Sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế, cùng xu hướng hội nhập toàn cầu hóa đã thúc đẩy làng giải trí Việt sang một trang mới. Nếu như ở thế kỷ 20 các nghệ sĩ chủ yếu dựa vào yếu tố “hữu xạ tự nhiên hương” - tài năng quyết định sự thành công và nổi tiếng thì bước sang thế kỷ 21, hòa nhịp với ngành công nghiệp giải trí, nhiều yếu tố bổ trợ giúp nghệ sĩ Việt tiến nhanh hơn trên con đường nghệ thuật.
Trước những năm 2000, nghệ sĩ Việt đa phần chỉ tập trung cho giọng hát, vai diễn sao cho tròn trịa. Nhưng từ những năm 2002 trở về đây việc pr và khuếch trương tên tuổi cũng được đẩy mạnh.
Những lối đi ngắn được thiết lập và mang lại hiệu quả to lớn. Nhờ chiến dịch lăng - xê rầm rộ nhiều ca sĩ sở hữu giọng hát ở bậc trung bình vẫn trở thành “ngôi sao ca nhạc” nổi tiếng.
Giới nghệ sĩ trẻ ở thời đại mới năng động, linh hoạt hơn trong việc nắm bắt những cơ hội giúp mình thành công và tỏa sáng. Nhưng chính giấc mơ mong đổi đời nhanh chóng đã khiến làng giải trí xuất hiện những hiện tượng xấu.
Từ việc đầu tư tài chính để lăng – xê nhân tố mới dần dà dẫn đến việc sử dụng chiêu trò để tạo sự chú ý trước dư luận. Scandal với nhiều hình thức bắt đầu xuất hiện. Nó khiến showbiz Việt ngập chìm trong tai tiếng.
Từ năm 2011 tở lại đây, công chúng chứng kiến hàng loạt tai tiếng của sao Việt. Đáng lo ngại nhiều nghệ sĩ lại xem scandal là mốt và khá nhiệt huyết trong việc tung chiêu trò để nổi. Chính vì lẽ đó trên bầu trời nghệ thuật Việt xuất hiện hàng loạt ngôi sao. Nhưng nghệ sĩ thực thụ lại cực kỳ hiếm hoi.
Nhạc Việt chưa thể vượt qua “bóng lớn”
Nhạc Việt trong những năm 2000 có nhiều bước tiến mới. Cùng với sự phát triển của kinh tế trong những năm đầu 2000, nhu cầu giải trí của người dân được nâng lên, nhiều chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu và bài bản hơn.
Duyên dáng Việt Nam mất đi vị trí độc tôn là chương trình hoành tráng nhất, công phu nhất bởi hàng loạt các chương trình văn hóa nghệ thuật mới lạ hấp dẫn hơn. Một chương trình nghệ thuật có thâm niên dần trở nên “kém duyên” bởi sự tổng hợp các thể loại: ca, múa, nhạc, thời trang đã quá quen thuộc. Thay vào đó là những chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật, mang tính hội nhập và phù hợp thị hiếu. Đặc biệt trong những năm 2000 đánh dấu giai đoạn "bùng nổ" của live show cá nhân của nhiều ca sĩ tên tuổi.
Việc đầu tư nguồn tài chính, cùng với sự hội nhập đã mang đến nhiều bữa tiệc giải trí thịnh soạn. Tuy nhiên nếu cởi bỏ vẻ hào nhoáng bề ngoài, làng giải trí Việt – mà điển hình là nhạc trẻ Việt Nam để lộ những khiếm khuyết cần khắc phục. Trong đó ca sĩ tài năng, ca khúc hay trở nên quý và hiếm.
Lê Cát Trọng Lý là một trong những "nhân tố tích cực" hiếm hoi của showbiz Việt suốt 13 năm.
13 năm, một chặng đường dài và tất cả các nghệ sĩ đeo đuổi con đường ca hát đều nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới. Song đỉnh thành công mà nhạc Việt thiết lập được trước đó quá cao. Chính vì lẽ đó mà nhạc Việt trong những năm gần đây “thua xa” thủa đỉnh cao. Dù rằng live show nhiều hơn, các MV, album được đầu tư kỹ hơn song chính việc thiếu hụt ca khúc hay lại là nguyên nhân chính.
Năm 1996, Làn sóng xanh ra đời có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lớn tới diện mạo của nhạc trẻ Việt Nam . Hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ trẻ mang đến trào lưu mới trong việc thưởng thức âm nhạc của giới trẻ.
Cũng từ sân chơi này đã góp phần đưa nhiều ca sĩ trẻ trở thành ngôi sao ca nhạc như: Mỹ Tâm, Đang Trường, Cẩm Ly, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Quang Linh, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng ...
Những năm ở cuối thế kỷ 20 được xem là thời vàng son của nhạc trẻ Việt Nam. 4 Diva của nhạc Việt cũng xuất hiện trong thời điểm này. Trong suốt 13 năm không hề có cái tên mới góp mặt vào danh sách Diva Việt.
Uyên Linh được xem là "vật báu" trong thời buổi nhạc Việt, vàng thau lẫn lộn.
Bước sang thế kỷ 21 nhạc Việt đối mặt với một khái niệm mới. Đó chính là ngành công nghệ âm nhạc. Sự phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc các nước trong khu vực châu Á – điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhạc Việt.
Cũng từ đó mà nhạc trẻ phát triển không được mạnh mẽ, bị lai tạp và khái niệm thảm họa nhạc Việt cũng xuất phát từ đây. Nhiều nghệ sĩ đã quá quen với cách sản xuất thủ công, chính vì thế khi tiếp cận nền công nghệ mới đã để lộ khả năng thích ứng thấp.
Sự ra đời của hàng loạt lò đào tạo, công ty quản lý ca sĩ theo mô hình Hàn Quốc hóa tưởng chừng như giúp nhạc Việt có được lứa “gà đẻ trứng vàng”. Nhưng những giám đốc, ông bầu, người quản lý mù mờ về âm nhạc lại nắm vai trò định hướng phát triển. Cũng vì thế mà nhiều “hàng lỗi” đã xuất hiện trong làng nhạc.
Đổi lại những sân chơi âm nhạc trên truyền hình đã bù đắp được lượng ca sĩ, nhạc sĩ có tài năng đang thiếu hụt. Từ Bài hát Việt, Sao mai điểm hẹn, Việt Nam Idol… đã phát hiện ra nhiều tài năng trẻ. Trong đó phải kể đến sự xuất hiện của Uyên Linh. Chất giọng giàu cảm xúc của cô thực sự là của hiếm.
Song nếu kể tên những ngôi sao đình đám, những tài năng vượt trội thì chỉ có thể liệt kê danh sách đã cũ mèm. Từ những năm 2008 đến nay, nhạc Việt bước qua những giai đoạn khá u ám: lai tạp, bão hòa, và đầy rẫy scandal.
Nhìn vào sự phát triển của nhạc Việt có thể nhận thấy mốt “hát cho nhau nghe” khá được yêu thích. Kẻ hát, người tung hô và hết thẩy đều mãn nguyện với những điều thực tại. Trong khi đó những giấc mơ vươn ra biển lớn, tiếp cận với nền âm nhạc thế giới dường như bị lãng quên?!
Phim Việt sau thời “mì ăn liền” là fast food
Đầu những năm 2000, các nhà làm phim Việt Nam cũng cố gắng làm những phim thu hút khán giả. Người đi đầu trong trào lưu làm phim thương mại là đạo diễn Lê Hoàng với Gái nhảy. Bộ phim với hai diễn viên chính Minh Thư và Mỹ Duyên đã thu hút một số lớn khán giả.
Đề tài “nóng” đã giúp phim đạt kỷ lục về doanh thu khoảng 12 tỷ đồng, dù rằng bộ phim nhận được không ít ý kiến trái chiều. Tiếp nối thành công đó, Lê Hoàng tiếp tục sản xuất những phim ăn khách khác như Lọ lem hè phố, Nữ tướng cướp, Trai nhảy.
Những năm 2005, 2006, thị trường phim Việt Nam trở nên sôi động với nhiều bộ phim, phần lớn của các hãng tư nhân: Khi đàn ông có bầu, 1735 km, Chiến dịch trái tim bên phải, Đẻ mướn, 2 trong 1, Hồn Trương Ba, da hàng thịt...
Đạo diễn Lê Hoàng - người đi đầu trong việc làm phim thương mại và kéo khán giả trở lại rạp sau thời kỳ điện ảnh Việt rơi vào tình trạng bão hòa.
Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng diễn viên tay ngang, diễn viên không chuyên khá được ưu ái. Họ là những ca sĩ nổi tiếng được mời vào phim nhằm thu hút khán giả tới rạp.
Năm 2007 đến 2009 là thời điểm thành công của Điện ảnh Việt. Tại các rạp phim trong mùa chiếu Tết, phim Việt “lấn át” cả phim ngoại.
Từ thành công có được, nhiều hãng phim tư nhân bắt tay vào việc cho ra những sản phẩm mới như: Đẹp từng centimet, Giải cứu thần chết, Huyền thoại bất tử. Chuyện tình xa xứ, 14 ngày phép.
Lực lượng diễn viên, đạo diễn Việt kiều cũng mang đến làn gió mới cho điện ảnh nước nhà. Phim Việt ngày càng thu hút khán giả. Không chỉ thành công ở mặt doanh thu nhiều bộ phim cũng nhận được những giải thưởng danh giá tại các kỳ liên hoan quốc tế như: Đừng đốt, Chơi vơi, Pi đừng sợ…
Những bộ phim mới nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại, góc quay ấn tượng nên thu hút hơn. Nhưng về chất lượng nội dung thì không khác thời kỳ "Mì ăn liền" là mấy.
Năm 2010, điện ảnh Việt có tới 13 phim được sản xuất và ra mắt. Đây là sự nỗ lực to lớn của các nhà làm phim. Sự cạnh tranh công bằng cũng khiến các hãng phim tư nhân đầu tư kỹ lưỡng hơn cho từng tác phẩm.
Bên cạnh những đề tài về cuộc sống hiện đại, các nhà đầu tư bắt đầu bỏ vốn để xây dựng phim cổ trang, phim lịch sử như: Long thành cầm giả ca, Khát vọng thăng long, Thiên mệnh anh hùng…
Từ năm 2010 đến nay, các nhà làm phim Việt đã sớm tiếp cận với những công nghệ mới và làm thay đổi được phần nào diện mạo của điện ảnh nước nhà. Khán giả tới rạp nhiều hơn, có cảm tình với phim Việt nhiều hơn.
Từ năm 2010 dòng phim cổ trang, phim lịch sử cũng được nhiều nhà sản xuất đầu tư giúp phim ảnh Việt đa dạng về thể loại.
Song chuyện phim nghệ thuật bị khán giả thờ ơ, phim thương mại lại kém giá trị nghệ thuật vẫn tồn tại và chưa được khắc phục.
13 năm qua dễ dàng nhận thấy sự phát triển và thay đổi rõ nét của điện ảnh Việt. Đặc biệt là sự hội nhập và phản ánh xã hội đương đại qua nhiều kichj bản thu hút. Nhưng qua cách làm phim vội vã của nhiều hãng phim tư nhân dễ dàng nhận thấy một số lượng lớn phim có chất lượng chưa cao.
Trước đây điện ảnh Việt có thời kỳ cực thịnh của dòng phim “Mì ăn liền” thì nay xuất hiện fast food(thức ăn nhanh). Kịch bản lỏng lẻo, thiếu logic, diễn viên diễn xuất yếu… là những điểm dễ nhận thấy trong hàng loạt phim mới ra lò của điện ảnh Việt.
Thời trang Việt và những nấc thang mới
Trong showbiz Việt, thời trang được xem là đứa con “sinh sau, đẻ muộn”. Trong thời điểm âm nhạc và phim ảnh làm mưa làm gió trong làng giải trí, thời trang mới bắt đầu manh nha phát triển.
Ban đầu việc trình diễn thời trang chỉ là một mảng nhỏ trên sân khấu ca nhạc nhằm tạo thêm không khí. Người mẫu đa phần là những người đẹp được phát hiện từ các cuộc thi nữ sinh thanh lịch, hoa khôi, hoa hậu…
Sàn diễn thời trang mang dấu ấn riêng biệt của showbiz Việt.
Đầu những năm 2000 hoạt động của các câu lạc bộ đội nhóm đã góp phần trong việc tìm kiếm và đào tạo lớp người mẫu trẻ. Phía Bắc có Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô, phía Nam có Nhà văn hóa Thanh Niên.
Thời trang dần có sân khấu riêng với những sân chơi đầy sức sáng tạo của các bạn sinh viên trong nhiều đội nhóm chuyên.
Sự xuất hiện của Đẹp Show do tạp chí đẹp thực hiện đánh dấu bước phát triển mới của làng thời trang Việt. Thời trang trở thành nhân vật chính trong chương trình. Người mẫu, trang phục trở thành linh hồn cho đêm diễn thay vì vai trò phù họa cho chương trình ca nhạc.
Trong chặng đường 13 năm của showbiz Việt, Đẹp show ghi dấu 11 kỳ tổ chức thành công. Mỗi chương trình đã mang đến những không gian riêng, là nơi tôn vinh sự sáng tạo và thăng hoa của các NTK. Đó cũng là nơi giúp người mẫu khẳng định tài năng của mình.
Đẹp Show tạo động lực mạnh mẽ trong việc phát triển nghề thiết kế, người mẫu và đặc biệt là công tác tổ chức show thời trang tại Việt Nam.
Sự phát triển của các tạp chí thời trang uy tín cũng mở ra nhiều show diễn hoành tráng. Elle show được xem là một chú lính trẻ nhưng đã sớm khẳng định thương hiệu ngay buổi đầu tiên. Qua 4 kỳ tổ chức Elle Show đã giúp các tín đồ thời trang trong nước tiếp cận nhanh nhạy với những xu hướng mới nhất của thời trang thế giới.
Góp phần thúc đẩy sự phát triển của thời trang Việt phải kể đến nhu cầu ăn mặc trong thời đại mới. "Ăn ngon, mặc đẹp" là chuyện quen thuộc và trong 3 năm trở lại đây khái niệm "ăn sang, mặc hiệu" luôn được giới trẻ chú trọng.
Elle Show đã mang đến bữa tiệc thời trang đúng nghĩa với những quy chuẩn của làng thời trang thế giới.
Từ nhu cầu thực tế đã giúp nhiều NTK có đất dụng võ. Nhiều NTK trẻ như: Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Ngân, Hoàng Hải, Trương Thanh Long…ghi dấu ấn thành công bởi tài năng của mình.
Các nhà thiết trẻ tiếp cận nhanh nhạy xu hướng thời trang thế giới. Đồng thời họ còn là những người tạo nên những trào lưu mới về phong cách. Sự say mê và không ngừng sáng tạo của họ giúp giới mộ điệu thời trang thỏa mãn với nhu cầu trưng diện, mặc đẹp và thể hiện gu thẩm mỹ cao.
NTK Công Trí là một trong những NTK tài năng. Anh xuất hiện sau các bậc tiền bối như: Sĩ Hoàng, Minh Hạnh...
Dù rằng câu chuyện về “đạo hàng”, trùng lắp ý tưởng vẫn gây tranh cãi trong làng thiết kế Việt. Nhưng không thể phủ nhận sự phát triển rõ nét và những nấc thang mới trên bước đường thành công của thời trang Việt.
Một trong những nấc thang quan trọng là sự xuất hiện của những gương mặt người mẫu trẻ trên sàn catwalk New York . Nếu như các ngôi sao đình đám trong nước chưa thực hiện được ước mơ vươn ra biển lớn thì người mẫu trẻ như: Huyền Trang, Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Minh Triệu… đã thực hiện được điều đó.
Đây là tín hiệu đáng mừng và tạo động lực giúp thế hệ người mẫu trẻ nỗ lực hơn nữa trên bước đường tìm kiếm cơ hội tỏa sáng.
Tuyết Lan đang khẳng định khả năng của mình trên sàn catwalk quốc tế.
Tạm kết
Với chặng đường 13 năm, các nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc về showbiz Việt. Thành công, thất bại của họ đều là những nét phác họa sống động. Chỉ nhìn thoáng qua bề nổi, tưởng chừng như showbiz Việt đang trên đà phát triển. Nhưng nhìn rõ ở cốt lõi vấn đề lại là bước thụt lùi đáng kể.
Sự tiếp cận và hội nhập xu hướng mới là điều dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên bản sắc riêng và những tên tuổi mới là hình ảnh còn khá nhạt nhòa trong dòng chảy 13 năm của showbiz Việt.
Thay vào đó những yếu tố tiêu cực lại tràn lan và làm loang màu bức tranh nghệ thuật. Đây là điều cần khắc phục để mang đến những làn gió tươi mới và giúp nền văn hóa nghệ thuật nước nhà phát triển theo hướng tích cực.
Ở thế kỉ 20 làng văn hóa nghệ thuật Việt, nghệ sĩ tạo dựng được tên tuổi nhờ quá trình lao động cần mẫn trên cánh đồng nghệ thuật. Tuy nhiên bước sang thế kỷ mới, cục diện hoàn toàn thay đổi, nhiều cá thể không có bất cứ hoạt động nào trong mảng văn hóa nghệ thuật nhưng vẫn nghiễm nhiên trở thành sao của làng giải trí. Bí quyết của họ nằm ở việc khoe nét gợi cảm, khoe đồ hiệu và phát ngôn sốc...
Trong nhịp sống hiện đại, mọi thứ đều vận hành trong guồng quay vội vã. Nhưng sự vội vã trong việc sáng tạo nghệ thuật lại không đáng hoan nghênh. Trước đây những tác phẩm được thai nghén rất lâu và cho ra đời khi cảm xúc người nghệ sĩ thăng hoa.
Nhưng trong thời buổi của công nghệ giải trí phát triển, tác phẩm nghệ thuật “ra lò” đều đặn và mau lẹ như chứng gà công nghiệp.Cũng vì thế mà công chúng Việt vẫn hoài niệm về thời thịnh vượng của làng giải trí Việt – Điển hình là nhạc trẻ Việt Nam ở những năm 90.