Quan thanh tra là vở hài kịch đặc sắc nằm trong bộ sách tuyển chọn 100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới do NXB Sân khấu ấn hành.
Tác phẩm ra đời vào năm 1835 nhưng còn nguyên giá trị thời sự trong xã hội hôm nay.
Nhà viết kịch lỗi lạc Nikolai Gogol đã phê phán, chế giễu mạnh mẽ những thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại và cả giới trí thức, nhà buôn đương thời.
Mở màn vở kịch là bối cảnh nước Nga từ nhiều năm trước với lễ hội vui nhộn của những quan như: cảnh sát, chủ sự Bưu vụ, đến Chánh án hay Viện trưởng viện tế bần, Thị trưởng...
Đặc biệt, Chí Trung đã ví tất cả những quan tham như những con chuột, đục khoét, xấu tính và phá hoại lẫn nhau.
Nghệ sĩ Anh Tuấn (áo đỏ) trong vai Thị trưởng.
Dù bối cảnh ở nước Nga cách đây 180 năm nhưng đạo diễn Chí Trung đã biến hóa, lồng ghép những sự kiện thời sự nóng hổi như: án oan, tranh cãi môn sử... vào để vở kịch thêm phần sinh động.
Phần lồng ghép này khiến khán giả rất hài lòng và luôn nhận được tràng pháo tay rộn rã từ người xem mỗi khi diễn viên nhả chữ.
Hỏi Chí Trung, điều khó nhất đối với vở kịch này là gì? Anh bảo, khó nhất là cắt gọt kịch bản từ 115 trang xuống còn 61 trang, cắt đoạn nào bỏ đoạn nào là cả một vấn đề đối với đạo diễn.
Thế nhưng, vấn đề đó không còn e ngại khi vở diễn vừa công chiếu tối 17/1 và nó vẫn giữ nguyên được thông điệp của cha đẻ của nó - tác giả Nikolai Gogol.
Chí Trung vẫn là đạo diễn đi đầu về việc đưa những hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại vào kịch.
Và lần này, sân khấu với khung cảnh kiến trúc cổ kính và mái vòm lâu đài thế kỷ 19 đặc trưng của xứ sở Bạch Dương khiến người xem cảm thấy hài lòng.
Sân khấu gợi mở cùng những lần chuyển cảnh đầy thuyết phục bằng cách đưa những điệu múa đậm chất Nga để lôi người xem quên đi việc 'bếp núc'.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng dù mang được tiếng cười cho khán giả nhưng dàn diễn viên của vở diễn này đa phần diễn 'Đời cười' - những vở hài kịch ngắn, đơn giản nên việc nhả câu nhả chữ của các diễn viên để làm sao toát lên được cái hài hước đầy bi kịch đau xót cũng có phần chưa tới.
Nghệ sĩ Vân Dung vào vai vợ của thị trưởng thành phố Anton Antonovich - một bà vợ lẳng lơ đúng chất mà Vân Dung hay diễn. Và đương nhiên, chị cũng không phải diễn nhiều.
Thế nhưng, sự lên gân đôi khi vẫn thấy ở Vân Dung khiến cho vai kinh điển này của chị chưa được 'tròn'.
Chia sẻ bên lề vở diễn, nghệ sĩ Vân Dung cho biết, chị chỉ có 3 ngày và 6 buổi để tập và thuộc lời.
Mấy chục năm trên sân khấu, chị chưa bao giờ diễn vai nào 'dài hơi' đến vậy nên chị thực sự đã rất cố gắng:
"Tôi thực sự rất vui, năm nay tôi 41 tuổi và cũng từng ấy năm tôi mới được một lần xinh đẹp trên sân khấu vì trước đó tôi toàn phải hóa trang xấu xí hơn bình thường.
Tôi rất vui có gì chưa được mong các bạn cứ góp ý".
Chia sẻ sau vở diễn, Đạo diễn Chí Trung cho biết, đây là đêm diễn có thể nói là đầu tiên có khán giả vì đêm sơ duyệt hôm trước chỉ có vài chục người nên diễn viên có thể chưa diễn hết công suất.
"Cái khó của diễn hài là phải có khán giả để nghệ sĩ có thể thăng hoa, có thể sau vài đêm, diễn viên sẽ nhuần nhuyễn hơn.
Còn Vân Dung, cô ấy không quen diễn vở nào có lời thoại dài, nên đó quả thực là một sự cố gắng rất lớn của Vân Dung. Có thể sẽ điều chỉnh cách diễn của Vân Dung cho phù hợp hơn", Chí Trung chia sẻ.
Quan thanh tra sẽ được công diễn vào sau Tết Nguyên đán.
Quan thanh tra xoay quanh câu chuyện về một công chức quèn lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là Quan Thanh tra từ Peterburg về thị sát.
Vốn là những kẻ thường sách nhiễu dân chúng và tham nhũng, cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ cho quan lớn thanh tra.
Nhân dịp đó, kẻ nọ tố cáo người kia, nói xấu lẫn nhau để tâng công.
Tệ hơn nữa, ngay đến viên thị trưởng còn định lợi dụng dâng cả vợ và con gái cho Quan Thanh tra hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng, chiếm một địa vị to hơn, chắc hơn để bóc lột dân chúng được nhiều hơn.