Quyền lực diva: Duyên khi nào đến, lộc tìm nơi nao?

Điều gì lý giải việc một ca sĩ khi còn ở Việt Nam mãi không thể “thăng hạng” được hoặc đang trên đà xuống dốc, bỗng chốc thành sao hoặc vụt sáng trở lại, quay trở về nước hát với cát-sê trên cả mơ ước của họ khi trước. Công nghệ lăng-xê trong nước quá kém hay còn gì khác nữa?

Giới nghệ sĩ nói chung, ca sĩ nói riêng, nổi tiếng xưa nay vì… mê tín, chuyện ấy không còn lạ nữa. Tự do tín ngưỡng khiến chúng ta nên tôn trọng những tín điều mang tính tâm linh của họ như thờ Tổ, tin vào “tổ đãi” hay “tổ trác” dù không ai biết chính xác ông Tổ ấy là ai, thân thế sự nghiệp thế nào. Nhưng tựu chung lại, có hai chữ được nhiều người nằm lòng, có thể giúp họ nuôi niềm tin chờ ngày nổi tiếng, hoặc dịu bớt nỗi buồn hết thời: Duyên và lộc. Duyên chưa đến thì cứ chờ, lộc đã đi thì cam chịu hoặc… nhờ Sân khấu Thúy Nga Paris By Night!

10 năm trước, cuộc ra đi của cặp nghệ sĩ Thu Phương - Huy MC sang Mỹ gây ồn ào náo động báo giới và showbiz, chủ yếu bị quy về chuyện liên quan tới chính trị, quyền công dân, quyền biểu diễn trong nước nọ kia. Ít ai để ý nguyên nhân sâu xa khác khiến họ phải đi tìm vùng đất mới cho mình. Sau thời gian nổi một cách bất ngờ, có thời điểm ăn khách bậc nhất thị trường ca nhạc, bỗng nhiên khoảng năm 2001-2002, số lượng show diễn của họ sa sút một cách lạ lùng. Nhiều ca sĩ, nhà báo âm nhạc Hà Nội khi ấy còn nhớ, thường xuyên gặp cặp đôi này ở các đêm diễn lớn trong vị trí người… đi chơi, đến gặp đồng nghiệp tào lao xong rồi tụ tập đêm khuya tán chuyện showbiz. Sự “thất sủng” bất ngờ đến mức khó lý giải này có lẽ là động lực mạnh cho việc họ tìm cơ hội ở Mỹ sau chuyến lưu diễn “lịch sử” cùng ca sĩ Lam Trường năm 2002, đánh dấu thời “bay show” tấp nập. Trong các cuộc trà dư tửu hậu của giới ca nhạc Hà Nội khi đó, nhiều người cũng chỉ biết dùng chữ “lộc” để giải thích trường hợp Thu Phương, khi mà cô từng có xuất phát rất tốt nhưng mãi không bật lên được như các ca sĩ Hà Nội khác, cho tới khi được các nhà sản xuất âm nhạc từ Sài Gòn tình cờ phát hiện ra và đem cái “duyên” đến cho cô. Cuối cùng thì Thu Phương nay trở thành “ca sĩ hải ngoại” và có thể trở về nước biểu diễn trong địa vị của một ngôi sao, điều cô đã từng đạt được rất lâu trước đây rồi tự nhiên mất đi.

Trường hợp Ngọc Anh (cựu Tam ca 3A) thì hơi khác Thu Phương một chút. Ít nhất Thu Phương cũng lên tới đỉnh cao trong vị trí ca sĩ solo. Còn Ngọc Anh, thời vinh quang của Tam ca 3A cũng không giúp được gì cô khi tách nhóm. Mất mấy năm vô cùng lận đận đi đi về về giữa Hà Nội - Sài Gòn, loay hoay từ nhạc Phú Quang tới Trịnh Công Sơn, tiền chiến tới nhạc rock, nhạc dance, dù sở hữu một giọng hát hay, đầy xúc cảm, nhưng vận may dường như vẫn ở đâu đó rất xa ngoài tầm với của Ngọc Anh. Có lần người viết còn nghe cô băn khoăn về việc có nên kiên định… hát nhạc Phú Quang nữa hay không. Thế rồi chẳng bao lâu sau lần ấy, bài Giết người trong mộng của Phạm Duy trên Sân khấu Thúy Nga biến cô thành át chủ bài của trung tâm hải ngoại đồng thời đem lại vị thế ngôi sao trong nước khi cô trở về, điều mà bao lâu nay cô không làm được cho dù vẫn hát hay như thế. Duyên đến muộn với cô hay là nói theo phong thủy phải đất khác mới đem lại lộc?

Hai trường hợp tiêu biểu này khiến chúng ta nhớ lại hàng loạt những cái tên khác đã phải nhờ đến sân khấu hải ngoại để thay thời đổi vận, mà nổi bật nhất là Như Quỳnh (tức Quỳnh Như trước đây). Khi còn ở trong nước, dù giành giải Nhất cuộc thi hát danh giá nhất khi ấy là T iếng hát Truyền hình, và còn có một bài “hit” nho nhỏ là Dòng sông và tiếng há t (Nguyễn Nam) nhưng Quỳnh Như vẫn là một cái tên hết sức mờ nhạt, chỉ 3-4 năm sau, cô vụt lên thành ngôi sao lớn nhất của ca nhạc hải ngoại. Gần đây, trường hợp ca sĩ Mai Thiên Vân (tức Mai Hậu) cũng là cuộc đổi ngôi vô cùng ngoạn mục với chính cô.

Quyền lực diva: Duyên khi nào đến, lộc tìm nơi nao?
Thu Phương

Vậy phải chăng những sân khấu tân kỳ sáng lòa của hải ngoại có sức mạnh lăng-xê kinh khủng đến mức lật ngược vận mệnh của một ca sĩ đến thế, hay tại khán giả trong nước ở bên ngọc không thấy ngọc quý, phải nhờ người ngoài khai sáng cho? Nếu Ngọc Anh không đi Mỹ sống thì bây giờ vị trí cô thế nào? Thu Phương mấy năm liền không có nổi bài “hit” nào đùng một cái sang Mỹ thành ngôi sao sáng nhờ vào một bài hát vô cùng cũ là Bang Bang (với lời Việt của Phạm Duy) thì việc ấy có giúp lý giải sự thất sủng mà cô đã phải chịu một cách bất công ở sân khấu trong nước không? Khán giả dễ quên dễ chán hay có mới nới cũ? Nếu quả thực họ như vậy tại sao giờ này vẫn chính họ lại hân hoan chào đón những ngôi sao mà họ từng từ bỏ hoặc từ chối?

Nếu tất cả các câu hỏi ấy đều có câu trả lời thỏa đáng thì chắc chúng ta đã có được một nền ca nhạc đại chúng vận hành theo đúng chuẩn mực. Tôi không biết giờ này một nhóm khán giả rất bất lịch sự ở phòng trà 2B cách đây 8-9 năm đã dài miệng ra chê Ngọc Anh một cách thô lỗ khi cô đang hát trên sân khấu chính những bài hát mà nay cô hát trên video hải ngoại nghĩ gì khi chứng kiến người mà họ chê là “Bắc Kỳ bày đặt hát nhạc xưa” đã trở thành ngôi sao bằng những gì mà họ cho là “bày đặt” ở một nơi mà sự bảo thủ về “nhạc xưa” còn lớn gấp mấy lần Sài Gòn. Một khi khán giả không chủ động mở lòng đón nhận những tài năng ca hát đích thực như vậy, phải chờ tới các sân khấu bên kia nửa vòng Trái đất “gợi ý” cho thì mới tự tin mà tiếp nhận thì rõ ràng “duyên” và “lộc” sẽ còn tiếp tục rất…mông lung. Và làn sóng lao vào mông lung bên kia đại dương để tìm duyên và lộc vẫn đang tiếp diễn rất… tưng bừng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại