Quá khứ của Quyền Linh, một quá khứ gây choáng!

Cẩm Giang |

Choáng ở đây - chính là việc Quyền Linh đã mạnh mẽ vượt qua tất cả những bi thương, không chấp nhận đầu hàng số phận.

Quyền Linh tên thật là Mai Huyền Linh, sinh năm 1969. Ở thời anh, người nghèo nhiều chứ giàu đâu có mấy. Thuộc dạng bần cố nông mà “chịu chơi” như Quyền Linh lại càng hiếm.

Bố mẹ chia tay, mẹ đi bước nữa, dượng cũng mất sau đó không lâu, sự sắp đặt của số phận đẩy cậu bé tong teo như cây tăm thành người đàn ông trụ cột của gia đình.

Người ta làm một thứ đã có cái dằn bụng, còn anh chạy từ việc nọ sang việc kia mà vẫn bữa no bữa đói. Nhà nghèo quá, mẹ bao lần bắt anh nghỉ học nhưng Quyền Linh đâu có chịu.

Nói anh “chịu chơi” cũng vì thế. Với hoàn cảnh của Quyền Linh thời bấy giờ mà vẫn miệt mài chạy theo con chữ so ra còn “sành điệu” hơn gấp trăm lần một phó thường dân quẹt thẻ cho chiếc túi hàng hiệu ở cửa hàng thời trang.

Nói vậy để thấy chữ nghĩa đối với những đứa trẻ thuộc gia đình bần cố nông ngày ấy vốn là thứ rất xa xỉ.

Cấp 1, cấp 3 rồi Đại học, bao nhiêu lần thấy mẹ lắc đầu khi nói chuyện đi học là bấy nhiêu lần anh rớt nước mắt. Đâu phải năn nỉ, được mẹ gật đầu là xong. Tiếp theo sau đó là một chuỗi những đêm thức trắng để làm việc quần quật.

Lần đầu bị bắt nghỉ học, anh kiếm tiền bằng cách mài củ mì làm bánh rồi gạt đi ánh nhìn ái ngại của bạn bè, sĩ diện của một đứa trẻ, mang vào trường bán.

Lần thứ hai, anh xin làm việc ở nhà máy chà lúa. Sức mạnh của con chữ đã giúp một đứa trẻ gầy còm, ốm yếu vác từng bao tải lúa nặng trịch chạy phăm phăm từ xuồng vào nhà máy.

Lần thứ ba, Quyền Linh ra đồng kéo rơm, cắt cỏ, làm đến bao giờ chân không còn đứng vững, tay không cầm nổi cuốc nữa mới chịu về nhà...

Và, lần thứ 3, lần thứ 4...rồi rất nhiều lần khác, Quyền Linh phải đối mặt với thử thách, khó khăn.

Học cấp 1, anh phải đi bộ 6km mới đến được trường. Lên cấp 3, quãng đường ấy dài gấp đôi. Đi nhờ bạn nhiều cũng ngại, chọn đường tắt nhưng không có tiền đi thuyền sang sông, Quyền Linh đành tự bơi.

Chẳng ai thích nghèo, Quyền Linh cũng vậy, đói lại càng không. Vậy mà anh cứ bị bám dai như đỉa. Thậm chí, chúng còn hành anh đến đỗi có lần Quyền Linh đã nghĩ đến việc trộm đồ của bạn mang bán.

Đó là những tháng ngày anh nhận ra cánh cửa trường Nghệ thuật sân khấu 2 không lấp lánh đến vậy. Để cầm cự, nuôi ước mơ đổi đời, anh đi lượm ve chai, bơm bánh xe dạo rồi ra chợ khuân vác hàng, nhận lấy tiền công là vài cái bắp cải dằn bụng qua ngày.

Đừng tưởng vậy là đã khổ, vẫn còn tốt chán. Có những ngày, không có việc, không có tiền, không có bắp cải, anh phải uống nước lọc cầm hơn để bước đến giảng đường, mang cái thân èo uột ra rượt đuổi “con nghệ thuật”.

