mưu trí và dũng cảm với những băng nhóm tội phạm, bộ phim phần nào khắc họa nhiệm vụ gian khổ, đầy nguy hiểm của người chiến sĩ công an...

Bên cạnh những diễn biến phức tạp từ một vụ án có thật, bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn còn được chờ đợi đem đến “làn gió mới” cho dòng phim hình sự.

Được biết, để tái hiện sống động hình ảnh cuộc đấu tranh ác liệt và đầy nguy hiểm, đoàn làm phim đã sử dụng một đội ngũ cascader nổi tiếng của TP.HCM tham gia từng tình tiết gay cấn trong phim.

Trước lúc khởi quay, các diễn viên tham gia bộ phim cũng đều được học qua võ thuật ít nhất hai tháng nhằm đem đến bộ phim hình sự mang chất lượng cao về võ thuật này. Đạo diễn Vương Đức nhìn nhận: “Đây là bộ phim hành động hiếm thấy ở VN khi đạt được trình độ võ thuật hoàn hảo thế này”.

Cảnh trong phim Những đứa con biệt động Sài Gòn

Cú hích nào từ “những người muôn năm cũ”?

Không phải ngẫu nhiên bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn được xem là phần tiếp theo của bộ phim dài tập nổi tiếng của điện ảnh VN - Biệt động Sài Gòn. Hình tượng các nhân vật chính trong phim là con của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn mưu trí, dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa hiện đang hoạt động trong ngành Công an.Nhiều tình tiết, thân phận của nhân vật trong bộ phim được móc nối, gợi nhớ đến hình ảnh những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hào hùng năm xưa.

Bên cạnh đó, ê kíp sản xuất bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn cũng có sự tham gia của nhiều gương mặt gạo cội đã làm nên Biệt động Sài Gòn thành danh trước đây như nghệ sĩ Long Vân - đạo diễn phim Biệt động Sài Gòn đảm trách vai trò chỉ đạo nghệ thuật phim Những đứa con biệt động Sài Gòn hay nghệ sĩ Hai Nhất nổi tiếng vai Ba Cẩn trong Biệt động Sài Gòn thủ diễn nhân vật Bảy Xoài trong Những đứa con biệt động Sài Gòn...

Điều đáng nói, Những đứa con biệt động Sài Gòn do Công ty cổ phần Long Vân sản xuất là một trong những bộ phim thuộc “của hiếm” do nhà sản xuất phim xã hội hóa thực hiện thuộc dòng phim chính luận.

Nói đúng hơn đây là bộ phim thuộc thể loại phim hình sự từ lâu đã trở thành thương hiệu của Trung tâm sản xuất phim Truyền hình VN (VFC). Sự góp mặt của bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn trong dòng phim này cho thấy các nhà sản xuất xã hội hóa cũng quan tâm và có thể thực hiện sản xuất những bộ phim mang tính chính luận chứ không chỉ làm những bộ phim mang tính giải trí, câu khách đơn thuần.

Hơn thế, ngay sau bộ phim Chủ tịch tỉnh kết thúc, cuộc “chạy tiếp sức” trong chương trình Phim truyện VN khung giờ vàng trên VTV1 với Những đứa con biệt động Sài Gòn đem đến hy vọng quyết tâm duy trì phong cách phim chính luận của VTV.

Ngay từ khi trình làng, chương trình phim truyện trên VTV1 và VTV3 đã xác định hai phong cách, hai dòng phim khác nhau là phim chính luận và phim giải trí nhưng thực tế trong thời gian qua đã có không ít thời điểm chương trình phim truyện trên VTV1 đã "hụt hơi" vì thiếu vắng những bộ phim đúng với tính chất, phong cách phim chính luận.

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký Biên tập VTV khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định phim truyền hình là thể loại VTV cần quan tâm đầu tư mà dòng phim chính luận là một trong những ưu tiên”.

Theo Baovanhoa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại