Nếu tên tuổi của nhạc sĩ Thanh Tùng (Nguyễn Thanh Tùng) vốn nổi tiếng tài hoa, đào hoa với những "nàng thơ" hoặc có tên cụ thể như: Ngọc Bích, Ngọc Thúy, Tôn Nữ Minh Tâm... qua nhiều ca khúc nổi tiếng: Chuyện tình của biển, Phố biển, Giọt nắng bên thềm... hoặc ẩn danh như một "chân dài" ông "cảm nắng" viết nên bài hát "Trái tim không ngủ yên" thì nhạc sĩ Tô Thanh Tùng cũng được biết đến với những bóng hồng là nguyên mẫu trong các ca khúc từ thiếu nữ 16 tuổi tên Tuyết hay nàng Diễm trong ca khúc "Mắt Diễm buồn".
Những khúc tình ca của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng nếu có buồn phiền, chia ly vẫn trong veo như "giọt sương trên mí mắt" thì tình yêu thể hiện trong ca khúc của Tô Thanh Tùng trái ngược hoàn toàn, đầy đau đớn, dằn vặt từ cách trách móc "Sao em nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm/ Sao em nỡ đành quên chuyện tình đẹp như giấc mơ..." cho đến "Tuổi đời chân đơn côi/ Gót mòn đại lộ buồn".
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng và đĩa nhạc một thời "gây bão"
Bây giờ, những "nàng thơ" đến và đi trong cuộc đời mỗi người nhạc sĩ chỉ còn để lại dấu ấn trong từng khúc nhạc tình được công chúng mến mộ.
Nhờ nguồn cảm hứng bất tận ấy, cả hai nhạc sĩ cùng tên Thanh Tùng đã có những năm tháng sống phong lưu nhờ gia tài âm nhạc.
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng sung túc với tiệm băng đĩa lớn bậc nhất TP HCM còn nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng ngay cả khi phải ngồi xe lăn, đối diện với bệnh tật ông vẫn bảnh bao, chải chuốt với mũ fedona, giày lười, áo sơ mi thời thượng...
Bệnh hiểm nghèo và nỗi cô đơn
Tám năm trời đôi chân là hai bánh xe, chỉ có thể nghe, gật và lắc, lại thêm mỗi tuần ba lần chạy thận là quãng thời gian đầy tâm trạng với nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng.
Năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, nhạc sĩ không còn đi lại được.
Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông hiện còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.
Con trai nhạc sĩ Thanh Tùng kể, suốt thời gian mắc bệnh, thấy ông vẫn mê sáng tác, con cái mua máy tính về và ông cố gắng gõ phím nhưng vì bệnh có di chứng khá nặng, ông lại liệt bên tay phải nên đánh bất lực buông xuôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng
Hiện tại, khi nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng đã qua đời, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng vẫn đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã di căn.
Tuổi già, bệnh tật nhưng tác giả ca khúc "Hồng Ngự mang tên em" phải đối diện với cảnh cô đơn vì sau khi vợ chồng ông ly dị, ông về Bình Dương sống còn vợ con sang định cư nước ngoài.
Chi phí sinh hoạt của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng chủ yếu dựa vào tiền tác quyền ca khúc.
Nhiều học trò nổi tiếng
Nếu như tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng gắn liền với nhiều "ngôi sao" nhạc Việt như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Bằng Kiều... thì các sáng tác của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng lại góp phần định danh tên tuổi cho hàng loạt ca sĩ hải ngoại như: Giao Linh, Phương Dung, Quang Lê, Trường Vũ, Đan Nguyên, Mạnh Quỳnh, Bảo Yến, Chế Thanh, Ngọc Sơn, Quốc Đại…
Ca khúc "Giã từ" của ông cho đến bây giờ vẫn vang lên trong mọi bối cảnh với những người hát từ ngôi sao nổi tiếng đến tầng lớp bình dân.
Ca sĩ Hồng Nhung có nhiều gắn bó với nhạc sĩ Thanh Tùng
Khi hai người nhạc sĩ gạo cội mắc bệnh hiểm nghèo, đối diện với cảnh cô đơn tuổi già, nhiều ca sĩ từng làm cầu nối cho các tác phẩm của họ đến với công chúng đã bày tỏ niềm tiếc nuối cũng như sự thăm hỏi, động viên về tình cảm, vật chất với người thầy âm nhạc của mình.
Ca khúc "vận" vào cuộc đời
Cả nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng và Tô Thanh Tùng đều để lại kho tàng ca khúc vô giá cho nền âm nhạc Việt Nam với những ca khúc hay, đầy ám ảnh.
Sau khi vợ mất, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng viết ca khúc "Một mình" trong hoàn cảnh "gà trống nuôi con".
Người yêu nhạc Thanh Tùng không khỏi ngậm ngùi, ca khúc ấy như một lời tiên đoán, một lời hứa của Thanh Tùng dành cho người vợ quá cố rằng ông không thể sống 'hai mình" dù nổi tiếng đào hoa, nhiều bạn gái.
Nhạc sĩ Thanh Tùng tự nhận mình giống con công, mà con công đực thì rất đẹp và điệu đà, thu hút nhiều công cái. Nhưng điểm đáng quý của con công không phải bộ cánh, mà bởi đặc tính chung tình.
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng và các con
Còn với nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, bao thế hệ yêu nhạc bolero hẳn không bao giờ quên được nỗi cô đơn đầy tính dự cảm khi ông đang ở đỉnh cao danh vọng, tiền bạc bỗng viết: "Tuổi đời chân đơn côi gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa/ Hồn lắng tâm tư, đi vào dĩ vãng/ Đường tình không chung lối mang nuối tiếc cho nhau".
Sau này, những ca từ đầy buồn đau ấy như "vận" vào cuộc đời Tô Thanh Tùng bằng cuộc đổ vỡ với những người yêu và cuộc sống neo đơn khi li dị vợ, sống xa con cái, luôn bâng khuâng, xót xa trước "đại lộ" cuộc đời với đèn đêm bóng nhạt.