Trang Trần đã trầm cảm sau khi tố dâm

Kể về gian khổ của nghề, chân dài 28 tuổi chạnh lòng vì nhiều đàm tiếu ác ý về công việc của mình.

Lý lịch trích chéo:

Họ và tên: Trần Thị Trang

Tuổi: 28

Cung hoàng đạo: Bảo Bình

Chiều cao: 1m74

Nickname: Cô Khàn

 

- Cái tên Trang Trần được nhắc nhiều nhất trong năm 2012 bởi chị là một trong những người đầu tiên đứng ra tố đồng nghiệp bán dâm. Chị đã trải qua quãng thời gian thế nào sau vụ việc ấy?

- 2012 là một năm quá nhiều sóng gió cùng những chuyện đau đầu, mệt mỏi với giới người mẫu. Bản thân tôi cực kỳ buồn và tổn thương khi bắt gặp những ánh nhìn tiêu cực đối với nghề nghiệp mà mình đang làm.

Tôi từng bị trầm cảm trong khoảng 4 đến 5 tháng. Thời gian ấy tôi luôn tự dằn vặt với những câu hỏi kiểu như: "Tại sao (nghẹn lời) mình nói ra sự thật cũng bị lên án là 'đu dây' để tạo dựng tên tuổi, mà không nói cũng bị người khác chỉ trích?". Lúc đó, tôi cảm thấy công sức và những nỗ lực trong suốt 5 năm qua bị gạt bỏ hết. Cũng may, nhờ những bức thư, email động viên, thông cảm từ nhiều người hâm mộ mà tôi cảm thấy như được tiếp sức để theo đuổi sự nghiệp.

- Sau thời gian vượt qua trầm cảm, hoạt động công việc nào mà chị cảm thấy có ý nghĩa và không thể nào quên?

- Tôi thích những show diễn có sự thử thách bởi tôi từng tham gia đủ chương trình quy mô lớn nhỏ khác nhau. Đối với tôi, việc được các nhà thiết kế giao những bộ đồ khó là niềm hạnh phúc, cho dù không được mở màn, kết thúc hay được dắt tay ra chào khán giả. Bản thân tôi cũng tự tin mình là người được chọn để biểu diễn những trang phục khó, đòi hỏi kỹ năng catwalk tốt. Ngoài ra, mọi người tôn trọng tôi vì thái độ làm việc nghiêm túc và không cãi cọ với ai.

Trong một show của Đỗ Mạnh Cường, tôi phải mặc bộ trang phục nặng 18 kg cùng đôi giày 3 kg. Cảm giác của tôi lúc đó như có người giật tóc mình về phía sau, không thể di chuyển nổi, phải đá chân rất cao thì mới tiến được về phía trước.

Khi ấy, vừa khoác trên mình 21 kg, tôi vừa ngồi đấu tranh tư tưởng trong gần nửa tiếng. Bản thân tôi tự nhủ rằng nếu làm hỏng show lần này, tôi sẽ không bao giờ bước trên sàn catwalk nữa. Quyết định xong, tôi dành thời gian tập luyện rồi "lê lết" với bộ trang phục cùng đôi giày nặng trĩu. Đến khi bước ra sân khấu, cả khán phòng vỗ tay rồi liên tục gọi tên thân mật của tôi để cổ vũ: "Cô Khàn... Cô Khàn...!".

Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi đã nhấc được đôi giày cùng bộ quần áo nặng kinh khủng để đi một đoạn dài trên mặt đá nhám cực trơn trên sân khấu. Đến lúc bước vào trong cánh gà, tôi mới được giải toả sự xúc động và cảm thấy tin yêu hơn vào công việc mình đang làm. Sau lần ấy, tôi cảm thấy mình yêu đời hơn, đi chụp hình, tham gia sự kiện và diễn nhiều hơn.

Chân dài Hà Nội từng bị nhiều người lên án là tố dâm đồng nghiệp để đánh bóng tên tuổi. Điều này đã khiến Trang Trần bị tổn thương trong thời gian dài.

Chân dài từng bị nhiều người lên án là tố dâm đồng nghiệp để đánh
bóng tên tuổi. Điều này đã khiến Trang Trần bị tổn thương trong thời
gian dài.

