Trong suốt tuần vừa qua, vấn đề nổi cộm nhất là nhiều trang báo mạng tập trung khai thác những phát ngôn của một cô người mẫu trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo giấy được đăng tải lại. Câu chuyện về cuộc đời của một cô người mẫu vô danh thành công ở điểm, bài phỏng vấn đã tạo ra 2 thái cực rất mạnh trong não trạng người đọc. Một bên đánh giá cao sự thật thà, trung thực, còn một bên nhắm vào những hiểu biết nông cạn, ứng xử ngô nghê cộng với lối sống thực dụng của cô người mẫu.
Thế nhưng, đặt ra câu hỏi: Tại sao trong thời gian qua hình ảnh cô người mẫu xuất hiện nhiều đến thế, cô ta là ai, giá trị của cô ta nằm ở đâu, tại sao bài bài phỏng vấn lại xuất hiện vào thời điểm này? Người ta dễ dàng nhận thấy một chiến dịch lan truyền thông tin lớn được phủ trong suốt thời gian qua thông qua người đứng sau không ai khác là công ty quản lí cô người mẫu này và báo chí bỗng dưng trở thành công cụ đắc lực cho chiến dịch lăng xê không tốn nhiều tiền(!).
Chúng tôi mới chỉ là thiên thần thôi (!)
Đầu tiên, công ty này phủ không sót tờ báo mạng nào bằng những bộ hình, kèm theo đó là danh hiệu tự huyễn nhằm nâng cao giá trị vô danh của cô người mẫu chưa từng có giải thưởng lớn đánh giá cao về tư cách nghề nghiệp và giá trị năng lực của bản thân. Tiếp sau đó, công ty này đẩy cô người mẫu vào vị trí vedette trong đêm diễn hàng năm của công ty, gạt những người mẫu có danh hiệu khác cùng công ty sang những vị trí khiêm tốn. Kịch bản này đã qua mắt được hàng loạt tờ báo chính thống, uy tín nhất một cách "tự nhiên" để cô người mẫu đường hoàng có giá trị sức nặng riêng với các người mẫu nổi tiếng khác (trong nhận thức người theo dõi).
Cách thức tiếp cận của công ty dành cho cô người mẫu hình thức không khác gì một con virus bám lấy truyền thông và liên tục rải thông tin, nhân rộng một giá trị giải trí ảo mà nếu không tỉnh táo, thì sẽ tiếp tục còn tác động để "bắt buộc" người ta sẽ phải chú ý, tăng cường sự nhận biết của công chúng bằng việc biến báo chí thành công cụ nhân bản.
Nhiều người mẫu muốn nổi tiếng bằng việc ... thi hoa hậu
Nhưng, điểm rơi sai trong chiến dịch này, cũng như một vài scandal khác là "con đường" đã chọn có thể tốt về việc phủ hình ảnh, nhưng sẽ là thất bại trong việc xây dựng hình ảnh trong mắt các thương hiệu lớn và giới chuyên môn. Giá trị của người mẫu, người đại diện hình ảnh là phải tự đứng được bằng chính chất xám của mình ngoài các lợi thế về hình thể, gương mặt... Sẽ khó có một thương hiệu đồ lót lớn nào dám cân nhắc một cô người mẫu thiếu đầu óc về ứng xử làm đại diện cho hình ảnh, khi mà chỉ nhìn sơ qua, một nhân viên Marketing bình thường cũng nhận ra bàn tay phía sau hỗ trợ truyền thông cho cô người mẫu một cách lộ liễu. Quan trọng hơn, việc quản trị hình ảnh của tự bản thân cô người mẫu không tốt, lộ ra quá nhiều thông tin đời sống cá nhân, lối sống không khác nào tự dựng lên những cái nhìn không tốt đẹp từ khách hàng, vốn là người nhạy cảm với các sản phẩm, thương hiệu.
Tuần qua, sau đoạn videoTrinh ơi, đừng sợ 1gây ra nhiều ác cảm với công chúng vài tuần trước, nữ diễn viên Kiều Trinh tiếp tục là chủ nhân của đoạn video clip thứ 2, và phần âm nhạc cũng do chính nữ diễn viên này thể hiện. Ngược với dự định hâm nóng tên tuổi và tạo ra sự chú ý lớn hơn, lần này, dư luận dường như đã có vẻ khá thờ ơ trước "sản phẩm" của nữ diễn viên. Nếu như ở video clip đầu tiên, khán giả có thể cho rằng đây là sự cố ngoài ý muốn và ít nhiều bày tỏ sự quan tâm, thì đoạn video clip thứ 2 không nhận được hiệu ứng truyền thông nào lớn khi tiếp tục nhào, nặn lại những ngôn từ thiếu tế nhị kèm theo những hình ảnh khoe thân không mới lạ gì của nữ diễn viên.
Diễn viên Kiều Trinh
Hai chương trình ca nhạc lớn được khán giả trông đợi đã diễn ra trong tuần qua. Show diễn Cầm tay mùa hè đã tiến hành đêm diễn thứ 3 tại TP HCM nhằm đáp ứng sự quan tâm của nhiều khán giả sau tiếng vang từ 2 chương trình cháy vé tại Hà Nội. Điều đáng ngạc nhiên là sức hấp dẫn của chương trình đã không đủ lớn để kéo được chật kín khán giả phía Nam tới địa điểm biểu diễn. Lý giải về điều này, có lẽ không nằm ở ca sĩ và gu thưởng thức, mà có lẽ nằm ở khâu truyền thông của chương trình quá sớm, khiến cho thông tin càng gần lúc chương trình bị loãng khiến khán giả thiếu đi sự tập trung cần thiết để quan tâm hơn tới chương trình.
Giá vé cao nhất lên đến hai triệu đồng - hơn gấp ba lần so với công bố trong buổi họp báo giới thiệu chương trình, khiến nhiều hàng ghế trên SVĐ QK.7 vắng bóng khán giả? (Theo PNOL)
Hai đêm diễn của Á quân American Idol - David Archuleta cũng nằm trong tình trạng thiếu vắng khán giả. Tại TP HCM, một tờ báo ước tính số lượng ghế trống là 1/3 số thì tại Hà Nội, hàng chục dãy ghế sau bàn điều khiển âm thanh cũng không có khán giả. So với các chương trình có sự tham dự của các ngôi sao hàng đầu thế giới, 2 đêm diễn của David Archuleta khiêm tốn nhất về quy mô tổ chức, nhưng ngoài phần trình diễn của David Archuleta đã được chủ động sẵn về kịch bản, thì đây thực sự là một chương trình rời rạc về nội dung, hoàn toàn không có tính liên kết giữa American Idol và Vietnam Idol, không giống với các thông tin ban đầu được đưa ra.
Sự có mặt của các nghệ sĩ Việt Nam ở phần đầu chương trình không khác gì so với các show diễn thông thường, và họ hoàn toàn đủ thời gian để chạy show vì kịch bản kết chương trình không có màn chào kết yêu cầu sự có mặt của tất cả các nghệ sĩ tham gia. Khán giả còn bất ngờ hơn khi toàn bộ các ca sĩ Việt Nam đã sử dụng nhạc đĩa thay vì nhạc công giống như David Archuleta nhưng chính phần âm thanh của các ca sĩ Việt lại có vấn đề khiến cho các phần trình diễn không trọn vẹn và ít được khán giả hưởng ứng thật sự.
Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Văn Mai Hương, Uyên Linh
Sự an toàn và cách bố trí an ninh trong chương trình cũng là điều đáng để nói đến. Từ phần biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng (trong đêm diễn tại Hà Nội) đã thấy rất rõ sự mất kiểm soát khâu quản lí khán giả, cho tới phần độc diễn của David Archuleta, một số lượng lớn khán giả đã tràn lên những hàng ghế VIP, đứng chắn tầm nhìn và thể hiện sự ủng hộ của mình trong sự bất lực của những khán giả đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để có những vị trí quan sát tốt. Rất may, sự cổ vũ của khán giả dành cho David đã không gây ra điều đáng tiếc nào lớn, và cũng là điểm sáng duy nhất vớt vát uy tín cho toàn bộ chương trình với những chuệch choạch từ kịch bản, MC, âm thanh, cách thức tổ chức ... mà một chương trình tầm cỡ không nên vướng vào.
Một sự việc không kém ồn ào khác trong tuần qua là vấn đề "nhái" trang phục tiếp tục được độc giả phản ánh. Một độc giả từ mail hhh30...@gmail.com đã gửi tới hình ảnh một trang phục trong BST Ready to wear của Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường được trình diễn trong một chương trình thời trang gần đây, và dẫn chứng thêm 2 bộ trang phục khác của các hãng thời trang nổi tiếng Versace, Gucci. Điều dễ nhận ra khi quan sát là chiếc đầm do NTK Đỗ Mạnh Cường thiết kế có phần thân dưới khá giống với thiết kế váy 3 tà trong trang phục của hãng Gucci, còn phần thân trên thì hoàn toàn giống với chiếc váy của hãng Versace. Độc giả cho rằng, NTK Đỗ Mạnh Cường đã lắp ghép vụng về một số chi tiết độc đáo của các thiết kế nổi tiếng đưa vào trang phục của mình, nhưng phần quan trọng nhất là dấu ấn thiết kế cá nhân nổi bật trên chiếc này thì không có.
Trả lời một báo mạng, NTK đã giải thích về sự giống nhau giữa 2 phần của chiếc váy. Phần thân dưới của váy là một cách xử lí không còn mới lạ và được áp dụng nhiều trong các thiết kế trước đây trên thế giới. Đối với phần thân trên, NTK này chưa đưa được ra lí do cụ thể, chính xác về sự khác biệt ở phần thân trước mà chỉ chốt lại: "Đây là một sự cố mà tôi không hề mong muốn. Tôi chỉ mong mọi người đặt mình vào vị trí của tôi để hiểu hơn thôi". Đối với phần thân sau, NTK cho rằng đây là điểm chính để phân biệt thiết kế, thay vì sử dụng tua rua như phần thân trước để tạo sự đồng nhất (thiết kế Versace), NTK này sử dụng ruy băng để kết nối.
Bằng quan sát thông thường, có thể thấy việc sử dụng tua rua ở phần thân trước và sau của Versace là hợp lí, trọn vẹn về ý tưởng thiết kế, còn việc sử dụng ruy băng dường như làm mất đi sự tự nhiên và thanh thoát của trang phục vì với thiết kế váy 3 tà, NTK đã ngầm thể hiện sự tự do khi di chuyển thì với nút thắt duy băng lớn, thô và quá đơn giản làm cho trang phục ở nên nặng nề, bó buộc người mặc và không tạo được chiều sâu về thẩm mỹ như thiết kế của Versace.
Một sự sai sót khác trong tuần qua là việc nhầm lẫn danh hiệu trong một cuộc thi sắc đẹp mới kết thúc gần đây. Một người mẫu từng gây ra nhiều ồn ào trên báo mạng liên quan đến diễn viên - người mẫu Elly Trần đã bất ngờ đạt danh hiệu Á hậu 2 của cuộc thi Miss National Asia 2011. Thông tin này đã được đăng tải trên một số tờ báo mạng nhưng dường như việc kiểm chứng thông tin còn rất sơ sài và thiếu trách nhiệm.
Jennifer Phạm đăng quang Miss Asia USA 2006
Trong bài viết, tác giả cho biết đây là cuộc thi mà Jennifer Phạm từng tham dự và đăng quang nhưng thực tế, Miss National Asia và Miss Asia USA là 2 cuộc thi hoàn toàn khác nhau dù cùng được tổ chức tại Mỹ. Miss Asia USA là cuộc thi có tên tuổi và uy tín trong cộng đồng người Châu Á tại Mỹ với 23 năm hình thành và phát triển còn Miss National Asia mới được tổ chức từ năm 2006 và chưa được nhiều người biết đến. Phan Thị Mơ, Top 5 HHTG Người Việt hiện đang có mặt tham dự cuộc thi Miss Asia USA.
Theo 2Sao