Năm 2012, điện ảnh Việt Nam có tới trên dưới 20 bộ phim ra mắt công chúng. Nhiều tác phẩm được khán giả đón nhận và được kha khá lời khen như Thiên mệnh anh hùng, Scandal (đạo diễn Victor Vũ), Chạm (đạo diễn Nguyễn Đức Minh) hay Dành cho tháng Sáu (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn). Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều tác phẩm hứng vô số “đá” từ dư luận như Hello cô Ba, Ranh giới trắng đen hay Nàng men chàng bóng.
Có thể nhận thấy xu hướng rầm rộ nhất trong một năm trở lại đây của số đông nhà sản xuất cũng như đạo diễn phim Việt là làm phim “nhảm”, gây cười bằng đủ mọi cách hoặc cố tạo nên những yếu tố giật gân để câu khách, kiếm lợi nhuận theo đúng tiêu chí “nhanh - gọn - nhẹ” (làm nhanh, kinh phí gọn, nhẹ nhàng thu tiền). Sự xuất hiện của nhiều bộ phim như thế năm qua dần định hình trong người xem một định kiến về phim Việt - đã “hài” thì phải “nhảm”.
Hello cô Ba – “phát súng” đầu tiên
Công chiếu vào dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn, Hello cô Ba của Phước Sang là phim hài gây cười kiểu bình dân với câu chuyện đơn giản, dễ dãi, cù lét khán giả. Khi ra mắt, nhiều người còn nhận định tác phẩm này chỉ là một chuỗi màn tấu hài được chắp vá hoặc không khác gì một vở hài kịch được chiếu trên màn ảnh rộng. Một số khác còn có những lời chê bai nặng nề về chất lượng Hello cô Ba và cho rằng với “phát súng” đầu tiên thế này thì năm 2012, điện ảnh Việt Nam sẽ tràn ngập “thảm họa”.
Hello cô Ba là ví dụ điển hình nhất cho các phim “hài nhảm” – yếu tố gây cười, vui vẻ đặt lên hàng đầu nhưng là kiểu “cù lét” khán giả bằng cách cho nhân vật có những hành động ngu ngốc nhất có thể, sự hốt hoảng, la hét luôn thường trực trên gương mặt từng diễn viên, cộng thêm các màn giả gái của Hoài Linh.
Khán giả miền Bắc có thể chẳng quan tâm tới Hello cô Ba bằng các phim khác cũng chiếu dịp Tết như Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải hay các phim Hollywood. Tuy nhiên, khán giả miền Nam dường như “sốt” lên với bộ phim có sự xuất hiện của Hoài Linh. Theo thống kê sau mùa phim Tết, Hello cô Ba là phim “bội thu” nhất với doanh thu lên tới trên dưới 25 tỷ đồng (theo số liệu nhà sản xuất cung cấp).
Trong khi đó, Thiên mệnh anh hùng – tác phẩm võ hiệp kinh phí lớn – hay Lời nguyền huyết ngải của Bùi Thạc Chuyên dù nhận được một số lời khen nhưng vẫn không “ăn” được phim hài kinh phí thấp của Phước Sang.
Phim “hài nhảm” rộn ràng cả năm
Nếu so sánh hai phim Tết ra cùng thời điểm – Thiên mệnh anh hùng và Hello cô Ba – thì hẳn các nhà sản xuất phim cũng phải mệt mỏi suy nghĩ và phân tích. Một phim đầu tư kinh phí lớn với bối cảnh hoành tráng, phục trang phức tạp, các màn đánh võ hấp dẫn, diễn viên đẹp nhưng lỗ; trong khi một phim hời hợt, kinh phí thấp, bối cảnh đơn giản, diễn viên đỡ vất vả và khi ra rạp thì kiếm bộn tiền, lãi suất tăng gấp mấy lần. Nếu vì mục đích thương mại thì hẳn các nhà làm phim biết mình phải đi theo con đường nào.
Phước Sang từng khẳng định: “Làm phim hài, nhất là phim mùa Tết, chúng tôi đã xác định ngay từ đầu đối tượng khán giả của mình là đại chúng. Vì vậy, nếu có một vị giáo sư hoặc một nhà phê bình nào lỡ mua vé vào rạp rồi sau đó thấy phim nhảm, ‘mì ăn liền’ thì đó là việc ngoài tiên liệu của chúng tôi”. Tuy nhiên, khán giả Việt Nam cũng là một ẩn số với bất kỳ nhà sản xuất nào. Thấy phim bị dư luận chê tơi tả nhưng tại sao nhiều người ra rạp vẫn mua vé vào xem để rồi chê bai thậm tệ – vô tình làm tăng doanh thu và khuyến khích cho dòng phim này? Đây là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.
Sau Hello cô Ba, một loạt “đàn em” cũng lũ lượt kéo nhau ra rạp như Giấc mộng giàu sang, Gia sư nữ quái hay “thảm họa chúa” Nàng men chàng bóng. Đặc điểm của ba bộ phim này đều là câu chuyện đơn giản, nhạt nhẽo, nhân vật làm các hành động ngu ngốc, mặt mũi nghiêm trọng, hốt hoảng để cù khán giả cười. Chất lượng quay phim, cách đánh sáng, âm thanh, dàn dựng đều rất ẩu, cẩu thả. Với Nàng men chàng bóng, nhiều khán giả lỡ mua vé vào rạp còn không kiên nhẫn chịu nổi chỉ sau 10 phút và quyết định ra về.