- Kỹ năng đi catwalk là tối quan trọng đối với mọi người mẫu. Theo chị, để có những sải bước hút hồn ngay cả khi khoác lên mình trang phục nặng tổng cộng 21kg như chị từng trải nghiệm thì cần phải rèn luyện những gì?

- Để có những bước đi đẹp, việc đầu tiên phải rèn luyện là kỹ năng giữ thăng bằng. Điều quan trọng nhất là giữ được trọng tâm và đưa mũi chân về phía trước. Nếu đưa gót chân lên trước thì sẽ rất dễ bị ngã vì giày trơn, trượt. Tôi nghĩ nếu người mẫu nào không bị run chân khi trình diễn với một đôi giày bất kỳ trong show thời trang của Đỗ Mạnh Cường thì họ đã thành công một phần nào rồi.

Lưu ý thứ hai là mỗi người phải tạo ra được dấu ấn riêng. Để có bản sắc, điều trước nhất là hiểu được trang phục sẽ mặc. Hiện tại, một số bạn người mẫu trẻ quên mất nhiệm vụ chính khi xuất hiện trên sàn catwalk là biểu diễn quần áo chứ không phải phô diễn bản thân nên đã làm mất ý nghĩa của bộ trang phục... Ngoài ra, người mẫu cần phải hỏi ý kiến nhà thiết kế trước khi biểu diễn với bất kỳ bộ quần áo nào. Chủ nhân mỗi thiết kế chính là người hiểu rõ chúng nhất. Họ sẽ cho bạn biết ý đồ thiết kế là gì và bạn phải diễn sao cho hiệu quả.

Người mẫu cần cực kỳ chú trọng vào việc đi tập chương trình. Sở dĩ trước ngày biểu diễn có buổi thử đồ là để cho người mẫu biết mình có mặc vừa quần áo hay không để còn chỉnh sửa. Nếu đồ quá chật thì sẽ gây khó thở, trục lưng bị sai lệch và bước đi sẽ không đẹp. Ngoài ra, họ phải tham gia vào buổi rehearsal (diễn tập) vì đó là cơ hội để nắm bắt ánh sáng và nhạc trên sân khấu, tính toán được bước đi sao cho mình có được những khuôn hình đẹp nhất. Nhiều người mẫu hiện nay tỏ ra thiếu nghiêm túc trong chuyện này, họ nghĩ rằng đi đứng trên sân khấu là chuyện quá đơn giản. Chính vì sự chủ quan này nên thường trong một show diễn, chỉ có từ một đến hai cá nhân là toả sáng.

Học cách diễn với máy ảnh và máy quay cũng rất quan trọng. Đối với mỗi thiết bị, người mẫu lại phải có cách diễn khác nhau. Việc rèn luyện sẽ giúp cho bạn phán đoán được camera đang chiếu về phần nào trên cơ thể để đưa ra động tác và nét mặt đẹp nhất. Thêm vào đó, người mẫu cũng cần học rất nhiều khác như lịch sử sân khấu, thời trang, cách phối các gam màu, xu hướng để hỗ trợ cho việc trình diễn.

Một điều không thể thiếu nữa là tình yêu nghề. Để trở thành một người mẫu có "tiếng" thì nhanh nhưng nổi tiếng bằng cách nào và có được người khác tôn trọng không thì lại là việc khác.

Ảnh: Nếu không làm người mẫu, Trang Trần sẽ là người phụ nữ của gia đình, mở hàng ăn hoặc văn phòng phẩm, đồ chơi cho trẻ em

Nếu không làm người mẫu, Trang Trần sẽ là người phụ nữ của gia đình, mở hàng ăn hoặc văn phòng phẩm, đồ chơi cho trẻ em.

- Quả thực rất nhiều điều cần học. Bản thân chị đã tôi rèn các kỹ năng đó ra sao?

