Nói về Hồ Kiểng, các nghệ sĩ có mặt đều dành cho ông nhiều tình cảm, sự kính trọng và ngưỡng mộ.
Nguyễn Vinh Sơn – đạo diễn bộ phim Đất phương Nam chia sẻ: “Vai diễn bác Ba trong Đất phương Nam đã khai thác tận cùng tài năng diễn xuất cũng như con người thật của ông. Hình ảnh một ông già lang thang, phiêu bạt, cực khổ nhưng lại rất lạc quan và mạnh mẽ có lẽ chỉ ông mới có thể thể hiện thành công đến vậy. Vai đó là dành riêng cho Hồ Kiểng ” .
“Ông già cũng không bao giờ đòi hỏi sự chiếu cố của đoàn, mà còn giúp mọi người luôn vui vẻ. Một người nghệ sĩ chuyên nghiệp và có đạo đức”, đạo diễn nói thêm.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi chỉ có một dịp duy nhất được đóng phim chung với NSƯT Hồ Kiểng là trong Thời thơ ấu của đạo diễn Ngô Quang Liên cách đây khá lâu, nhưng cô luôn yêu quý nghệ sĩ đàn anh và đến thăm viếng ông từ sớm. Những ấn tượng về người nghệ sĩ này rất sâu đậm trong lòng cô: “Ông vui tính, chân chất và rất mộc mạc. Trong công việc lại nhiệt tình và có trách nhiệm. Mong linh hồn ông được siêu thoát”.
Cũng với tình cảm sâu nặng dành cho nghệ sĩ Hồ Kiểng , NSND Hoàng Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ: “Bao nhiêu tuổi đời cũng là từng ấy năm ông cống hiến cho nghệ thuật. Hồ Kiểng hết sức chỉn chu, cần cù, chịu khó trong lao động, không nề hà bất cứ thứ gì. Ông là một hình ảnh cho lớp trẻ noi theo, là nghệ sĩ của nhân dân”.
NSƯT Thành Lộc có được may mắn đóng cùng nghệ sĩ Hồ Kiểng trong bộ phim Thạch Sanh Lý Thông nhiều năm trước. Nói về người bạn diễn già của mình, anh hết sức kính trọng: “Ông yêu nghề hơn chính bản thân mình. Đôi khi chỉ xuất hiện trong 2-3 giây nhưng ông vẫn rất vui vẻ và hoàn thành xuất sắc, chứ không phải làm cho vui” .
Nhiều năm trước, khi tham gia bộ phim Những nẻo đường phù sa , nghệ sĩ Hồ Kiểng đã không ngần ngại nhai sống một con cá. Mới đây, trong quá trình thực hiện bộ phim Mùa hè lạnh , ông đã bắt xe ôm đến trường quay từ 1 giờ sáng để kịp giờ. Những hy sinh tưởng chừng như rất nhỏ nhặt ấy, khi nhắc lại vẫn khiến con người ta khâm phục một người nghệ sĩ xem nghề nghiệp của mình như hơi thở. “Có nhiều người được phong là NSƯT, NSND nhưng họ không đứng được trong trái tim của khán giả. Nhưng ông lại làm được điều như vậy, nên việc có phong cho ông chức danh nào cũng không quan trọng” , nghệ sĩ Thành Lộc nói.
Nói về nghiệp diễn của NSƯT Hồ Kiểng , đến khi lìa đời, gần như tất cả các vai diễn của ông đều là vai phụ. Con số này lớn đến nỗi vào năm 2006, ông còn được trao cho kỷ lục Người đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam.
Nhiều người tranh cãi, liệu có thể gọi Hồ Kiểng là “cây đại thụ” của điện ảnh Việt hay không, khi ông chỉ toàn “kinh” những vai phụ, có những vai thậm chí chỉ xuất hiện chớp nhoáng như vai ông chủ tiệm cầm đồ trong phim Con thú tật nguyền.
Có thể trong nhiều trường hợp khác, nhận định này không sai. Tuy nhiên với NSƯT Hồ Kiểng , dù những vai diễn chỉ mang danh là “phụ”, nhưng bằng cách nào đó ông vẫn đủ sức khiến người xem phải suy ngẫm, tức giận, bật cười rồi lại chợt rơi nước mắt… điều mà ngay cả những người đóng vai chính cũng chưa chắc làm được.
Suốt cả cuộc đời phiêu bạt với nghệ thuật, Hồ Kiểng chưa từng, và có lẽ cũng không nghĩ đến việc một ngày được gọi là “cây đại thụ”. Vậy xin một lần được gọi ông với danh xưng này, xem như lời tri ân cuối cùng dành cho một người nghệ sĩ chân chính, và cũng dành cho cái “gia tài” đồ sộ mà ông cống hiến cho nền điện ảnh.
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ già khác, hơn 50 năm theo nghiệp diễn nhưng về cuối đời ông lại sống rất vất vả và thiếu thốn. Gian nhà tại chung cư Cao Thắng, quận 3, TP.HCM của ông chỉ để vừa đủ một chiếc giường, một cây quạt cũ kỹ, các khung hình ghi lại những khoảnh khắc của ông trên phim trường. Nên sự mất mát này, bằng cách nào đó cứ xem như lời chào yên lành của một người nghệ sĩ, cuối cùng cũng đã có thể thoát khỏi kiếp trầm buồn của cuộc sống hiu quạnh.
Hy vọng giờ đây ở nơi chín suối, NSƯT Hồ Kiểng đang mỉm cười như chính hình ảnh gần gũi, chất phác của bác Ba trong Đất phương Nam - luôn hiện diện trong lòng bao thế hệ người yêu điện ảnh của Việt Nam.