Tú Dưa cho rằng diva là mỹ từ chỉ dùng cho những ngôi sao ở tầm thế giới.
Gần đây, tôi được biết về vụ lùm xùm khi Hà Trần nói Thu Phương chỉ là ngôi sao vũ trường.
Trừ chị Hồng Nhung xuất phát từ cung thiếu nhi và sau đó chuyển vào Sài Gòn sống thì tôi không biết, còn chị Thanh Lam, chị Mỹ Linh, chị Trần Thu Hà và chị Thu Phương đều là những người đi hát vũ trường hết.
Sau đó, nhóm Quả Dưa Dấu bọn tôi cũng xuất phát từ đi hát vũ trường. Cái này không nói điêu được, vì âm nhạc cũng có lịch sử của nó.
Trong những năm 90 thì đây là điều tất yếu, bởi Hà Nội không có sân khấu. Mãi đến những năm 1996 khi nhóm Quả Dưa Hấu xuất hiện, khi đó tôi mới chỉ 16 -17 tuổi, chúng cũng vẫn hát vũ trường.
Ở thời điểm đó, tôi biết chị Thanh Lam, Mỹ Linh cũng từng hát ở vũ trường Queen Bee rồi. Thế nên không có ca sĩ nào mà không xuất phát từ vũ trường đâu. Tất cả đều nhờ vũ trường mà đi lên hết đấy.
Khái niệm "Divas", với riêng tôi là một thuật ngữ mà mãi về sau này chúng ta mới biết, khi nó du nhập từ phương Tây.
Nó là từ dành cho một nữ ca sĩ có nhiều đóng góp với nền nghệ thuật của đất nước và có sự ảnh hưởng đến tầm thế giới.
Như tôi biết, trên thế giới chỉ có 5 diva thôi, đó là: Celine Dion, Whitney Houson, Maria Carey, Janet Jackson và Madonna.
Đây đều là những cây đại thụ của âm nhạc thế giới và chỉ có như vậy họ mới được tặng phong những mỹ từ ấy. Divas biểu trưng sự ghi nhận của đông đảo khán giả trên thế giới phong tặng cho người nghệ sĩ xứng đáng.
Còn ở Việt Nam không có tên tuổi tầm thế giới nào được đông đảo khán giả phong tặng như vậy.
Mỗi ca sĩ đều chỉ một đối tượng khán giả nhất định, kể cả chị Mỹ Linh, chị Trần Thu Hà hay Thu Phương, Thanh Lam, Hồng Nhung, tất cả đều chỉ có một đối tượng khán giả riêng chứ không đông đảo.
Ở Việt Nam, tôi nghĩ dùng danh xưng divas chưa đúng. Khái niệm đó chỉ dùng cho những nữ ca sĩ tầm thế giới thôi. Dùng từ diva ở Việt Nam nó rất buồn cười.
Rõ ràng, nền âm nhạc nước ta đang ở trong "ao làng". Âm nhạc Việt Nam còn đang loanh quanh, luẩn quẩn. Nhạc nhẹ Việt Nam không rõ nét một thể loại nhạc nào cả và đang bị ảnh hưởng từ trào lưu của quá nhiều nước.
Thu Phương và Hà Trần trên sân khấu The Master of Symphony.
Nhìn về quá khứ một chút, tôi còn nhớ thời ngày xưa bọn tôi đi hát, trong các trường nhạc làm gì có thầy giáo dạy nhạc nhẹ đâu, nên tất cả chúng ta đều là tự học và tự phong, tự xưng.
Nhạc nhẹ Việt Nam không có tên trên bản đồ châu Á chứ đừng nói đến thế giới.
Ở Đông Nam Á còn chưa có tuổi, thậm chí còn thua Philipines rất nhiều. Philipines có nhiều ca sĩ đã vươn đến tầm thế giới rồi còn Việt Nam thì hoàn toàn chưa có gì.
Nên tôi nghĩ ở Việt Nam mình đừng tranh đua, phân bua cao thấp với nhau làm gì, như thế sẽ hợp lý hơn.
Quay trở lại với khái niệm Divas, đây là một từ cao quý, xét về trình độ phải thật xuất sắc. Xuất sắc ở đây là tất cả mọi người cùng công nhận chứ không phải một số khán giả công nhận.
Tuy nhiên tôi cho rằng, danh xưng mà khán giả dành tặng cho ca sĩ thì mỗi người đều có lượng khán giả riêng. Nếu khán giả coi nghệ sĩ là divas trong lòng họ thì hãy tôn trọng điều đó.
Còn riêng tôi, divas là một tự cao quý, chỉ dành cho nữ ca sĩ thật sự xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng, đứng đầu liên tục các bảng xếp hạng và có đối tượng khán giả đông đảo chứ không phải là một người hát chỉ một gout.
Những ngày qua, câu chuyện về divas tiếp tục làm dậy sóng showbiz Việt khi 5 nữ ca sĩ thành danh là Hà Trần, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung và Thu Phương cùng hội tụ trong liveshow The Master Of Symphony.
Sau đó, bình luận của Hà Trần trên Facebook nói về Thu Phương “chỉ là ngôi sao hát vũ trường khi Lam - Nhung - Linh đã thành vedette” khiến nhiều người chú ý và cho rằng nữ ca sĩ Thu cạn đang cố tình hạ bệ Thu Phương.
Nhạc sĩ Anh Tú (Tú Dưa) – tác giả của những bản hit như Nắm lấy tay anh, Anh nhớ em và mới đây nhất ca khúc Giữ lại hạnh phúc dành cho riêng Thu Phương cũng không nằm ngoài dòng chảy nhạc Việt.
Anh cho rằng, trên thế giới chỉ có 5 diva được công nhận và rõ ràng âm nhạc Việt Nam còn đang ở “ao làng”.