Ngày được Hữu Châu giới thiệu vai diễn đầu tiên trong đời, Quyền Linh chạy ngược chạy xuôi mới mượn bạn bè được bộ đồ đẹp.

Đợi trước cổng trường từ 5 chiều đến 10 giờ đêm mới có người đến đón nhưng anh không dám ca thán nửa lời, đứng mãi mỏi chân cũng chẳng dám ngồi vì sợ nhăn quần áo.

Gia đình hạnh phúc của Quyền Linh.

Khi tới nơi, thấy dàn diễn viên chạy giặc đông đúc, Quyền Linh đã tính toán, chọn góc máy để được lên hình nhưng không thành. Phim ra rạp, chăm chú lắm, anh mới thấy được tấm lưng của mình.

Nhưng con đường vai phụ cũng rộng mở với anh từ đó, thậm chí còn xán lạn đến độ thấy anh trong dàn diễn viên, vị đạo diễn nọ còn lắc đầu: “Sao mặt thằng này phim nào cũng có nó”.

Có vở kịch, Quyền Linh xuất hiện từ đầu đến cuối nhưng không được một lời thoại nào, hỏi ra mới biết lần đó anh vào vai binh sĩ cầm gươm giữ cổng thành.

Đời sống quá cực khổ trong khi niềm đam mê lại quá lớn. Thế nên, mỗi lần được người ta kêu đi đóng phim, anh mừng lắm. Điều đáng sợ nhất với Quyền Linh lúc đó không phải là vai nhỏ, sự vất vả hay đồng lương ít ỏi mà sợ bị người ta thay vai.

Và chàng trai gầy còm ngày ấy cứ sống trong đam mê một cách không tính toán như thế cho đến khi giành được giải tư trong cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh ở khu du lịch Văn Thánh năm 1992.

Sau giải thưởng đó, anh lập tức được mời một vai phụ trong bộ phim Khát vọng sống. Đến ngày quay, nam chính quyết định rút lui nên anh được đôn lên.

Một lần nữa trong đời, Quyền Linh lại rớt nước mắt. Song, những tủi hờn không còn nữa, thay vào đó là hạnh phúc và cả sự tự hào. Cầm trong tay số cát-xê 1,2 triệu đồng cho vai chính đầu tiên, anh thậm chí còn không dám tin đó là sự thật.

Bước qua hết chông gai, với đôi bàn chân chảy máu, những cố gắng của Quyền Linh cuối cùng cũng được công nhận.

Lẽ dĩ nhiên, vai diễn chính đầu tay không đủ để anh một bước thành sao, số tiền cát-xê ấy cũng chẳng thể giúp anh xa rời đói nghèo nhưng chúng mở ra những chương mới tốt đẹp hơn.

Khán giả nhờ vậy mà biết đến một Lãm gồ ghề trong Người Hà Nội, chàng họa sĩ Thành trong Giao thời hay Huy bất cần đời của Đồng tiền xương máu

Thành công, danh tiếng là thế nhưng khi nghề diễn đang ở thời đỉnh cao, quá khứ về một thời nghèo đói lại quay về ám ảnh, rủ rê Quyền Linh rẽ sang một hướng khác, khiến anh nhận lời làm MC cho chương trình Vượt lên chính mình.

10 năm rong ruổi trên những cung đường đầy rẫy sự khó khăn, nghèo đói, Quyền Linh đã cùng khóc, cùng cười với những mảnh đời bất hạnh. Có người còn thương, trọng vọng anh đến độ lấy hình Quyền Linh đặt lên bàn thờ với ông bà, tổ tiên.

Dẫu trong số đó, không phải ai cũng được biết về câu chuyện cuộc đời, những khổ sở anh phải trải qua trong thời kỳ niên thiếu nhưng chắc rằng, sự thành công của Quyền Linh ngày hôm nay vẫn là đích đến cho những ai biết cố gắng.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại