Vẻ đẹp mê hồn của những bóng hồng dòng phim cách mạng

Lily |

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bóng hồng của dòng phim cách mạng ngày ấy vẫn còn làm xao xuyến bao thế hệ khán giả Việt Nam bởi một vẻ đẹp khó quên.

NSND Trà Giang

Sinh năm 1942 ở miền Trung trên quê hương Quảng Ngãi, cuộc đời của Trà Giang gắn bó với nghệ thuật từ khi 10 tuổi.

Bà đến với điện ảnh như một cơ duyên, trong những lần theo ba (NSƯT Nguyễn Văn Khánh, Trưởng đoàn Văn công Liên khu V) đi xem kịch, xem múa, xem cải lương...

Sự hứng thú của Trà Giang đã khiến người cha nhận thấy năng khiếu diễn xuất ở cô con gái nhỏ và hướng cho bà đi theo điện ảnh.

Với vai diễn đầu tay để đời đó là vai chị Kiên trong phim "Một ngày đầu thu", cái tên Trà Giang đã được biết đến với những phút diễn xuất thần và cách thể hiện cảm xúc một cách chân thực nhất. Đạo diễn Khải Ninh đã từng nhận xét:

"Trà Giang gây cho người ta ấn tượng về một người phụ nữ dịu dàng, đôn hậu nhưng lại có nét hồn nhiên, vai chị Kiên trong 'Một ngày đầu thu' đã làm nên tên tuổi Trà Giang, mở đường cho những vai diễn thành công sau này".

Với những lần "hóa thân" thành công ấy, Trà Giang đã được khán giả biết đến như một điển hình của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với những vai diễn để đời trong các bộ phim: “Một ngày đầu thu”, “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”...

Nhưng Trà Giang cũng sớm chia tay với điện ảnh khi bà mới chỉ tham gia 17 bộ phim, để lại một nỗi tiếc nuối lớn trong lòng khán giả yêu mến bà.

Từ khi về hưu, Trà Giang lại có niềm đam mê với hội họa. Hội họa đến với Trà Giang như một sự tình cờ của định mệnh, vực bà dậy trong nỗi đau mất đi người chồng yêu quý.

Một lý do để bà đi nhiều nơi và tìm đến hội họa còn là ước muốn thể hiện những vai diễn, những hoàn cảnh mà bà đã từng trải qua trong cuộc đời làm diễn viên của mình.

Dù tuổi đã cao, vẻ đẹp của cô Dịu ngày nào vẫn hiển hiên trên gương mặt cũng như thần thái của mỹ nhân dòng phim cách mạng Việt.

Lê Vân

Là con trưởng trong gia đình nghệ sĩ Lê Mai và Trần Tiến, Lê Vân sớm có một cuộc sống hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu.

Tưởng như với bước đệm quá tốt từ gia đình và tài năng bản thân, Lê Vân sẽ bước lên đỉnh thành công của nghệ thuật.

Nhưng vận mệnh của chị lại không hề êm ả như cái cách mà người ta thấy từ vẻ bề ngoài của gia đình. Sự nghiệp, hôn nhân và cả đời sống tình cảm của Lê Vân đều có những trắc trở kéo dài.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Lê Vân sớm được bố mẹ cho theo học tại trường múa. So với cả 3 chị em trong nhà là Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi, chị có con đường nghệ thuật rộng mở hơn.

Ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề diễn, Lê Vân đã được nhìn nhận tài năng và cân nhắc cho vai diễn đắt giá, giúp tên tuổi của chị ngày càng gắn với các tác phẩm bất hủ.

Cái tên Lê Vân đã có một vị trị riêng, vững chắc với bộ môn nghệ thuật thứ 7 một thời khi để lại hàng loạt các vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim: Chị Dậu, Thương nhớ đồng quê, Đêm hội Long Trì", Bao giờ cho đến tháng 10...

Đặc biệt, với vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đem đến cho NSƯT Lê Vân giải Bông sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 7 năm 1985.

Chính nhờ những đóng góp của mình, Lê Vân đã được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Tuy nhiên, sau bộ phim Lời thề năm 1996, người ta chợt thấy Lê Vân biến mất, rút hoàn toàn khỏi nghệ thuật và hiếm khi xuất hiện trước công chúng hay truyền thông.

NSƯT Thanh Tú

NSƯT Thanh Tú là một trong những lớp sinh viên thế hệ đầu của trường Đại học sân khấu – điện ảnh, sinh viên khoá II (1960 – 1964) của trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Năm 9 tuổi, bà được đưa sang Trung Quốc học nhằm ươm mầm cách mạng. Về nước, Thanh Tú thi vào trường ĐH kiến trúc.

Nhưng chỉ được một năm, với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, cô gái trẻ 16 tuổi từ bỏ kiến trúc và thi vào trường nghệ thuật.

Trước khi tham gia đóng phim, Thanh Tú từng là một diễn viên kịch. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, điện ảnh Việt Nam cần những bộ phim cổ vũ phong trào yêu nước, chống ngoại xâm.

Với khuôn mặt xinh xắn, toát lên vẻ cương nghị, đôi mắt tươi tắn, trong veo, mới 20 tuổi, Thanh Tú được giao đóng nhiều vai diễn đa dạng trong dòng phim cách mạng: lúc thì là một cô bác sĩ trong Tiền tuyến gọi, khi là người mẹ trong Em bé Hà Nội…

Nhưng bộ phim thành công và để lại ấn tượng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của NSƯT Thanh Tú là Sao Tháng Tám.

Với bộ phim này, Thanh Tú được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong LHP Việt Nam lần thứ IV, giải đặc biệt của Ủy ban phụ nữ Liên bang Xô Viết tại LHP Moscow.

Ngoài phim, Thanh Tú từng tham gia nhiều vở kịch như Ta–nhi–a, Âm mưu và ái tình. Ngoài ra, Thanh Tú cũng học lớp Đạo diễn sân khấu vào thập niên 80, sau đó đạo diễn nhiều vở kịch khác nhau.

NSƯT Thanh Hiền

Mến trong phim Sao tháng Tám chính là vai diễn chạm ngõ điện ảnh của nghệ sĩ Thanh Hiền.

Sau Sao tháng Tám, NSƯT Thanh Hiền liên tiếp được tham gia những phim như Ngày ấy bên sông Lam, Bình minh xôn xao, Tiếng gọi phía trước... Bà dần trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ.

Sở hữu đôi mắt buồn, nghệ sĩ Thanh Hiền thường xuyên được "đo ni đóng giày" cho các vai khổ. Tuy nhiên, ngoài đời thực chị luôn thừa nhận mình là người vô cùng hạnh phúc và may mắn với cuộc sống trải hoa hồng.

Hiện tại khi sắp bước sang tuổi lục tuần nhưng trên gương mặt chị vẫn giữ nguyên những nét mặn mà, phúc hậu của người phụ nữ năm nào.

Sau hơn 30 năm gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Thanh Hiền vẫn luôn muốn cống hiến hết mình với niềm đam mê và sẵn sàng chờ đón những vai diễn phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại