Phiên bản Việt của chương trình truyền hình thực tế được cho là hấp dẫn nhất thế giới hiện nay, Got Talent đang bộc lộ những lúng túng khi gặp phải sự chênh vênh trong việc chọn lựa phong cách tương tác với thí sinh giữa ba vị giám khảo: NSƯT Thành Lộc, NS Huy Tuấn và người mẫu Thuý Hạnh.
Cứ nhìn cái cách biểu cảm của ba nhân vật ngồi ghế nóng người ta lại thấy thèm cái cảm giác cùng khóc cùng cười và cũng căm phẫn trước những câu nói ác nghiệt của Simon Cowell hay những lời nhận xét dí dỏm của Piers Morgan.
Không phải đương nhiên mà cả Simon Cowell lẫn Piers Morgan đều được săn đón với mức cát xê lên đến hàng triệu đô cho mỗi mùa thi thố trên truyền hình. Bởi cũng giống như Việt Nam, công chúng ở đâu cũng dễ bị kích động hay phẫn nỗ mà vô tình bị cuốn theo các màn đấu khẩu của các giám khảo và thí sinh trong các phần trình diễn hàng tuần.
Nói không quá, sự thành công của một chương trình thi thố dạng truyền hình thực tế dựa vào trình độ khơi dậy những cảm xúc của thí sinh trên sân khấu và của công chúng đang ngồi trước màn hình ti vi.
Thành Lộc, Thúy Hạnh và Huy Tuấn đang rụt rè trong cách nhận xét thí sinh Got Talent?
Bằng chứng cho cái gọi là quyền uy giám khảo là việc Simon Cowell đã “vô tình” coi thường giọng ca từng làm nổi cơn sốt trên toàn thế giới Susan Boyle, khi cô này tham dự Britain’s Got Talent 2009.
Khi Susan Boyle bước ra sân khấu để thể hiện phần thi của mình tại cuộc thi Britain's Got Talent, Simon Cowell đã tỏ ra hoài nghi về khả năng của người phụ nữ 47 tuổi thất nghiệp và độc thân này.
Nhưng một trong ba giám khảo của cuộc thi Britain's Got Talent đã thực sự kinh ngạc khi Susan Boyle bắt đầu cất tiếng hát bài I Dreamed A Dream. Phần trình diễn của cô tại cuộc thi đã trở thành cơn “sốt” trên mạng Youtube và khiến cho bao người phải rơi lệ vì xúc động. Và cũng chính sau đó Simon Cowell là người làm đĩa cho Susan Boyle. Và với tài dẫn dắt của mình, Simon Cowell đã đưa tên tuổi của Susan Boyle trở thành một hiện tượng và thu về hàng chục triệu đô.
Người Việt ta có quan điểm “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và “lời nói đọi máu” nên phần nào các chương trình truyền hình thực tế bị giảm sức hấp dẫn đi rất nhiều vì sự “an toàn đến nhạt” của giám khảo. Không thể so sánh giữa Vietnam’s Got Talent với các phiên bản Anh hay Mỹ. Nhưng quả là nhạt khi theo dõi cách trò chuyện và phản ứng của các giám khảo trong chương trình này với các tình huống xảy ra.
Ở mùa đầu tiên phiên bản Việt chọn ba thành viên BGK gồm: NSƯT Thành Lộc, nhạc sĩ Huy Tuấn và MC Thúy Hạnh. Cả ba vị trên trừ Huy Tuấn đã từng ngồi ghế nóng của Sao mai điểm hẹn, nhưng cũng là một chương trình thiên về chuyên môn ca hát, thiếu sự tương tác với thí sinh, còn lại Thuý Hạnh và Thành Lộc đều chưa có cơ hội ngồi ghế giám khảo trước đó. Có lẽ cũng chính vì thế mà sự kết nối giữa ba người chưa tạo ra ấn tượng với khán giả.
