Trường Giang quê gốc Quảng Nam, lớn lên ở Đồng Nai. Anh có ngoại hình nhỏ nhắn, dáng dấp “quê quê”.
Trò chuyện cùng anh, nhiều lần anh bảo “khán giả thích tôi dưới vóc dáng của một ông già nông dân quê mùa chân chất hơn bất cứ vai diễn nào khác”.
Trường Giang này, mãi đến phim nhựa đang gây sốt ở rạp chiếu hiện nay là “49 ngày” thì anh mới được vào vai đúng với lứa tuổi của mình, trông cũng ra dáng công tử bảnh bao. Còn trước đó, anh toàn lên sân khấu với gương mặt hóa trang nhăn nheo đầy nếp nhăn, anh có thấy buồn không?
- Không hề buồn chút nào, tôi nói thật lòng đó. Bởi từ vai ông già quê mùa mà khán giả thương tôi. Có lần tôi đi diễn ở Nha Trang, xuống khỏi sân khấu rồi, tôi thay lại trang phục thường ngày, vậy mà có khán giả nữ nói:
“Tôi trông thấy anh vầy tôi hết thương anh rồi”. Tôi hỏi sao sao, sao cô lại hết thương tôi, cô đó mới nói: “Tại mọi khi anh đóng ông già, kéo cái quần lên tới ngực mới dễ thương, giờ trông không phải Trường Giang”.
Nghệ sĩ Trường Giang (phải) và Chí Tài thể hiện một tiết mục hài. Ảnh: NVCC
Vậy đó, khán giả nhiều khi thương mến mình bởi những vai diễn mình đóng trên sân khấu, rời sân khấu ra trở về đời thường, mình lại trở thành một người quá sức bình thường luôn.
Về ngoại hình, tôi không cao ráo, đẹp trai như người ta, thành ra mình phải biết tận dụng thế mạnh của mình, đó là đóng những vai nào khiến khán giả thấy khoái.
Có phải vì ngoại hình mà anh khá trầy trật trên con đường học vấn. các nghệ sĩ ở TP.HCM đều nói rằng Trường Giang 2 lần bị đuổi khỏi Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh, điều đó có đúng không hay họ nói chơi?
- Đúng thật mà, không phải chuyện nói chơi đâu. Đó là một trong những kỷ niệm buồn của tôi. Lần đầu tiên, tôi học khóa diễn viên, thầy chủ nhiệm đã la mắng tôi: “Thôi em nghỉ học đi.
Em không có tố chất, tiềm năng gì của một diễn viên cả”. Lúc đó tôi tuyệt vọng lắm.
Rồi sau đó 2 năm, tôi trở lại trường thi vào khoa đạo diễn vì nghĩ lĩnh vực này không cần ngoại hình đẹp.
Thế nhưng cũng không xong, tôi đi học thường lý lắc, làm nhiều trò nghịch, hồi đó tôi quá nghèo, học phí thì nợ triền miên, thế là lại bị cho nghỉ học vì “không có tài năng”.
May có nghệ sĩ Hữu Lộc (đã mất) gọi tôi tới sân khấu Nụ cười mới, rồi tôi được theo anh Lộc, anh Hoài Linh đi diễn hài, lúc đó tôi mới thực sự tìm ra lối đi cho cuộc đời mình.
Anh Hoài Linh là người thầy lớn của tôi, đã nâng đỡ tinh thần lúc tôi suy sụp nhất, chỉ dạy cho tôi từng li từng tí. Vai diễn đầu tiên của tôi là ông già bị con bỏ rơi trong viện dưỡng lão vở “Ông bà vú”, rồi từ đó mới có duyên đóng vai ông già...
Sân khấu hài rất khắc nghiệt, nếu không có thực tài, không có duyên chọc cười khán giả sẽ không thể tồn tại, anh có nghĩ mình sẽ gắn bó với nó lâu dài?
- Lúc mới vào trường học diễn xuất, tôi cùng đeo đuổi nhiều mộng ước lắm, tôi muốn được đóng những vai chính kịch, khiến khán giả lặng người đi mà khóc.
Nhưng cuối cùng, tôi lại được biết đến với những vai hài, đó tới giờ có ai nghĩ tôi diễn hài được đâu.
Cả họ hàng hai bên nội ngoại nhà tôi đều ngỡ ngàng, bởi hồi bé tôi nhút nhát, ai bảo gì cũng không dám nói một câu, lại mang mặc cảm con nhà nghèo nữa nên lại càng thu mình lại.
Đến giờ khi được khán giả gọi là “cây hài” rồi, tôi mới nghĩ ra, tại sao mình lại không trân quý nghề nghiệp của mình, làm được khán giả cười là vô cùng tốt đẹp, khiến họ quên đi mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng trong công việc, cuộc sống, thế là tốt chứ sao mình lại buồn.
Nghĩ ra điều đó rồi, tôi thực sự chuyên tâm với nghề, nếu khán giả thích tôi là một ông già quê mùa nói tiếng Quảng thì tôi sẽ diễn hài theo phong cách nông dân, miễn sao họ thấy vui vẻ khi đến với các đêm diễn là được.
Vươn lên từ cái nghèo, đến hôm nay, Trường Giang đã bớt khó khăn hơn, dần dần thu xếp một cuộc sống ổn định, vậy anh nghĩ gì về chặng đường mình đã trải qua?
- Nghĩ về những gì đã qua, tôi thương nhất là cha tôi. Mẹ tôi mất sớm trong một tai nạn, khi đó tôi mới 3 tuổi, em út mới thôi nôi, cha tôi một mình đi lái xe thuê nuôi 6 miệng ăn.
Nhà tôi nghèo xác xơ, đêm nằm nhìn lên còn thấy trời đầy sao qua mái lá, hồi đó chỉ sợ mưa bão đến bất thường là sẽ sập nhà vì nhà vách đất.
Tôi được đi học hết cấp 3 là một nỗ lực ghê gớm của cha tôi, hàng ngày tôi còn xách xô vào rừng mót mủ cao su, lượm củi đỡ đần cha vài ngàn đồng bạc, đi học mà không biết ăn sáng là gì.
Vì vậy tôi quý trọng sức lao động và đồng tiền, không bao giờ dám tiêu xài phung phí, quán xá sang trọng.
Giờ cuộc sống tôi bắt đầu ổn hơn nhờ có nhiều show diễn, đóng phim, tôi cũng chưa dám mơ đến cái gì cao xa mà chỉ mong mình được khán giả thương, được đi diễn thật nhiều để bù đắp cho cha, giúp các anh em trong nhà bớt vất vả.
Trong phim “49 ngày”, diễn xuất của anh được khán giả khen ngợi, điều đó có khiến anh thay đổi suy nghĩ để rẽ hướng sang điện ảnh nhiều hơn là sân khấu hay không?
- Trong phim “49 ngày”, tôi được thể hiện đúng lứa tuổi của mình, năm nay tôi 32 chứ không phải ông già nhăn nheo mà mọi người vẫn thấy trên sân khấu.
Được trở về với đúng hình ảnh bản thân mình cũng là một thử thách, may mắn cho tôi là khán giả đón nhận chứ không nói “tôi hết thương Trường Giang”.
Song song với các hoạt động ở sân khấu, tôi cũng đóng nhiều phim điện ảnh, có vai nào hợp các đạo diễn gọi là tôi không mấy khi chối từ.
Tôi đóng khá nhiều phim rồi, “Năm sau con lại về”, “Sơn đẹp trai”, “Lật mặt”… Tôi không phân định sân khấu hay điện ảnh, cứ có việc là mình làm thôi, miễn là cống hiến được cho khán giả.
Xin cảm ơn anh!