Nét đẹp tuổi thần tiên
Đó chính là sự trong trẻo, hồn nhiên. Với nhiều người khi đã khôn lớn, đã trưởng thành con người ta lại mong ước được trở lại thời thơ bé. Đối với họ đó là khoảng trời đầy mộng ước và không phải đối mặt với lo toan trước “cơm áo gạo tiền”.
Chính nét ngây thơ và đáng yêu của tuổi thần tiên đã là nguồn cảm xúc giúp nhiều nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc hay. Những tác phẩm góp phần phác họa lại hình ảnh của trẻ thơ qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau. Tất cả đều chất chứa yêu thương và ấp ủ những giấc mơ về cuộc sống tươi đẹp.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đóng góp rất nhiều ca khúc hay cho mảng ca khúc thiếu nhi.
Đề tài thường thấy trong mảng ca khúc thiếu nhi là những điều thân thuộc trong cuộc sống. Từ cánh đồng lúa vàng trĩu nặng của quê hương, chiếc cầu tre nhỏ bé đưa bước chân với trường, sân nhà với đàn gà con ngỗ nghịch đang tìm thóc. Tiếp đến là hình ảnh của gia đình, bạn bè, thầy cô. Ngay cả giấc mơ đêm qua của bé cũng được mô tả sinh động trong từng lời ca.
Bằng tình cảm yêu mến các bạn tuổi hồng, nhiều nhạc sĩ đã đặt góc nhìn dưới con mắt trẻ thơ để rồi những ca khúc hay dành cho thiếu nhi ngày một nhiều hơn, phong phú hơn. Các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Trương Quang Lục, cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu...đã cống hiến nhiều ca khúc đặc sắc viết về đề tài thiếu nhi.
Chính những sác tác hay đã giúp khoảng trời bé thơ chất chứa những giấc mơ ngọt ngào. Trong ký ức của nhiều thế hệ những ca khúc như “Tuổi hồng”, “Màu mực tím”, “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Cánh én tuổi thơ”, “Bay cao tiếng hát ước mơ”...gắn liền với một thời hồn nhiên không thể nào quên và tô đẹp thêm những tháng ngày cắp sách tới trường.
Những ngôi sao nhí
Trước đây từ phong trào ca hát của các nhà thiếu nhi, cung văn hóa thiếu nhi nhiều ngôi sao nhí đã được phát hiện. Qua các chương trình nghệ thuật dành cho tuổi hồng, các ca khúc hay tiếp tục được nhân rộng.
Còn nhớ các đội văn nghệ của Nhà văn hóa thiếu nhi Quận Ba Đình Hà Nội và Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu trong phong trào văn hóa nghệ thuật. Nhiều giọng ca vàng của hai miền Nam Bắc bằng tài năng của mình đã chắp cánh cho các tác phẩm hay bay xa hơn và đến với nhiều vùng miền trên đất nước.
Hiền Thục từng được đông đảo khán giả yêu mến ngay từ khi còn là ca sĩ nhí của Nhà thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh
Vào những dịp hè các liên hoan văn hóa nghệ thuật như “Liên hoan các Nhà thiếu nhi toàn quốc”, “Liên hoan búp Sen hồng”, “Liên hoan tiếng hát hoa Phượng đỏ” là cơ hội lớn giúp các giọng ca nhí có cơ hội thi thố và thúc đẩy cho sự phát triển tài năng nghệ thuật của nhiều ngôi sao nhỏ.
Qua các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, nhiều cái tên như Ngọc Linh, Diễm Quyên, Hiền Thục, Quang Vinh, Thu Thủy, Duy Uyên... đã sớm trở thành ngôi sao khi tuổi còn rất bé.
Đặc biệt hơn cả là hiện tượng của bé Xuân Mai. Với giọng ca líu lo của một cô bé lên 3, lên 5 Xuân Mai không chỉ chinh phục các bạn bè đồng trang lứa mà còn giành trọn tình yêu của đông đảo khán giả trên cả nước.
Ngỡ ngàng với tuổi thần tiên hiện tại
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trẻ như “Vietnam idol”, “Sao mai điểm hẹn”, “The Voice”...Các sân chơi dành cho thiếu nhi cũng được đưa vào sản xuất và lên sóng truyền hình.
Tuy nhiên hầu hết các bậc phụ huynh khi theo dõi các gamshow ca nhạc dành cho tuổi hồng đều rất ngạc nhiên. Bởi tính hồn nhiên của các bé không còn, thay vào đó là sự áp đặt gượng ép của người lớn.
Nét trong trẻo, hồn nhiên bị ấn lát bởi tính chuyên môn cao và lạm dụng bài bản một cách khá máy móc. Đó là nhận xét của nhiều người sau khi theo dõi một số chương trình ca nhạc thiếu nhi trong thời gian gần đây.
Khi nghe nhạc thiếu nhi, người nghe thích nhất giọng hát đơn sơ cao vút và đôi khi có phần “léo nhéo” của các bé còn chưa thạo nói. Giai điệu vui tươi, ca từ mang tính tượng hình sinh động. Các khúc luôn gần gũi, dễ hiểu, dễ mến, dễ yêu và không gây nhức đầu bởi tính “hàn lâm”.
Thí sinh của "Đồ rê mí" 2013
Nhưng ở chương trình “Đồ rê mí” dễ dàng thấy sự áp đặt của người lớn quá mức trước tâm hồn của con trẻ. Những khái niệm về quãng rộng, quãng hẹp, tròn vành rõ chữ, thể hiện tốt tình cảm được “nhồi nhét” một cách khá sống sượng. Chính tính “đầy học thuật” ấy đã làm mất đi sự chân thật, vui tươi và nhí nhảnh vốn có ở lứa tuổi thần tiên. Thay vào đó là nét đáng yêu được dàn dựng không mấy “nuột nà”.
Nhiều ca khúc mới được viết cho chương trình có nội dung khá phong phú và hấp dẫn. Tuy nhiên quãng rộng trong các ca khúc lại không phù hợp với tầm cữ giọng của các bé. Dù rằng các tiết mục dành cho thi thố không thể nào đánh đồng với ca khúc múa hát tập thể ở trường. Song nhiều khán giả vẫn khó chấp nhận cách tước đi sự ngây ngô của các bé bằng lối suy nghĩ dạn dày kinh nghiệm.
Thêm vào đó những tạo hình với phong cách âm nhạc như rock, dance, pop... khiến các bé trở nên đuối sức với những ước mong của người lớn tuổi.
Thí sinh của " Giọng hát Việt nhí" 2013.
Khán giả chưa hết ngỡ ngàng với “Đồ rê mí”, một số giọng ca của “Giọng hát Việt nhí” lại khiến họ thêm bàng hoàng. Nếu như thí sinh “Đồ rê mí” bị ép lớn với những ca khúc có ca từ mang đậm cái nhìn của người trưởng thành. Một số thí sinh của “Giọng hát Việt nhí” lại triệt tiêu hoàn toàn tuổi thơ của mình khi chọn những ca khúc như “Biển nhớ”, “Rock Con diều”, “Và ta đã thấy mặt trời” dù rằng độ tuổi các em mới chỉ nằm trong khoảng từ 9 đến 13.
Điều khiến các giọng ca nhí mất đi sự “nhí”, một phần nằm ở phía phục huynh và bản thân các thí sinh, tuy nhiên lỗi lớn lại nằm ở những người thực hiện chương trình. Đối với các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi, đó không chỉ là sân chơi giúp các em thể hiện tài năng mà còn góp phần định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho thiếu nhi, cho giới trẻ. Định hướng sai lệch là việc làm cần cân nhắc lại!