Trúc Phương - vua nghèo không ngai

Lê Ngọc Dương Cầm |

Nhiều nhạc sĩ góp phần làm nên nền tân nhạc Việt Nam như Trúc Phương, Châu Kỳ, Thanh Sơn, Thanh Bình... đến lúc qua đời, đều hiu quạnh trong cái nghèo.

Trong "danh sách" các nhạc sĩ nghèo, có lẽ không ai nghèo hơn "ông hoàng nhạc bolero" Trúc Phương.

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc (1933-1995), quê tại xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm 1950, ông rời quê, lên Sài Gòn và bắt đầu thọ giáo nhạc sĩ Trịnh Hưng, khởi đầu những tháng ngày sống kiếp nghệ sĩ.

Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sĩ Trúc Phương đã để lại cho đời hàng trăm tác phẩm có giá trị, tiêu biểu như: Nửa đêm ngoài phố, Thói đời, Ai cho tôi tình yêu, Đôi mắt người xưa, Hai lối mộng, Đêm tâm sự, Tình thắm duyên quê, Tàu đêm năm cũ, Buồn trong kỷ niệm... 

Ông là nhạc sĩ nổi đình nổi đám nhất trong những năm của thập niên 60. Các tác phẩm của ông đã làm nên tên tuổi nhiều ca sĩ: Thanh Thúy, Giao Linh, Thanh Tuyền, Chế Linh...

Tất cả các tác phẩm của ông đều thấm đẫm tình đời, tình người. Có tuổi đời hàng chục năm nhưng đến tận bây giờ các tác phẩm ấy vẫn được các ca sĩ trình bày và được công chúng đón nhận.

Thế nhưng, khác với sự "giàu có" về tác phẩm, chữ "nghèo" đã vướng vào cuộc đời vị nhạc sĩ tài hoa này. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn không thoát khỏi cái nghèo đeo bám.

Vị nhạc sĩ nổi tiếng này từng có cuộc sống lang thang, đói rách không thua gì... cái bang.

Trước lúc mất, ông dành thời gian trải lòng trong cuốn Asia số 55: "Tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, bèo dạt hoa trôi. Nếu đói thì chưa đói ngày nào, nhưng no thì chưa ngày nào được no.

Tôi không có mái nhà, vợ con cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ bạn bè, nhưng khốn nỗi bạn bè cũng có hoàn cảnh bi đát, khổ. Không ai đùm bọc ai được".

Kể về cuộc sống ngủ bờ ngủ bụi, đói khát, nhạc sĩ Trúc Phương ngậm ngùi: "Tôi lại không có giấy tờ tùy thân, bạn bè không ai dám chứa tôi trong nhà cả. Tôi chẳng có thứ gì trong người...

Tôi nghĩ ra được một cách: Tìm nơi nào có khách vãng lai, tôi chui vào ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ". 

"Ban ngày tôi lê la thành phố, đêm phải ra Xa Cảng (bến xe Miền Tây - PV), thuê chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Ngủ đến sáng, trả chiếu, tôi lấy lại 1 đồng về, tiền thế chân đó mà. Một năm, tôi đã ngủ kiểu như vậy đến 9 tháng.

Nói anh thương, hôm nào có tiền, đi xe lam ra bến xe sớm, thuê chiếc chiếu, trải được chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một chút. Hôm nào ra trễ thì chỗ sạch, vệ sinh người ta chiếm hết rồi...

Tôi phải trải chiếu gần chỗ người ta đi tiểu, khai nước tiểu nhưng cũng đành nằm thôi" -nhạc sĩ Trúc Phương ngậm ngùi kể.

Chính những ngày tháng nghèo đói đó, đã giúp nhạc sĩ Trúc Phương chấp cánh những nỗi khổ của mình thành những dòng nhạc bất hủ.

Như ông tâm sự: "Tôi sống những ngày bi đát nhất. Lẽ ra tôi buồn trong hoàn cảnh như thế, nhưng tôi không bao giờ buồn. Tôi nghĩ: Thôi, còn sống đến giờ này, âu cũng là chất liệu để tôi sáng tác sau này".

Nghèo đói, lang thang không nhà, đã khơi nguồn cho ông sáng tác hai ca khúc nổi tiếng: Nửa đêm ngoài phốThói đời.

Ca khúc Nửa đêm ngoài phố đã làm nên tên tuổi ca sĩ Thanh Thúy. Giọng hát liêu trai của bà đã thể hiện trọn vẹn từng bước chân lang thang, mệt mỏi, đói khát và cô độc của nhạc sĩ Trúc Phương:

"Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời.

Để rồi làm sao quên, biết tên người quen, biết nẻo đi đường về...Nửa đêm lạnh qua tim, giữa đường phố hoa đèn. Có người mãi đi tìm, một người không hẹn đến, mà tiếng bước buồn thêm".


​ Thanh Thúy là ca sĩ đóng đinh cho tác phẩm Nửa đêm ngoài phố. Giọng hát liêu trai của bà đã thể hiện hết nỗi cô đơn, trống vắng, thấm thía cuộc đời buồn của nhạc sĩ Trúc Phương. Ảnh: Tư liệu

 Thanh Thúy là ca sĩ "đóng đinh" cho tác phẩm Nửa đêm ngoài phố. Giọng hát liêu trai của bà đã thể hiện hết nỗi cô đơn, trống vắng, thấm thía cuộc đời buồn của nhạc sĩ Trúc Phương. Ảnh: Tư liệu

Thói đời, nhạc sĩ Trúc Phương trút hết tâm tư, nỗi buồn, lẫn cay đắng trong lúc đói khổ, bị bạn bè xa lánh: 

"Đường thương đau đày ải nhân gian. Ai chưa qua chưa phải là người trong Thói đời, cười ra nước mắt. Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu. Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao. Còn gian dối cho nhau". 

Có thể nói, nhạc sĩ Trúc Phương là "ông vua của dòng nhạc bolero" và cũng là "vua nghèo" không ngai trong giới nghệ sĩ. Thấm thía cái nghèo, tình người ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại