Show nhạc Việt đắt đỏ thời bão giá

thuyhoa |

Ngày càng nhiều khán giả sẵn sàng móc hầu bao cho đời sống tinh thần.

Khán giả ngày càng chịu chi

Chưa bao giờ giảm giá vé, nhưng cũng không tăng ào ạt theo… giá vàng, nhạc sĩ Phú Quang cứ đủng đỉnh cũng bán hết vèo các chỗ ngồi cho 3 đêm nhạc của mình ở Nhà hát lớn Hà Nội. Đêm nhạc Mùa thu vàng với 1.200 vé với 3 diva Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và “tiểu diva” Uyên Linh cũng dễ bề tiêu thụ, dù giá rẻ nhất, ngồi xa cũng lên đến 800.000 đồng.

Để dự Dạ tiệc trắng 2 của Đàm Vĩnh Hưng, người ta phải bỏ ra 4 triệu đồng/vé. Cũng tầm số tiền ấy, khán giả sẽ được dự tiệc cùng Tuấn Vũ, Chế Linh trước khi nghe nhạc. Chẳng được ăn uống gì, chỉ xem thôi, khán giả cũng phải tốn 2 - 2,5 triệu đồng cho vị trí đẹp của đa số liveshow ca nhạc thời nay.

Liveshow Hà Trần – Ngũ Cung, ban tổ chức quyết định tăng thêm một đêm diễn mới đáp ứng nổi nhu cầu.

Những tưởng chỉ có các thương gia, doanh nhân thành đạt… mới mua vé VIP, nhiều bạn trẻ cũng sẵn lòng bỏ ra 5 triệu đồng để mua cặp vé chương trình Không gian âm nhạc. Nhiều người thích xem đến nỗi liveshow Hà Trần – Ngũ Cung, ban tổ chức quyết định tăng thêm một đêm diễn nữa mới đáp ứng nổi nhu cầu.

Không biết có phải vì nhiều người “chịu chơi” quá hay không mà các chương trình ca nhạc ngày càng hướng đến khán giả có tiền, dù ca sĩ thuộc dòng nhạc sang hay nhạc sến, đẳng cấp hay bình dân. Cứ “dính” đến diva, divo, ông hoàng hay ca sĩ hải ngoại là phải tiền triệu. Bởi cơ hội để nghe họ hát thì lại không nhiều nên người nghe vẫn sẵn sàng chi trả. Một khán giả than thở: “Ngày xưa, ngồi ghế đẹp là 700.000 đồng, bây giờ cũng vẫn bằng ấy tiền thì chỉ được ngồi ghế xấu nhất!”.

Khán giả “nghèo” đi đâu?

Thay vì tới các sân khấu lớn, nhiều khán giả tìm đến những phòng trà ca nhạc hoặc những quán cà phê. Anh Tuấn Linh (Cửa Bắc, Hà Nội) cho rằng lương của mình không phải là thấp, nhưng vẫn không thể đi xem ca nhạc 2 lần/tháng cùng người yêu nếu tới Nhà hát lớn, Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội… 

“Mua vé “nhàng nhàng” cũng phải bỏ ra 2 - 3 triệu đồng/cặp, tháng đôi lần, coi như mất nửa thu nhập. Tôi nghĩ, mỗi năm, mình chỉ có thể “nghiến răng” được đôi lần, nên những người như chúng tôi phải xác định “rẻ thì xem chơi, đắt thì nghỉ ngơi đồng tiền”.

Đêm nhạc Phú Quang luôn cháy vé, dù giá khá cao.

Sinh viên, hoặc những người vừa mới ra trường, các khán giả nhiều tuổi lại có xu hướng khác. Giá vé ca nhạc cao ngất ngưởng, có dành dụm mãi cũng chả dám mua, họ chuyển sang đi nghe ca trù ở phố cổ. “Chỗ thì miễn phí, chỗ thì giá chỉ 100.000 đồng đồng, họ lại hết mình với khán giả hơn gấp nhiều lần so với ca sĩ thị trường. Nhờ “tiếc tiền” nghe nhạc trẻ mà giờ đây, tôi hiểu thêm về vốn cổ của văn hóa truyền thống”, chị Kim Liên, Minh Khai, Hà Nội, thổ lộ.

Một số khác lại chờ đợi bạn bè, người thân quay clip rồi tung lên mạng để xem “ké”, dù chất lượng kém. Theo Nga Linh, Đại học Công Nghiệp Hà Nội, một số sinh viên “sang” lắm cũng chỉ đủ tiền đi xem ca nhạc ở hội chợ, nhà thi đấu, bãi bóng… mà ở đó không ít ca sĩ vườn hát nhạc “rác”.

Theo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại