Là một bộ phim được đánh giá đã có nhiều cố gắng và nỗ lực trong việc áp dụng công nghệ 3D. Cuộc chiến với chằn tinh đã khẳng định đúng bản chất sơ khai của một nền điện ảnh 3D khi trong phim còn chứa rất nhiều sạn.
Sự sáng tạo vô duyên
Cuộc chiến với chằn tinh mô phỏng từ câu chuyện cổ tích Thạch Sanh trong dân gian với một chàng trai hiếu nghĩa, lương thiện cùng với mối duyên đẹp với công chúa Quỳnh Nga.
Việc chuyển thể từ một cốt truyện đã ngấm vào máu thịt của bao con người Việt Nam với tinh thần tôn trọng bản sắc nhưng cũng cần có sự mới mẻ là một thách thức lớn đối với e kip làm phim Cuộc chiến với chằn tinh.
Và họ đã tỏ ra nỗ lực khi tạo sự khác biệt của bộ phim bằng cách cho Thạch Sanh xuất hiện từ hòn đá. Chi tiết này khiến ta liên tưởng đến Tôn Ngộ Không trong bộ phim Tây Du Kí của Trung Quốc. Còn hình ảnh voi chín ngà lại là biểu tượng khó quên trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh.
Trong khi đó, cốt truyện được khai thác theo chiều hướng lí tưởng hiện đại bằng hệ thống nhân vật được cách tân về tạo hình và cá tính.
Bỗng dưng Thạch Sanh trở thành một nồi thập cẩm của thần thoại, truyền thuyết, cổ tích và cả hiện đại. Đáng nói là các tình tiết trong phim cũng không kết nối với nhau một cách chặt chẽ mạch lạc.
Sự xử lí không được chau chuốt này khiến các chi tiết càng lộ, càng thô và rời rạc. Thêm nữa các diễn viên đóng vai trò chính trong kết nối mạch chính của bộ phim cũng không được uyển chuyển mềm mại.
Tạo hình nhân vật kém tinh tế, diễn xuất đóng khung
Phần tạo hình trong Cuộc chiến với chằn tinh là ý tưởng táo bạo khi nói không với việc thể hiện vẻ đẹp ngoại hình của diễn viên.
Ngọc Hiếu đẹp, lí tưởng nhưng lại được che chắn kĩ lưỡng trong một bộ áo giáp giống như một chiếc tạp dề dấu nhẹm thân hình rắn rỏi và săn chắc, vốn là nét điển hình của Thạch Sanh.
Một khuôn mặt góc cạnh nam tính không ăn nhập với vài lọn tóc lòa xòa lãng tử trước mặt khiến cho hình tượng Thạch Sanh trở nên lạ hoắc, vừa hiện đại vừa giống người rừng.
Sánh vai bên Thạch Sanh là Dương Cẩm Linh với trang phục lạc lõng không kém. Nhằm tôn sự mạnh mẽ, cá tính của một nàng Quỳnh Nga mới, Dương Cẩm Linh bận bộ trang phục hở hang phần đầu nhưng lại thướt tha kín mít phần cuối phim.
Vẻ đẹp ngoại hình của nữ diễn viên bị che khuất hoàn toàn. Dấu được vẻ yểu điệu, yếu đuối nhưng đồng thời cũng làm mất luôn sự duyên dáng, gợi cảm.
Dương Cẩm Linh đẹp nhưng quá sa vào bản tính của một cô gái hiện đại. Với đôi môi cong hờn dỗi và ánh mắt linh hoạt cùng chất giọng chói tai, Dương Cẩm Linh không làm toát lên được vẻ đài các, kiêu sa của một cô công chúa cành vàng lá ngọc.
Ngọc Hiếu diễn xuất còn cứng và giống bị đóng khung trong bộ giáp sắt, đối thoại giống như trả bài khó tạo nên một Thạch Sanh vốn lương thiện và cực kì gần gũi với mọi khán giả Việt.
Phần diễn xuất đặc biệt khó coi trong các phân đoạn chiến đấu, diễn viên gào thét dữ dội nhưng cơ mặt lại thiếu nội lực, thiếu lửa dẫn đến cảm giác giả tạo và chưa hết mình nơi người xem.
Kĩ xảo xứng danh thảm họa
Không phủ nhận Cuộc chiến với chằn tinh là một nỗ lực và bước đột phá của điện ảnh nhà khi ứng dụng công nghệ 3D. Nhưng người xem sẽ khó lòng thỏa mãn với một bộ phim điện ảnh mà quái vật được tạo nên không khác nhiều với một tảng đá di động.
Nhiều khán giả cho rằng tạo hình này giống với quái vật Godzilla từ năm 1954. Di chuyển chậm, với các đường nét thô, cứng đơ, chằn tinh trong Thạch Sanh mang lại cảm giác ngờ nghệch, ngô nghê hơn là một con ác thú hung bạo, nguy hiểm trong truyện cổ tích.
Mặc dù các pha chiến đấu đều được thực hiện trong bóng tối mờ ảo, loang loáng nhưng vẫn không che được những khiếm khuyết trên của con quái vật này. Người xem sẽ băn khoăn không hiểu khi đưa ra ánh sáng, chằn tinh sẽ trông" khủng khiếp" đến mức nào.
Tạo hình quái vật cứng và thô.
Phần chiến đấu của binh lính với chằn tinh là phần ảo nhất trong phim khi khói lửa phun ra cũng giật cục, ngọn lửa nhìn rõ là "hàng giả", cảnh con chằn tinh ném binh lính vun vút tựa như các hình ảnh trong game online.
Đặc biệt một khán giả đã tổng hợp các phân cảnh chiến đấu là một sự chắp vá của các tác phẩm kinh điển chỉ thông qua trailer phim như sau :"0:10: đàn voi 6 ngà trong LOTR ? 0:23: cảnh chém mở màn trong Mummy 2, 0:35: Cảnh Achille vs Boagrius trong Troy 01:19: Sát thủ phái Không Động + sát thủ trong Hoàng Kim Giáp + Sát thủ Thập diện mai phục, 01:22 : lồng tiếng đấu dao trong CF 01:41: Thor" .
Tuy nhiên sự chắp vá vụng về khiến bộ phim không có được thành công như mong đợi.
Tại sao Thạch Sanh xuất hiện lần 2?
Có nhiều lí do được đưa ra khi Cuộc chiến với chằn tinh được đưa ra rạp tới hai lần. Tuy nhiên mục đích chính có lẽ các nhà làm phim muốn tiếp cận với đông đảo quần chúng hơn khi lần một bị lấn át hoàn toàn bởi các phim hài Tết 2014.
Việc tạo điều kiện cho phim ra rạp một lần nữa cũng chứng tỏ các rạp chiếu phim đang tạo điều kiện thuận lợi để ủng hộ sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
Về phía người xem, sau khi Cuộc chiến với chằn tinh chiếu lần một, không ít người tỏ ra thất vọng. Đồng ý việc so sánh với điện ảnh Hollywood là quá khập khiễng, và không thể yêu cầu cao ở một tác phẩm mở đầu cho công nghệ 3D của điện ảnh Việt.
Nhưng bởi vì phim Việt không chỉ có Cuộc chiến với chằn tinh, và với một khoảng thời gian ngang nhau, thì dễ giải thích khi người xem ủng hộ phim Việt bằng một bộ phim khác chứ không phải là một tác phẩm non nớt như Cuộc chiến với chằn tinh.