Trong ba vị giám khảo, có sự giao lưu tích cực hơn cả là người mẫu Thuý Hạnh, nhưng chị mới chỉ ở mức “trung bình khá” khi bắt đầu thể hiện được cảm xúc của mình khi theo dõi các màn trình diễn của thí sinh, tuy đôi lúc còn hơi kịch. Có thể hiện nay người ta thấy vai trò của Thuý Hạnh trong các phần nhận xét chưa nhiều, nhưng với sự xinh đẹp và rạng rỡ của Thúy Hạnh, chương trình có vẻ "mát mẻ" hơn.
Còn lại Huy Tuấn và Thành Lộc, người ta chờ đợi ở hai vị giám khảo này những nhận xét sâu cay, hay những phản ứng dữ dội hơn. Tiếc là cả hai chưa thể hiện được gì. Nhất là sự kỳ vọng ở khán giả vào Thành Lộc, nhiều người sẽ mong ở anh có những pha ngẫu hứng trên ghế nóng gay cấn hơn màn “chạy mất hút” khi nghe thí sinh hát quá dở, hay chỉ nói qua loa “thuyết phục hay không thuyết phục được tôi”. Nếu chỉ cần nói thế và thể hiện những điệu bộ đơn giản, có lẽ chẳng cần đến một nghệ sĩ đa tài và đầy tài năng như Thành Lộc ngồi ghế nóng.
Thất vọng mang tên giám khảo tiếp theo là Huy Tuấn khi anh tỏ ra quá an toàn trước những phần nhận xét của mình. Thậm chí trước những phần trình diễn nằm đúng lĩnh vực tủ của anh là âm nhạc như: trình diễn nhạc cụ của dàn nhạc làng Then, hay các phần hát của Phạn Hải Đăng, Vũ Khánh Vân, Hoàng Anh,… vị nhạc sĩ này đều dành cho họ những lời có cánh kiểu “các bác là những nông dân có gu thẩm mỹ âm nhạc cao nhất thế giới”, hoặc giả “ đến Michael Jackson cũng không hát được Chú ếch con hay như cháu”,…
Có thể nhận thấy sự thiếu nhiệt huyết trong các phần nhận xét, góp ý của các giám khảo ở đêm thi vòng loại sân khấu đầu tiên. Họ nhận xét quá an toàn, và cũng chính bởi sự an toàn đó mà ghế nóng của Got Talent chưa “dậy sóng” như ghế nóng của các cuộc thi trên truyền hình gần đây: Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo,…
Tuy mới phát sóng được hai tập đầu tiên nhưng sự thất vọng về Vietnam’s Got Talent không chỉ dừng lại ở chuyện “tài năng tầm thường” của các thí sinh, sự thiếu sắc xảo của ban giám khảo mà còn ở sự “già cỗi” của hai MC.
Không thể phủ nhận được việc mời Quyền Linh và Chi Bảo khá cứng tuổi vào dẫn dắt chương trình là một giải pháp an toàn khi cả hai đều là những nghệ sĩ và người dẫn chương trình kỳ cựu với các game show. Nhưng không có nghĩa cứ kỳ cựu là sẽ làm nên chuyện. Đặc biệt với một chương trình thiên về giải trí như Got Talent.
Hai MC của Vietnam Got Talent Quyền Linh và Chi Bảo
Ngay từ khi có thông tin Vietnam’s Got Talent sẽ lên sóng truyền hình, một sự kỳ vọng khá lớn được đặt vào chương trình này. Nhưng đáng tiếc, chương trình gần như đã bỏ lỡ xuất phát điểm đầy thuận lợi khi có một phiên bản gốc tuyệt hay.Với những gì đã được thấy, sẽ gây tâm lý thất vọng cho những ai đã trót hâm mộ các phiên bản Britain’s Got Talent hay American's Got Talent. Tuy nhiên, hy vong những “thất vọng” trên chỉ là “chiêu trò” nhằm tạo hiệu ứng ngược cho chương trình mà phía nhà sản xuất đưa ra nhằm tạo kịch tính cho các tập tiếp theo.
Theo VTCNews