Cưới ngay kẻo lỡ có chất lượng ở tầm cao hơn các tác phẩm kể trên, nhưng là bước thụt lùi của đạo diễn Charlie Nguyễn. Cách kể chuyện cười lần này của anh dễ dãi và quá lố hơn so với Để Mai Tính hay Long Ruồi. Những chi tiết kiểu như Thái Hòa giả gái, vạch quần đi tiểu ngồi khiến Cưới ngay kẻo lỡ trở thành một phim hài “chợ”, nhưng vì đạo diễn có nghề hơn nên vẫn được xếp trên Nàng men chàng bóng hay Giấc mộng giàu sang.
Phim hợp tác còn dở hơn phim trong nước
Ranh giới trắng đen là phim hợp tác với Indonesia được quảng cáo rầm rộ với dàn diễn viên hai nước. Tuy nhiên, khi ra rạp lại gây thất vọng và đáng xấu hổ. Thoại thừa, cứng nhắc, hóa trang các nhân vật bừa bãi, cắt dựng phim ẩu và các chi tiết ngây ngô tới mức ngớ ngẩn là những gì mà nhiều khán giả xem xong “tặng” cho sản phẩm đầu tiên kết hợp giữa điện ảnh Việt Nam và Indonesia. Với tâm lý “sính ngoại”, một lượng khán giả Việt Nam vẫn bị lừa ra rạp xem Ranh giới trắng đen nhưng trở ra với sự bực mình vì mất tiền oan.
Angels là phim điện ảnh Thái Lan nhưng hợp tác với một số diễn viên Việt Nam, trong đó có Dustin Nguyễn (vai chính) và Bebe Phạm. Được giới thiệu là một phim hành động đầu tư kinh phí lớn và các cảnh hành động hoành tráng nhưng khi xem xong, khán giả không hiểu nội dung Angels muốn nói về điều gì. Ý tưởng làm không tới khiến phim trở nên nửa mùa, đầu voi đuôi chuột và khán giả xem xong thì quá mệt mỏi. Đạo diễn thực hiện Angels, Wych Kaosayananda, trước đó từng làm hai phim và cả hai đều có rating không quá 5/10 trên các website chuyên về điện ảnh.
Sau “hài nhảm”, nhiều nhà sản xuất trong nước năm qua dường như còn nghĩ ra thêm cách moi tiền bằng việc gắn mác “tây” lên phim Việt để đánh vào tâm lý sính ngoại của khán giả. Thực chất, những bộ phim hợp tác này đều rất kém chất lượng, non nớt và thậm chí còn thua xa nhiều tác phẩm trong nước.
Không “hài” nhưng vẫn “nhảm” vì tư duy làm phim
Ngôi nhà trong hẻm, Cát nóng, Đam mê hay Mùa hè lạnh đều không thuộc thể loại phim hài nhưng vẫn bị hứng cả rổ “đá” từ dư luận vì chất lượng kém.
Ngôi nhà trong hẻm là phim kinh dị ra mắt dịp Valentine. Phim có sự xuất hiện của hai diễn viên được đánh giá cao về diễn xuất là Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn, lại được quảng cáo là dựng âm thanh, hình ảnh theo tiêu chuẩn Hollywood. Tuy nhiên khi ra mắt thì khán giả hoàn toàn thất vọng. Diễn viên đóng không tệ nhưng kịch bản quá yếu, đường dây câu chuyện không chặt chẽ, thiếu logic, nhiều chi tiết thừa thãi và cách dựng sơ sài khiến nhiều khán giả khi xem xong cũng dành tặng cho Ngôi nhà trong hẻm hai từ “nhảm nhí”.
Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng được chọn chiếu mở màn cho LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai hồi tháng 11 cũng bị chê cả về nội dung lẫn cách kể. Phim có vô số lỗi ngớ ngẩn với những góc quay đặc sệt phim truyền hình nhưng lại chiếu khai mạc ở một sự kiện điện ảnh lớn trước bạn bè quốc tế.
Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn, một trong hai đại diện cho phim Việt tranh giải ở LHP, cũng gây sốc cho báo chí trong buổi chiếu thử vì một tác phẩm có chất lượng kém như vậy vẫn đại diện cho bộ mặt điện ảnh nước nhà đi thi thố. Phim gây cười bởi những tình tiết như nhân vật nữ hái hoa dại đứng trước chuồng hổ nói “Tao tặng mày này” và con hổ gầm lên lao tới hay cảnh nhân vật của Trúc Diễm vừa thổ lộ ước mơ được bay thì đột nhiên cô bay điên loạn khắp trong phòng với kỹ xảo gợi nhớ các quảng cáo trên truyền hình thập niên 1990.
Gây tò mò dịp cuối năm là Mùa hè lạnh. Đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Ngô Quang Hải sau 6 năm thực hiện lại có sự góp mặt của hai người đẹp Lý Nhã Kỳ - Midu, bộ phim này được nhiều người kỳ vọng sẽ cứu vãn cho một năm toàn “thảm họa điện ảnh”. Nhưng rốt cục khi phim ra rạp thì mới thấy đạo diễn đã “nổ” quá nhiều. Mọi thứ trong Mùa hè lạnh đều ở mức chơi vơi, phập phồng, mơ hồ một cách hoang mang. Phim nhận phần lớn phản hồi tiêu cực và trên trang Facebook của Mùa hè lạnh, khán giả đi xem về thi nhau “ném đá” rất rôm rả.
Bốn bộ phim trên đều thể hiện lối tư duy điện ảnh bảo thủ, cũ kỹ hoặc học đòi theo Hollywood mà không “tới”. Phim mắc nhiều lỗi về kỹ thuật, cách kể lại không thuyết phục nhưng khi bị chê, các đạo diễn hay nhà sản xuất thường hay biện minh là do người xem không hiểu ý đồ của họ hoặc vô số lý do khác mà chỉ có những người làm ra nó mới hiểu.