Cứ đến cuối năm, cả truyền thông và dư luận đều xôn xao đồn thổi nội dung chương trình Táo quân phát sóng đêm giao thừa. Thậm chí, năm nay còn xuất hiện cả thông tin Táo quân bị dừng sản xuất...
Theo anh, đây có thể xem là những "hệ lụy" của sự nổi tiếng dành cho Táo quân?
Đúng là không thể phủ nhận “thương hiệu” của Táo quân VTV được khán giả yêu mến và chờ đợi mỗi lần phát sóng đêm 30 Tết.
Tuy nhiên, những hệ lụy đi kèm sự nổi tiếng- không phải lúc nào chúng tôi cũng muốn đón nhận, thậm chí còn tạo ra những dư luận không mang yếu tố tích cực.
Chưa kể, nhiều sự “quan tâm nhiệt tình” trước khi chương trình tổ chức ghi hình cũng mang đủ cả “tấn trò bi-hài” mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ nhất.
Nhưng chúng tôi có thể khẳng định, để nỗ lực thực hiện Táo quân, đích hướng đến lớn nhất của ê kíp sản xuất và các nghệ sỹ chính là tình yêu mà công chúng dành cho chương trình suốt nhiều năm qua.
Liên quan đến nội dung Táo quân, đã xuất nhiều bài viết dưới dạng dự đoán rằng, Táo quân sẽ làm theo phong cách "Ơn giời cậu đây rồi", sẽ đưa Lệ rơi, chuyện đạo nhạc của ca sỹ Sơn Tùng, chuyện tuổi tác của cầu thủ Công Phượng, đội bóng Ninh Bình giải thể, trận thua bẽ bàng của tuyển Việt Nam trước Malaysia đến việc sập dàn giáo của một công trình giao thông ... và rất nhiều sự kiện khác.
Suy nghĩ của anh về những "kịch bản" này?
"Sự trào phúng là nét nổi bật của Táo quân 2015".
Đây là những chất liệu cuộc sống đã diễn ra trong xã hội năm qua và cũng không loại trừ nó sẽ trùng với ý định xây dựng trong kịch bản. '
Tuy nhiên, một trong những yếu tố hấp dẫn của chương trình Táo quân chính là sự bí mật về nội dung kịch bản, vậy chúng ta hãy đợi khi chương trình phát sóng đêm 30 để xem những phỏng đoán này có bao nhiêu % xác thực.
Táo quân được đón nhận chính bởi sự tổng kết hài hước, hóm hỉnh các sự kiện nổi cộm trong năm ở tất cả các ngành nghề trong năm. Đánh giá của cá nhân anh về các sự kiện nổi cộm trong năm 2014?
Cá nhân tôi cho rằng năm 2014 có nhiều cảm xúc về sự gắn kết rộng lớn trên đất nước.
Chính từ cảm xúc mạnh mẽ ấy mà mỗi người đều phải suy nghĩ rất nghiêm túc về những gì mình đang làm, mình đã góp được gì cho sự phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh đó, xu hướng sa đà vào những chuyện tầm phào, mất thời gian với những tin tức vô bổ, thiếu cơ sở cũng là một điểm đáng chú ý của năm nay.
Năm 2014- là 1 năm nhiều sự kiện lớn, trong đó nhiều sự kiện đau thương. Là chương trình nhìn lại các sự kiện trong năm dưới lăng kính hài hước, tạo tiếng cười sảng khoái...
Táo quân 2015 có bị ảnh hưởng bởi những "nước mắt" đã xảy ra trong năm không, thưa đạo diễn?
Tôi không nghĩ Táo quân có đủ khả năng và cả ý định sẽ tổng kết đầy đủ các vấn đề diễn ra trong mọi mặt xã hội vào 100 phút phát sóng trên truyền hình.
Chương trình được khán giả yêu thích vì có sự kết hợp dàn dựng và lồng ghép một số sự kiện, vấn đề mang tính báo chí và yếu tố giải trí hài hước.
Sự trào phúng là nét nổi bật của chương trình nên chúng tôi sẽ cố gắng giữ đúng tinh thần ấy khi thực hiện.
Đã có những ý kiến cho rằng, Táo quân năm trước đã "bế tắc" về ý tưởng. Không còn hay và đặc sắc như những mùa Hoa táo, Táo Idol...
Vẫn biết là anh sẽ không tiết lộ kịch bản, nhưng vẫn muốn đặt một câu hỏi về sự mới, lạ trong dàn dựng của Táo quân năm nay?
Dưới góc độ khán giả, hoặc một người viết báo như bạn thì tâm lý mong đợi “sự đột phá”, sự “ mới lạ bất ngờ” là dễ hiểu.
Nhưng hãy hình dung thế này, hôm nay bạn viết một bài báo phóng sự, tuần sau bạn phải có một bài khác.. và cứ thế diễn ra.
Nhưng hiện thực cuộc sống, thủ pháp, chất liệu hàng ngày vẫn cứ như vậy thì sự “đột phá” ấy sẽ mang nhiều yếu tố “hên-xui” và đôi khi sẽ khó khả thi nếu không tỉnh táo và giữ được sự “chừng mực”.
Táo quân cũng vậy thôi, sẽ có nhiều người thích nhưng cũng có thể, người khác chưa thích hoặc không muốn Táo quân chạm vào.
Dàn diễn viên gắn bó với Táo quân 10 năm, đã làm nên “thương hiệu” cho chương trình, và hẳn là dàn diễn viên được đạo diễn Đỗ Thanh Hải “sủng ái”.
Liệu, anh có tính đến một vài thay đổi để gương mặt các Táo để có sự mới mẻ, không gây nhàm chán với khán giả?
Thay vì trả lời câu hỏi này, tôi đặt ra giả thiết:
Mỗi năm một lần thực hiện chương trình và các Táo liên tục thay đổi cho “đa dạng”, đó là sự mới mẻ nhưng chưa ai dám chắc về chất lượng diễn xuất, thể hiện vai diễn có đạt hay không?
Hoặc cứ tưởng tượng vai Ngọc Hoàng không phải anh Quốc Khánh đóng, vai Nam Tào, Bắc Đẩu cũng sẽ chọn diễn viên khác thay thế Xuân Bắc, Công Lý...
Tôi tin chắc cũng sẽ có một lượng khán giả đòi hỏi hãy giữ nguyên vì họ đã thấy thân quen, mặc định nhân vật ấy phải như thế...
Chưa kể, diễn viên hài đủ sức gánh vác những vai diễn nặng ký như vậy không nhiều.
Hoặc cũng có thể lựa chọn cách khác để tìm kiếm sự mới mẻ là xem Táo quân ở các kênh truyền hình khác vì không phải duy nhất VTV thực hiện Táo quân.
Việc thay thế, đổi vai diễn luôn là mong muốn của những người thực hiện và bản thân nghệ sỹ cũng rất muốn làm mới mình, nhưng cần nhớ: Cách hại nghệ sỹ nhanh nhất là đặt nhầm họ vào sân khấu có những đối tượng khán giả không phù hợp.