Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang là một trong nữ diễn diên nổi tiếng nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam giai đoạn những năm 70, 80 của thế kỷ 20. Sở hữu gương mặt đẹp với các đường nét thanh tú, nụ cười rạng rỡ... Trà Giang mau chóng lọt mắt xanh của các đạo diễn lúc bấy giờ.
NSND Trà Giang (sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi), chị là một diễn viên điện ảnh Việt Nam nổi tiếng. Bộ phim đầu tiên chị tham gia là phim Một ngày đầu thu của đạo diễn Huy Vân và bộ phim cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại là Dòng sông hoa trắng của đạo diễn Trần Phương. NSND Trà Giang cũng tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Chị Tư Hậu (huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (vai Dịu, đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973)...
NSND Như Quỳnh
Là con gái của cặp diễn viên cải lương Tiêu Lang và Kim Xuân, cái đích đầu tiên Như Quỳnh hướng tới không phải là điện ảnh mà là đi theo sự nghiệp của cha mẹ.
Nhưng số phận đã chọn Như Quỳnh cho sự nghiệp điện ảnh. Hai năm sau khi tốt nghiệp trường Đại học sân khấu điện ảnh, lần đầu tiên Như Quỳnh được mời đóng bộ phim Hai người mẹ, nhưng sau đó vì một số lý do bộ phim không khởi quay được. Sau đó, đạo diễn Trần Đắc bắt tay làm phim Bàica ra trận và Như Quỳnh tiếp tục được chọn cho vai diễn nữ chính. Mặc dù là vai diễn đầu tay nhưng với khả năng diễn xuất được đào tạo bài bản, Như Quỳnh đã thể hiện xuất sắc hình ảnh cô y tá Mai, đưa tên tuổi của chị trở nên nổi tiếng trên màn bạc.
Sau thành công của Bài ca ra trận, Như Quỳnh được chọn làm diễn viên chính cho hàng loạt những bộ phim trong thập niên 70 như: Đến hẹn lại lên, Ngày lễ thánh, Mối tình đầu, Hà Nội mùa chim làm tổ, Hy vọng cuối cùng... Tính đến thời điểm này, Như Quỳnh đã tham gia trên dưới 20 bộ phim điện ảnh và nhiều bộ phim truyền hình, bộ phim nổi tiếng nhất bà tham gia gần đây là Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Có thể nói, NSND Như Quỳnh đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp. Năm 34 tuổi, khi tuổi đời còn rất trẻ, chị đã được trao danh hiệu NSƯT. Vào năm 2007, một lần nữa Như Quỳnh lại được nhà nước ghi nhận những đóng góp của bà với danh hiệu NSND. NSND Như Quỳnh cũng là người có duyên với các giải thưởng như: Cánh diều vàng (2005) cho Diễn viên phụ xuất sắc nhất (trong Chuyện của Pao), Diễn viên nước ngoài xuất sắc do đài SBS (Hàn Quốc) trao tặng. Hiện nay Như Quỳnh vẫn tiếp tục tham gia diễn xuất trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình.
NSƯT Lê Vân
Là con trưởng trong gia đình nghệ sĩ Lê Mai và Trần Tiến, Lê Vân sớm có một cuộc sống hào nhoáng dưới ánh đèn sân khấu. Tưởng như với bước đệm quá tốt từ gia đình và tài năng bản thân, Lê Vân sẽ bước lên đỉnh thành công của nghệ thuật. Nhưng vận mệnh của chị lại không hề êm ả như cái cách mà người ta thấy từ vẻ bề ngoài của gia đình. Sự nghiệp, hôn nhân và cả đời sống tình cảm của Lê Vân đều có những trắc trở kéo dài.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Lê Vân sớm được bố mẹ cho theo học tại trường múa. So với cả 3 chị em trong nhà là Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi, chị có con đường nghệ thuật rộng mở hơn. Ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề diễn, Lê Vân đã được nhìn nhận tài năng và cân nhắc cho vai diễn đắt giá, giúp tên tuổi của chị ngày càng gắn với các tác phẩm bất hủ.
Cái tên Lê Vân đã có một vị trị riêng, vững chắc với bộ môn nghệ thuật thứ 7 một thời khi để lại hàng loạt các vai diễn ấn tượng trong nhiều bộ phim: Chị Dậu, Thương nhớ đồng quê, Đêm hội Long Trì, Bao giờ cho đến tháng 10... Đặc biệt, với vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã đem đến cho NSƯT Lê Vân giải Bông sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 7 năm 1985. Chính nhờ những đóng góp của mình, Lê Vân đã được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Tuy nhiên, sau bộ phim Lời thề năm 1996, người ta chợt thấy Lê Vân biến mất, rút hoàn toàn khỏi nghệ thuật và hiếm khi xuất hiện trước công chúng hay truyền thông.
NSƯT Thanh Tú
NSƯT Thanh Tú là một trong những lớp sinh viên thế hệ đầu của trường Đại học sân khấu – điện ảnh, sinh viên khoá II (1960 – 1964) của trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Chỉ mới 9 tuổi, Thanh Tú đã được đưa sang Trung Quốc để học tập cách mạng. Sau khi về nước, Thanh Tú thi vào trường ĐH Kiến Trúc nhưng chỉ học một năm thì bỏ học và thi lại vào trường nghệ thuật.
Trước khi tham gia đóng phim, Thanh Tú từng là một diễn viên kịch. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, điện ảnh Việt Nam cần những bộ phim cổ vũ phong trào yêu nước, chống ngoại xâm. Với khuôn mặt xinh xắn, toát lên vẻ cương nghị, đôi mắt tươi tắn, trong veo, mới 20 tuổi, Thanh Tú được giao đóng nhiều vai diễn đa dạng trong dòng phim cách mạng: lúc thì là một cô bác sĩ trong Tiền tuyến gọi, khi là người mẹ trong Em bé Hà Nội…
Nhưng bộ phim thành công và để lại ấn tượng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của NSƯT Thanh Tú là Sao Tháng Tám. Với bộ phim này, Thanh Tú được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong LHP Việt Nam lần thứ IV, giải đặc biệt của Ủy ban phụ nữ Liên bang Xô Viết tại LHP Moscow. Ngoài phim, Thanh Tú từng tham gia nhiều vở kịch như Ta–nhi–a, Âm mưu và ái tình. Ngoài ra, Thanh Tú cũng học lớp Đạo diễn sân khấu vào thập niên 80, sau đó đạo diễn nhiều vở kịch khác nhau.
NSƯT Tố Uyên
Đến với con đường điện ảnh khá sớm, NSƯT Tố Uyên đã tham gia diễn xuất trong một loạt các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Năm 1961, khi cô bé 13 tuổi Tố Uyên đang sinh hoạt tại CLB Thành phố, đạo diễn Nguyễn Văn Thông đã tới CLB để tìm nhân vật cho bộ phim tốt nghiệp có tên Con chim vành khuyên và Tố Uyên đã "lọt vào mắt xanh" của vị đạo diễn trẻ.
Bộ phim thành công ngoài sức tưởng tượng khi đoạt giải đặc biệt tại LHP Karlovy Vary (Tiệp Khắc). Bộ phim này đã làm nên thành công của Tố Uyên và khán giả cũng “đóng đinh” hình ảnh Tố Uyên với Con chim vành khuyên suốt những năm sau này.
Sau thành công của Con chim vành khuyên, tên tuổi Tố Uyên được nhiều người biết đến và được mời tham gia nhiều bộ phim như: Vợ chồng anh Lực, Biển gọi, Dòng sông âm vang… Cũng giống như những nghệ sĩ cùng thời, khi kịch bản phim ít và điều kiện không cho phép, Tố Uyên cũng tham gia vào loại hình múa cổ điển với các vở Cô Sao, Núi rừng lên tiếng.