- Hồi mới vào nghề, tôi diễn khá gượng gạo, không biết cách đặt tay ở đâu, trục cơ thể nằm chỗ nào và biểu cảm sao cho đẹp nhất. Tôi đã tập luyện như một... "con khùng". Lúc nào tôi cũng đi giày cao gót, kể cả đi trong nhà, đứng nấu ăn trong bếp hay ngồi giặt quần áo. Tôi tự mình làm quen với các tư thế, độ cao khác nhau để đề phòng sự cố xảy ra khi diễn trên sàn catwalk . Bản thân tôi nghĩ khi bị ngã trên sân khấu, nếu chỉ tự đứng dậy đi tiếp với khuôn mặt gượng gạo, thất thần thì mình đã thất bại. Ngoài ra, tôi còn học hỏi từ các trang web thời trang và người mẫu nước ngoài nữa.

Tôi còn xem lại các bộ hình chụp xấu hoặc video quay lại buổi trình diễn của mình để rút kinh nghiệm. Ngày đó, mọi người thường hay chê khả năng biểu cảm của tôi như: "Em đi rất đẹp nhưng mặt em lúc nào cũng sưng lên như đâm lê ấy!" (cười). Tôi đã phải học cách làm cho khuôn mặt và đôi mắt trở nên nhẹ nhàng nhưng vẫn sắc lạnh bằng cách tự tập trước gương. Trước khi bước ra sàn catwalk khoảng 15 phút, tôi nằm nhắm mắt thư giãn, không nói chuyện nhiều để các lớp trang điểm không bị nhăn.

Gần sát lúc diễn, tôi dậm lại mặt bằng giấy khô chứ không dùng phấn vì mặt trông sẽ bị "bì", khởi động chân tay nhẹ nhàng để không bị chuột rút. Quan sát các người mẫu "đàn chị" đi trước, tôi học được cách quên đi nỗi lo cơm áo gạo tiền và những muộn phiền trong cuộc sống chỉ để tâm trí cho sàn diễn.

- Chị nói về nghề với sự say sưa và tâm trạng đầy hứng khởi. Suốt quãng đường 5 năm với hàng trăm bộ ảnh và các show trình diễn khác nhau, có kỷ niệm nào vui khiến chị phải nhớ mãi, thậm chí tâm niệm chúng sẽ là "chuyện kể đầu giường" cho con cháu nghe sau này?

- Một lần, tôi phải đi chụp hình cho một tạp chí thời trang ở hồ Ba Bể. Do yêu cầu của concept là phải đứng tạo dáng giữa hồ nên dù thời tiết lúc bấy giờ rất lạnh, bản thân lại không biết bơi, tôi vẫn buộc phải đi ra đó. Trong lúc đang chụp hình thì đột ngột có chiếc tàu chở hàng tiến gần, sóng đánh mạnh tới nỗi chiếc thuyền độc mộc bé xíu liên tục chao đảo. Miệng kêu "Cứu" liên hồi, tôi cố gắng với vào thành tàu để "thoát thân" nhưng kết cục là nửa người vẫn chìm trong nước lạnh. Chân tay tôi lúc đó xước xát, bầm dập rất nhiều.

Chưa hết, tôi phải đi tiếp vào trong thung lũng để... trèo cây. Yêu cầu chụp hình lần này là phải bám một tay vào thân cây và để phần còn lại của cơ thể rơi tự do. Đang rơi dở chừng thì... "Toạc!", thân cây mục ra và tôi rơi bụp xuống đất, khắp người ê ẩm. Sau đó, tôi tiếp tục chui vào hang rồi trèo lên một triền đá cao chụp ảnh. Chân đi đôi bốt ngất ngưởng, trèo lên đến nơi mắt tôi hoa lên khi nhìn xuống dưới. Mặc dù rất sợ nhưng vì đã nhận lời chụp hình nên vẫn cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Lần chụp hình đó, không chỉ tôi mà cả hai bạn diễn là Trần Thu Hằng và Kim Minh cũng trở thành "nạn nhân" của núi rừng. Thậm chí, Trần Thu Hằng còn bị một con lợn rừng húc. Tuy có khổ cực một chút nhưng đó là kỷ niệm khó quên của mỗi chị em khi làm nghề. Chỉ buồn là những chuyện ấy thì ít người biết nên khi trình diễn trên sân khấu, mọi người lại để ý rồi chê "Người mẫu gì mà chân đầy sẹo".

- Vậy khi gặp những lời chê bai, chị phản ứng thế nào?

- Hồi đầu, tôi hay buồn phiền và tủi thân vì những lời bình luận tiêu cực. Tuy vậy, sau này tôi cũng dần học được cách trân trọng những tình cảm và nhận xét tích cực từ phía khán giả để có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp. Bản thân tôi nghĩ chỉ cần có 10% khán giả ủng hộ mình đã là một niềm hạnh phúc rồi.

Có lẽ vì bây giờ tôi đã lớn hơn nên tâm cũng tĩnh hơn. Tôi thấy trước khi phát ngôn điều gì mình cũng cần phải suy nghĩ kỹ, lựa chọn cách thức sao cho khán giả hiểu được đúng ý của mình.

Chân dài chia sẻ những cực nhọc trong nghề người mẫu từ trước tới nay chỉ có những người làm nghề mới thấu hiểu. Những gì khán giả thấy được chỉ là bề ngoài hào nhoáng.
 

Chân dài chia sẻ những cực nhọc trong nghề người mẫu từ trước tới nay chỉ có những người làm nghề mới thấu hiểu. Những gì khán giả thấy được chỉ là bề ngoài hào nhoáng. Trang Trần tự nhận mình là người "đồng bóng". Chị chỉ thích mặc quần áo một màu và chỉ ưa tông nóng như cam, đỏ xanh. Chân dài thích mặc đồ suông, đơn giản, đi dép kẹp và búi tóc. Thần tượng thời trang của Trang Trần là Gisele Bundchen bởi sự chuyên nghiệp trong cách làm việc, đời sống kín đáo và thích đi thiện nguyện.

- Bây giờ nhiều người biết đến Trang Trần không chỉ vì những tấm hình chụp ấn tượng hai sải bước cuốn hút trên sàn catwalk mà còn nhờ quán bún đậu "Cô Khàn" do chị làm chủ. Hãy chia sẻ một chút về "gia đình nhỏ" này?

- Ở quán bún đậu của tôi, hầu hết nhân viên là những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi gặp họ trong những lần đi cho cơm ở những con hẻm trong thành phố. Đó có thể là người bán vé số, nhặt rác hay bưng cơm ngoài chợ. Thấy thu nhập của họ không ổn định để sống, tôi mời họ về làm cho quán của mình. Có lần một người phải đi cấp cứu, lúc ký giấy xuất viện tôi mới phát hiện hầu hết nhân viên không biết chữ nên thấy rất thương.

Nghĩ rằng mọi thứ phải xuất phát từ tình cảm nên bản thân tôi đối xử với nhân viên như người thân trong gia đình. Mọi người cũng đáp lại bằng sự quan tâm, chăm sóc không kém. Nhờ vậy mà quán bún đậu của tôi luôn ấm cúng. Thậm chí, nhiều người còn không khỏi sửng sốt khi tôi lao vào lau bàn, quét dọn, bưng bê, rửa bát, rán đậu như bao người khác. Để tránh lãng phí mà vẫn giúp đỡ được người gặp khó khăn, tôi bọc cẩn thận đồ ăn của khách để lại vào buổi trưa và phát cho những người đến xin.

Từ khi làm thiện nguyện, tôi thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Ngay cả thói quen ngồi "tám" với bạn bè ở quán cà phê, tôi cũng bỏ hẳn. Tôi mong mình sẽ sớm mở được thêm hai hoặc ba cơ sở nữa trong tương lai vì hiện tại có ngày một nhiều người nghèo tới xin việc mà tôi lại đang quá bận bịu với các show diễn cuối năm.

- Chị phản ứng thế nào khi có nhiều lời bán tán không hay về chuyện chị mở quán?

- Những lời dị nghị nhiều lắm. Nào là muốn tạo hiệu ứng, xây dựng hình ảnh này nọ cho đến "Tại sao là Phật tử mà lại đi bán mắm tôm?". Tuy nhiên, tôi không quan tâm mà cũng chẳng muốn nói lại bởi chỉ cần những người thân xung quanh hiểu là đủ.

Một năm trở lại đây, nền kinh tế đang gặp khó khăn, các show diễn liên tục bị cắt giảm, đây là điều ai cũng có thể thấy rõ. Khi xưa cứ một buổi diễn với 10 người mẫu thì cần khoảng 5 "trụ cột" còn giờ chắc có 2 người thôi. Công việc làm người mẫu không phải quá túng thiếu nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ sống chứ không lo được cho tương lai của gia đình cũng như bản thân. Chính điều này đã khiến tôi tự nhủ: "Tại sao mình lại không mở một quán ăn bình dân?", vừa giải quyết được vấn đề kinh tế lại vừa sử dụng có ích thời gian rảnh rỗi. Bản thân tôi thấy mình lao động chân chính, kiếm tiền lo cho cuộc sống giữa thời kinh tế suy thoái này thì chẳng cần phải ngại với ai cả.

Nhờ sự ủng hộ của bạn bè, cộng đồng Phật tử và cả những người cao tuổi khi tới quán, tôi nhận thấy cuộc sống của mình mở ra bước ngoặt mới. Thay vì nằm ngủ hay chơi bời, công việc khiến tôi bận rộn và yêu đời hơn. Mọi người cũng hiểu về con người tôi hơn. Nhiều người đến quán còn bảo: "Cô này ngoài đời bình dị, hay huyên thuyên dễ thương thế, không đăm chiêu, lạnh tanh như trên sân khấu" (cười). Điều này khiến tôi thấy như được động viên bởi người mẫu chẳng bao giờ có cơ hội được nói gì với khán giả cả. Thêm vào đó, tôi cũng phát hiện một người có tâm hồn "bay bổng" như mình cũng có thể làm kinh doanh. Bản thân tôi cũng trở nên chỉn chu hơn khi mở quán.

Trang Trần chia sẻ rằng để không bị chê bai về bất cứ điều gì từ lúc
mở quán bún đậu, chị vẫn luôn cố gắng vừa trở thành người mẫu lộng lẫy trên sân khấu vừa là bà chủ quán đem lại mọi thứ tốt nhất cho khách
hàng.

- Chị sắp xếp thời gian ra sao để làm được nhiều việc đến vậy?

- Mỗi tuần, tôi dành ra khoảng 40% thời gian cho công việc người mẫu, 30% để chăm lo cho quán xá và hai ngày cuối tuần để lên chùa chuẩn bị đồ ăn làm từ thiện ở bệnh viện hoặc trên đường phố. Hầu hết các buổi sáng tôi đều có mặt ở quán, chăm lo chất lượng hàng hoá rồi quản lý nhân viên. Những hôm đi làm từ sớm, tôi nhờ em gái quản lý hộ. Dù công việc khá bận nhưng nhờ có em hỗ trợ nên tôi cũng yên tâm hơn khi đi chụp hình, hay diễn các show lớn.

Đối với những sự kiện có quy mô không quá lớn, tôi sẽ xem xét liệu có cần thiết không bởi ngoài việc quản lý quán, tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho từ thiện. Bên cạnh phát đồ ăn, tôi cũng hay đọc báo xem có ai khó khăn. Nếu họ ở Sài Gòn, tôi sẽ tới tận nơi tìm hiểu và giúp đỡ. Những người ở xa quá thì tôi sẽ nhờ bạn bè và các fan trên Facebook liên hệ rồi kêu gọi mọi người chia sẻ bớt.

- Nhiều người thắc mắc Trang Trần hình như có hai con người: buổi sáng là bà chủ quán xuề xoà còn buổi tối là cô người mẫu sang trọng quý phái. Vậy đâu mới là con người thật của chị?

- Con người thực của tôi là buổi sáng, lúc nào cũng luôn tay chân làm việc. Nhiều người thậm chí còn hoảng hốt: "Vừa buổi sáng thấy bán bún đậu giờ đã thấy đi diễn thời trang. Hết hồn!". Lúc ấy tôi cũng chỉ cười trừ "Vâng, vừa "chiến đấu" ở quán xong là em phi về tắm gội để ra đây" (cười). Tôi nghĩ như thế cũng hay bởi khán giả có thể thấy Trang Trần có thể làm tốt được mọi việc. Thậm chí, nhiều người còn đùa: "Trang ơi về nhà tắm rồi mà người vẫn đầy mùi bún đậu thế?" nhưng tôi cảm nhận được tình cảm quý mến của mọi người dành cho mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại