Nếu trước kia, nói đến đạo ý tưởng, công chúng thường nghĩ đến giai điệu của một bài hát thì bây giờ, đối tượng bị nhắm đến sẽ là mẫu thiết kế mới ra lò của một nhà thiết kế nào đó. Vấn nạn sao chép mẫu thiết kế nước ngoài xuất hiện cách đây hơn một năm, khi sao Việt ngày càng nảy nở nhu cầu phải lộng lẫy ở các sự kiện họ xuất hiện. Và vấn nạn này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nghệ sĩ muốn mặc đẹp nhưng không muốn bỏ ra một số tiền quá lớn cho trang phục chỉ mặc một lần, cũng có thể vì nghệ sĩ không thể mua được mẫu ưng ý trên thị trường thời trang trong nước... nhưng trên tất cả là sự nghèo nàn về ý tưởng cũng như sự liều lĩnh thái quá của những nhà tạo mẫu Việt.
Ban đầu, khi đối mặt với sự chỉ trích của dư luận, các nhà sao chép mẫu còn bạo miệng phủ nhận bằng những lý do thiếu sức thuyết phục. "Sự trùng hợp và sáng tạo trong nghệ thuật là vô cùng tận, nhưng có những sự việc có thể lý giải được, còn có những sự việc thì không" - đây là cách chạy tội của NTK Công Trí mỗi khi anh bị công chúng phát hiện nhái các mẫu thiết kế nước ngoài, mà chuyện "xào mẫu", đối với Công Trí có vẻ như đã thành tiền lệ. Thế nhưng, dù có cố gắng thanh minh hay bao biện bằng những tuyên bố chắc nịch thì những gì Công Trí nhận lại vẫn chỉ là những chỉ trích và sự bàn tán không có hồi kết của những tín đồ thời trang trong nước.
Khi xu hướng thời trang Việt ngày càng tiến gần hơn với xu hướng của thế giới thì sự sao chép ngày càng trở nên lộ liễu, thậm chí trong một show thời trang có tiếng như Đẹp Fashion Show 9, rất nhiều mẫu của NTK Đỗ Mạnh Cường bị cư dân mạng phản hồi là sao chép. Hay như trong Đêm hội chân dài, NTK Hoàng Hải cũng trình làng một bộ sưu tập gồm 40 mẫu váy trong đó hầu hết được cắt, ghép nhiệt tình từ các mẫu thiết kế nước ngoài. Hành động này của anh khiến không chỉ công chúng mà siêu mẫu Hoàng Yến cũng phải bực mình lên tiếng. Tuy nhiên, khi được hỏi đến thì họ vẫn 'thà chết không khai, quanh đi quẩn lại cũng là những lý do như "tôi có bị ảnh hưởng nhưng không sao chép", hay bịt miệng công chúng bằng kiểu lý luận "khó đỡ" như Đỗ Mạnh Cường: "Nếu bạn làm thời trang, bạn sẽ hiểu rõ hơn điều này, còn với những khán giả đi coi thưởng thức, nhưng không thực sự hiểu về ngành thiết kế thì rất khó để lý giải cho các bạn hiểu".
Sự trùng hợp đến khó tin giữa ý tưởng của NTK Đỗ Mạnh Cường, nhãn hàng Versace và NTK Công Trí (từ trái sang).
Chỉ hôm qua thôi, hai nhà thiết kế có tiếng Việt Nam - Đỗ Mạnh Cường và người bạn thân Công Trí - đã đồng thời "lên thớt" vì tội danh sao chép ý tưởng. Điều đáng nói hơn cả là họ cùng dính vào một mẫu thiết kế của nhãn hàng thời trang danh tiếng Versace. Thế nhưng, đã quá mệt mỏi vì nhiều lần cố gắng giải thích mà không ai tin, NTK Công Trí quyết tâm làm ngơ và thách thức dư luận: "Mọi người muốn tôi nói gì về việc này? Tôi nói là tôi copy hay không copy, thì chưa chắc họ đã tin lời của tôi". Thái độ này của anh khiến người đọc cũng phải phì cười tự hỏi liệu tình bạn thân thiết của hai người có phải là sợi dây kết nối ý tưởng của họ để "đụng" với mẫu thiết kế của nước ngoài.
Một bộ sưu tập xấu hay đẹp không chỉ ở con mắt của người thiết kế, nó còn nằm ở sự cảm nhận của khán giả, bởi họ chính là những người trực tiếp chiêm ngưỡng và đánh giá chất lượng của sản phẩm. Thế nhưng, tình trạng sao chép như cơm bữa mà các nhà thiết kế Việt đang làm công chúng dần mất lòng tin vào những sản phẩm họ tạo ra. Quan trọng hơn, nó còn là rào cản ngăn nền thời trang Việt tiến gần hơn với thời trang thế giới.
Những mẫu thiết kế được cho là sao chép của NTK Hoàng Hải (bên trái)
Mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Mây của NTK Đỗ Mạnh Cường bị cho là sao chép
Mẫu váy "xào, nấu" của Công Trí
Theo Xzone.vn